13:00 18/09/2024

Siêu vi khuẩn kháng thuốc: Mối đe dọa mà nhân loại phải đối mặt

Hoài Phương

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), biến đổi khí hậu đang làm gia tăng các mối nguy hiểm do vi khuẩn kháng thuốc gây ra. Nhiệt độ ấm hơn làm gia tăng sự phát triển của vi khuẩn, kéo theo sự lây lan của các gene kháng kháng sinh...

Ảnh: UICC
Ảnh: UICC

Đầu năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố, kháng kháng sinh (AMR) là một trong 10 mối đe dọa sức khỏe cộng đồng toàn cầu mà nhân loại phải đối mặt. Đây là hiểm họa nghiêm trọng đe dọa sức khỏe, tính mạng con người và gây thách thức cho bác sĩ trong quá trình điều trị bệnh. Báo cáo từ Trung tâm Phòng chống bệnh tật châu Âu cho biết, tại châu Âu, mỗi năm có đến 25 nghìn bệnh nhân tử vong vì nhiễm chủng vi khuẩn đa kháng thuốc. Mỗi năm, các loại vi khuẩn này tăng lên gấp 6 lần.

Mới đây nhất, nhóm nhà khoa học quốc tế thuộc Dự án nghiên cứu toàn cầu về kháng thuốc kháng sinh đã đưa ra dự báo: Các bệnh do vi khuẩn kháng kháng sinh có nguy cơ trực tiếp gây ra 39 triệu ca tử vong, cũng như gián tiếp gây ra 169 triệu ca tử vong trên toàn thế giới từ năm 2025 – 2050.

Nghiên cứu này được đăng trên tạp chí The Lancet ngày 16/9, cảnh báo nếu không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả, đến năm 2050, số ca tử vong có liên quan trực tiếp và gián tiếp tới vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh sẽ lần lượt ở mức 1,91 triệu và 8,22 triệu ca mỗi năm.

Các nhà nghiên cứu đã tổng hợp đánh giá về 22 loại sinh vật gây bệnh, 84 cách kết hợp thuốc điều trị với vi khuẩn và 11 hội chứng nhiễm trùng.
Các nhà nghiên cứu đã tổng hợp đánh giá về 22 loại sinh vật gây bệnh, 84 cách kết hợp thuốc điều trị với vi khuẩn và 11 hội chứng nhiễm trùng.

Nghiên cứu đã chỉ ra số ca tử vong do kháng thuốc kháng sinh không đồng đều ở các quốc gia và lứa tuổi. Các nước thu nhập thấp và trung bình có tỷ lệ tử vong do kháng kháng sinh ở mức cao, nhất là ở các quốc gia thuộc khu vực sa mạc miền Nam châu Phi và Nam Á, đặc biệt là đối với bệnh lao kháng kháng sinh. Bên cạnh đó, tình trạng kháng thuốc kháng sinh bị xem là mối đe dọa lớn đối với người cao tuổi, trong đó số ca tử vong ở người trên 70 tuổi tăng 80% trong giai đoạn 1990-2021.

Các nhà nghiên cứu đã tổng hợp đánh giá về 22 loại sinh vật gây bệnh, 84 cách kết hợp thuốc điều trị với vi khuẩn và 11 hội chứng nhiễm trùng như viêm màng não và nhiễm trùng huyết. Các ước tính này dựa trên thông tin, hồ sơ của 520 triệu người ở mọi lứa tuổi tại 204 quốc gia với nhiều nguồn khác nhau gồm dữ liệu bệnh viện, hồ sơ tử vong và dữ liệu sử dụng kháng sinh. Nhóm nghiên cứu dự báo tình trạng trên sẽ gây sức ép lên các hệ thống y tế và nền kinh tế quốc gia, đến năm 2030 sẽ gây thiệt hại tổng GDP từ 1.000 – 3.400 tỷ USD mỗi năm.

Bà Dame Sally Davies, đặc phái viên về tình trạng kháng thuốc kháng sinh của Anh kiêm thành viên Nhóm điều phối liên ngành của Liên hợp quốc (LHQ) về vấn đề này, nhận định siêu vi khuẩn - một chủng vi khuẩn hoặc mầm bệnh có khả năng kháng thuốc kháng sinh - đã được xác định là mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với sức khỏe toàn cầu. Phân tích này được coi là nghiên cứu đầu tiên theo dõi tác động toàn cầu của siêu vi khuẩn theo thời gian và ước tính những gì có thể xảy ra tiếp theo.

Trước đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu cảnh báo sự gia tăng đáng kể các ca nhiễm vi khuẩn hvKp kháng nhiều loại kháng sinh tại khu vực này. Đáng lo ngại là các vi khuẩn này thường thấy trong các vật dụng thông dụng trong gia đình. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu - ECDC, từ năm 2021 đến nay, số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) ghi nhận trường hợp nhiễm siêu vi khuẩn hypervirulent Klebsiella pneumoniae (hvKp) thuộc chủng di truyền 23 đã tăng từ 4 lên 10.

