Sở Giao thông vận tải Sơn La tự chủ bảo trì 668km quốc lộ, chủ động xử lý "điểm đen"
Bộ Giao thông vận tải cho biết hiện Sở Giao thông vận tải Sơn La được phân cấp ủy thác quản lý 09 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 668km. Theo đó, địa phương được chủ động bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ, xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông...
Cử tri tỉnh Sơn La có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải sửa đổi quy chuẩn đường bộ phù hợp với điều kiện theo từng tuyến đường, từng vị trí cụ thể.
Đồng thời, xem xét việc phân cấp quản lý hạ tầng giao thông các tuyến đường quốc lộ tại địa phương, theo hướng Bộ Giao thông vận tải quản lý về mặt Nhà nước, tỉnh quản lý về mặt hạ tầng và giao cho cấp tỉnh chủ trì, khảo sát, khắc phục, sửa chữa các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ về tai nạn giao thông và các bất hợp lý về tổ chức giao thông trên tuyến quốc lộ.
Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Sơn La, Bộ Giao thông vận tải cho biết theo quy định tại Khoản 3 Điều 48 Luật Giao thông đường bộ, hệ thống quốc lộ do Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm; hệ thống đường tỉnh, đường đô thị do ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm.
Như vậy, Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm tổ chức quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ trên toàn quốc theo phân quyền của Luật Giao thông đường bộ.
Hiện nay, Sở Giao thông vận tải Sơn La đã được phân cấp ủy thác quản lý 09 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 668km (trừ Quốc lộ 6) qua địa bàn tỉnh, trong đó, thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư đối với toàn bộ công tác quản lý, bảo trì các tuyến đường bao gồm: bảo dưỡng thường xuyên; sửa chữa định kỳ; xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông và sửa chữa đột xuất khác để đảm bảo an toàn giao thông.
Thực hiện chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước để phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành, khai thác hiệu quả và giải phóng các nguồn lực phát triển của địa phương.
Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan đang thực hiện các nhiệm vụ theo tiến độ được giao tại Nghị quyết số 04/NQ-CP của Chính phủ.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục rà soát, đẩy mạnh hơn nữa các nội dung có thể phân cấp, phân quyền trong quản lý kết cấu hạ tầng hệ thống quốc lộ cho địa phương đảm bảo nguyên tắc quản lý thống nhất, tập trung. Mỗi nhiệm vụ chỉ do một cơ quan quản lý, phát huy được tiềm lực, lợi thế để đạt hiệu quả cao hơn.
Hiện cả nước có 610.000km đường bộ, trong đó phân quyền quản lý đường tỉnh, đường huyện gần 590.000km. Với các tuyến quốc lộ, trong số 25.000km quốc lộ đã ủy quyền cho các sở giao thông vận tải quản lý 13.000km.
Với 12.000km quốc lộ Cục Đường bộ Việt Nam trực tiếp quản lý, có 2.000km thuộc các dự án BOT, còn lại 10.000km Cục Đường bộ Việt Nam sẽ rà soát, tuyến nào trong nội bộ của tỉnh sẽ phân cấp cho địa phương quản lý.
Cũng trong văn bản này, Bộ Giao thông vận tải cho biết về mạng lưới đường bộ, tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó, đã xác định về hệ thống đường cao tốc, hệ thống quốc lộ trên toàn quốc.
Hiện Bộ Giao thông vận tải giao Cục Đường bộ Việt Nam lập Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, sẽ cụ thể hóa Quy hoạch mạng lưới đường bộ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng và dự kiến ban hành Quy chuẩn về đường bộ cao tốc trong quý 1/2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Để triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La có ý kiến với UBND tỉnh Sơn La để phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải trong thực hiện quản lý nhà nước về giao thông đường bộ, quản lý chặt chẽ quỹ đất phục vụ triển khai thực hiện quy hoạch.
Đồng thời rà soát, điều chỉnh, xây dựng các quy hoạch trên địa bàn bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp với định hướng phát triển giao thông vận tải địa phương và trung ương.