Số lao động thất nghiệp tăng trong quý 2/2025
Quý 2 năm nay, cả nước ghi nhận khoảng 1,06 triệu lao động trong độ tuổi thất nghiệp, tăng 25,3 nghìn người so với quý trước...

Báo cáo tình hình lao động, việc làm quý 2 và 6 tháng đầu năm 2025 của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của quý 2 năm nay cao so với quý trước, nhưng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 2/2025 khoảng 1,06 triệu người, tăng 25,3 nghìn người so với quý trước, và giảm 13,3 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 2 là 2,24%, tăng 0,04 điểm phần trăm so với quý trước, và giảm 0,05 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị tiếp tục duy trì dưới mức 3%.
Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên 15 - 24 tuổi quý 2 vẫn ở mức cao, với 8,19%, tăng lần lượt 0,26 và 0,18 điểm phần trăm so với quý trước và cùng kỳ năm. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở khu vực thành thị là 10,23%, cao hơn 3,17 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn.
So với quý trước, tỷ lệ này giảm ở khu vực thành thị (giảm 0,83 điểm phần trăm) và tăng ở khu vực nông thôn (tăng 0,74 điểm phần trăm). Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, cả nước có khoảng 1,05 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động, giảm 13,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm 2025 là 2,22%, giảm 0,04 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, trong quý 2 năm nay, cả nước vẫn có khoảng 1,35 triệu thanh niên từ 15-24 tuổi không có việc làm, và không tham gia học tập, đào tạo (chiếm 10,1% tổng số thanh niên), giảm 0,02 nghìn người so với quý trước và tăng 40,3 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị 3,2 điểm phần trăm (tương ứng 11,4% và 8,2%), và ở nữ thanh niên cao hơn so với nam thanh niên 2,5 điểm phần trăm (tương ứng 11,4% so và 8,9%).
Bên cạnh đó, trong quý 2, có 3,9% (tương ứng khoảng 2,06 triệu người) lao động không sử dụng hết tiềm năng. Tính chung nửa đầu năm, số lao động không sử dụng hết tiềm năng là hơn 2 triệu người.
Theo Cục Thống kê, trước đó tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam từng cao kỷ lục với 10,4% vào quý 3/2021 do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, sau đó giảm dần và duy trì dao động quanh mức 4%.
Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là chỉ tiêu tổng hợp cho biết mức độ "lệch pha" giữa cung và cầu lao động trên thị trường; phản ánh tình trạng dư cung về lao động.
Trong điều kiện kinh tế phát triển bình thường, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng luôn tồn tại. Tỷ lệ này thường tăng cao khi thị trường chịu các cú sốc về kinh tế - xã hội.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (thuộc Sở Nội vụ Hà Nội), cho biết tình trạng "lệch pha" giữa cung và cầu lao động là thực tế của thị trường, do luôn có sự dịch chuyển của các nhóm lao động.
Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, hay các thời điểm sau Tết, ghi nhận tình trạng nhiều lao động đã xin nghỉ việc để quay trở về quê hương làm việc. Hơn nữa, mặt bằng lương giữa các địa bàn đang ngày càng thu hẹp, do đó người lao động có nhiều sự lựa chọn hơn về nơi làm việc, để phù hợp với mức chi phí sinh hoạt và mặt bằng giá cả.
Để hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội trong tình hình mới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tiếp tục chú trọng nâng cao công tác phân tích dự báo thị trường lao động ngắn hạn và dài hạn về nguồn nhân lực.
Đồng thời, hỗ trợ hiệu quả, thuận tiện giải quyết việc làm, kết nối thành công cho người lao động, nhất là lao động thất nghiệp, lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp sớm tìm được công việc phù hợp.