19:13 08/02/2022

SMBC và Eximbank "chia tay" sau hơn 14 năm hợp tác

Ở thời điểm hiện tại, cổ phiếu EIB đang có giá là 35.700 đồng/cổ phiếu. Theo đó, số cổ phần SMBC nắm giữ đang có giá trị khoảng 6.600 tỷ đồng, cao hơn 83% so với thời điểm đầu tư 14 năm trước...

Hội đồng quản trị ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank – mã chứng khoán: EIB) vừa có Nghị quyết về việc chấm dứt thỏa thuận liên minh với cổ đông Nhật Bản SMBC.

Theo đó, hai bên sẽ chấm dứt trước hạn thoả thuận hợp tác chiến lược đã ký ngày 27/11/2007.

Được biết, SMBC trở thành cổ đông lớn tại Eximbank từ thời gian trên khi quyết định bỏ ra 225 triệu USD (tương đương khoảng 3.600 tỷ đồng theo tỷ giá thời điểm đó) để nắm giữ 15% cổ phần.

Trong giai đoạn đầu hợp tác, SMBC hỗ trợ Eximbank lập kế hoạch phát triển ngân hàng bán lẻ trung và dài hạn, biệt phái chuyên gia sang Việt Nam để triển khai các dự án mới, phát triển hoạt động kinh doanh thẻ, cho vay. Đồng thời, SMBC cũng tư vấn, lập kế hoạch cho hoạt động quản trị doanh nghiệp và đào tạo nhân sự.

Năm 2008, ngay sau thỏa thuận liên minh, Eximbank trả cổ tức lên tới 82,55%, trong đó 12% bằng tiền mặt và 70,55% bằng cổ phiếu. Bốn năm sau đó, Eximbank vẫn duy trì trả cổ tức đều đặn.

Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, cổ đông Eximbank đều không được nhận cổ tức, chưa kể đến việc bị "tra tấn" bởi yếu tố "đánh võng" của cổ phiếu EIB. Với hơn 185 triệu cổ phần EIB hiện nắm trong tay, phải tới ngày cuối quý 1/2021, khoản đầu tư của SMBC vào Eximbank mới hòa vốn. 

Ở thời điểm hiện tại, cổ phiếu EIB đang có giá là 35.700 đồng/cổ phiếu, tăng 83% so với đầu năm 2021. Theo đó, số cổ phần SMBC nắm giữ đang có giá trị khoảng 6.600 tỷ đồng, cao hơn 83% so với thời điểm đầu tư 14 năm trước đó.

Giá cổ phiếu EIB thời gian gần đây
Giá cổ phiếu EIB thời gian gần đây

Đáng chú ý, liên tục từ năm 2019 đến nay, điệp khúc tổ chức rồi bất thành được lặp lại với các phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên của ngân hàng này.

Sắp tới, Eximbank lại dự kiến họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 lần thứ hai vào tuần sau để bầu Hội đồng quản trị và ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020-2025. Phiên họp này cũng sẽ trình bày lại báo cáo hoạt động từ năm 2018-2020 do chưa được thông qua trước đó. 

Với việc đề nghị chấm dứt thỏa thuận liên minh, giới chuyên môn cho rằng, dường như SMBC đã tìm được đối tác để chuyển nhượng vốn ở Eximbank. Và dự kiến kỳ họp đại hội tới của ngân hàng này có khả năng cao sẽ thành công và "ông chủ quyền lực" cũng chính thức xuất hiện.

Về kết quả kinh doanh, trong khi các ngân hàng khác đua nhau báo lãi lớn, năm 2021, Eximbank đi lùi với mức lãi trước thuế 1.205 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ. Kết quả này không hoàn thành mục tiêu lãi trước thuế công bố hồi đầu năm là 2.150 tỷ đồng và điều chỉnh còn 1.300 tỷ đồng trong ngày cuối năm.

Sang năm 2022, Eximbank lên kế hoạch lãi trước thuế 2.500 tỷ đồng, hơn gấp đôi năm trước. Kế hoạch tổng tài sản và dư nợ tín dụng lần lượt tăng 7,8% và 6,5%, lên 166.000 tỷ đồng và 138.600 tỷ đồng.