Số ca nhiễm được báo cáo cũng tăng vọt 12 lần, lên đến 143 trường hợp. Đặc biệt, chủng vi khuẩn này ngày càng sở hữu nhiều gene kháng lại carbapenem, nhóm kháng sinh cuối cùng được sử dụng để điều trị các nhiễm trùng nghiêm trọng. Theo ECDC, người nhiễm vi khuẩn này có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như áp xe gan di căn, viêm phổi và áp xe phổi. 

Tình trạng trên sẽ gây sức ép lên các hệ thống y tế và nền kinh tế quốc gia, đến năm 2030 sẽ gây thiệt hại tổng GDP từ 1.000 – 3.400 tỷ USD mỗi năm.
Tình trạng trên sẽ gây sức ép lên các hệ thống y tế và nền kinh tế quốc gia, đến năm 2030 sẽ gây thiệt hại tổng GDP từ 1.000 – 3.400 tỷ USD mỗi năm.

ECDC cũng cảnh báo nguy cơ cao vi khuẩn lan rộng trong môi trường bệnh viện và khuyến cáo tăng cường các biện pháp phòng chống và kiểm soát nhiễm trùng tại các cơ sở y tế, đồng thời thiết lập năng lực xét nghiệm đủ mạnh để phát hiện các ca nhiễm hvKp, bao gồm giải trình tự toàn bộ bộ gene.

Nhưng theo các nhà khoa học, những kịch bản ít thảm khốc hơn cũng có thể xảy ra nếu thế giới nỗ lực cải thiện việc chăm sóc các bệnh nhiễm trùng nặng và tiếp cận thuốc kháng khuẩn, có thể cứu sống 92 triệu người vào năm 2050. Tại Pháp, năm 2023, Bộ Y tế Công cộng Pháp cho biết số đơn thuốc kháng sinh đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là việc sử dụng kháng sinh phổ rộng (không đặc hiệu cho một loại bệnh cụ thể). Nhận thức được mối đe dọa từ tình trạng kháng kháng sinh, Pháp vừa công bố lộ trình nghiên cứu, hợp tác liên bộ trong 10 năm tới nhằm giải quyết vấn đề này.

Tại Việt Nam, PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, tại “Hội nghị triển khai Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đã chia sẻ ông từng chứng kiến những ca bệnh nhiễm khuẩn vô phương cứu chữa, bởi bệnh nhân nhiễm vi khuẩn kháng gần hết kháng sinh, thậm chí tất cả kháng sinh trên thị trường. "Chính vì vậy, chúng ta cần hành động để ngăn chặn tình trạng kháng kháng sinh", PGS Giáp nói.

Tiến sĩ Angela Pratt, Đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam nằm trong số các nước có tỷ lệ kháng thuốc cao do lạm dụng, sử dụng không hợp lý thuốc kháng vi sinh vật, đặc biệt là thuốc kháng sinh; hiệu thuốc bán thuốc kháng sinh không kê đơn. Để ngăn chặn kháng kháng sinh, Thứ trưởng Bộ Y tế kêu gọi người dân chỉ nên dùng thuốc kháng sinh theo đơn kê, tuân thủ hướng dẫn khi sử dụng kháng sinh; không bao giờ dùng chung hoặc sử dụng kháng sinh còn thừa của người khác...

Việt Nam nằm trong số các nước có tỷ lệ kháng thuốc cao do lạm dụng, sử dụng không hợp lý thuốc kháng vi sinh vật, đặc biệt là thuốc kháng sinh.
Việt Nam nằm trong số các nước có tỷ lệ kháng thuốc cao do lạm dụng, sử dụng không hợp lý thuốc kháng vi sinh vật, đặc biệt là thuốc kháng sinh.

Theo GS. TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, kháng thuốc vẫn đang là mối lo ngại ở Việt Nam bất chấp những tiến bộ khoa học đã đạt được trong 10 năm qua. “Báo cáo gần đây của chúng tôi cho thấy, xu hướng kháng kháng sinh ngày càng tăng tại Việt Nam trong thập kỷ qua. Nhiều thách thức vẫn còn tồn tại, bao gồm năng lực hạn chế của các phòng xét nghiệm trong việc tiến hành giám sát và phân tích dữ liệu, kê đơn thuốc kháng sinh không phù hợp và thiếu việc thực thi các quy định về bán thuốc kháng sinh,” Thứ trưởng nói.

Theo các chuyên gia, vì kháng kháng sinh, nên ngày càng có nhiều các bệnh nhiễm trùng thông thường như viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh lao và các bệnh do thực phẩm gây nên càng trở nên khó điều trị hơn và đôi khi không thể điều trị được. Sau đại dịch Covid-19, tình trạng kháng kháng sinh lại càng trở nên phức tạp hơn do việc sử dụng kháng sinh trở nên thiếu kiểm soát trong đại dịch. Các nhà khoa học cũng cảnh báo, điều này còn có thể dẫn tới tình trạng không còn kháng sinh để điều trị trong tương lai.