15:53 01/04/2024

Số máy bay thương mại của Việt Nam giảm mạnh

Thanh Thủy

Các hãng hàng không Việt đang sụt giảm mạnh đội máy bay, thậm chí có hãng bay không còn máy bay để khai thác. Số lượng máy bay của các hãng hàng không giảm 40 - 45 chiếc so với cùng kỳ năm trước, khiến thị trường hàng không nội địa căng thẳng..

Số lượng máy bay của các hãng hàng không Việt giảm 40 - 45 chiếc so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh minh họa.
Số lượng máy bay của các hãng hàng không Việt giảm 40 - 45 chiếc so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh minh họa.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, số máy bay hoạt động thương mại của 6 hãng hàng không đến cuối tháng 3 khoảng 170, giảm 40 - 45 chiếc so với cùng kỳ năm 2023.

Nguyên nhân là một số hãng tái cấu trúc doanh nghiệp, giảm quy mô đội tàu bay. Đơn cử, Bamboo Airways trước đây có 28 máy bay, giờ chỉ còn 9 chiếc hoạt động sau khi trả công ty cho thuê toàn bộ máy bay Embraer E190; Pacific Airlines trả hết 6 tàu bay Airbus 320 để tái cấu trúc đội bay.

Ngoài ra, từ năm nay nhà sản xuất động cơ Pratt&Whitney (PW) phải triệu hồi động cơ để kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu nhằm khắc phục lỗi sản xuất. Vietnam Airlines và Vietjet Air có khoảng 40 máy bay sử dụng động cơ này nên sẽ phải dừng khai thác năm 2024 - 2025 để bảo dưỡng, bắt đầu từ tháng 1/2024.

Số lượng máy bay thương mại giảm khiến nhiều đường bay trong nước bị cắt hoặc giảm tần suất. Bamboo Airways đã dừng khai thác nhiều đường bay quốc tế và các đường bay nội địa sử dụng máy bay Embraer E190 như chặng Hà Nội đi Huế, Đồng Hới, Côn Đảo, Cà Mau và TP.HCM đi Đồng Hới, Côn Đảo.

Hàng loạt yếu tố bất lợi khiến hãng hàng không giảm quy mô máy bay, tần suất khai thác đã ảnh hưởng việc đi lại của khách hàng. Đồng thời, đội máy bay giảm đang khiến thị trường hàng không nội địa khá căng thẳng, nhất là dịp lễ 30/4 và mùa hè sắp tới, dự báo nhu cầu đi lại tăng khoảng 5 - 7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đội máy bay của các hãng thiếu hụt, giá vé sẽ bị đẩy lên cao, số lượng vé rẻ có hạn.

Chị Ngọc Trang (quận 8, TP.HCM) đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông – quảng cáo trên Internet và thường xuyên đi lại để kết nối công việc, cho biết trong thời gian gần đây giá vé các chuyến bay nội địa có xu hướng tăng. Đôi khi gấp 2 - 3 lần so với năm ngoái, chưa kể còn có dấu hiệu khan hiếm, gây bất lợi cho quá trình di chuyển.

Đơn cử như đường bay Côn Đảo đang có sự cạnh tranh giữa Vietnam Airlines và Bamboo Airways. Thế nhưng từ tháng 4, Bamboo Airways rời cuộc đua này khi trả thêm 3 máy bay thường sử dụng cho chặng Hà Nội, TP.HCM - Côn Đảo.

Vốn là đường bay "hot", Côn Đảo nhiều năm qua thường có giá đắt đỏ. Tháng 4, khi Bamboo Airways dừng bay chặng này, giá vé tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự rút lui của hãng Bamboo Airways ở chặng bay này khiến nhiều khách hàng nuối tiếc, lo ngại việc tìm vé cho đường bay đến Côn Đảo sẽ thêm vất vả.

Hiện Vasco - công ty con của Vietnam Airlines đang khai thác loại ATR72 bay từ TP.HCM - Côn Đảo. Tuy nhiên, nếu khách từ khu vực phía Bắc đi Côn Đảo phải qua hai chặng bay Nội Bài - TP.HCM, sau đó TP.HCM - Côn Đảo. Không chỉ tốn kém chi phí, thời gian di chuyển kéo dài so với bay thẳng như Bamboo Airways trước đây.

Nhằm đảm bảo chất lượng các chuyến bay nội địa, vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các hãng bổ sung máy bay để đảm bảo vận tải, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và giai đoạn cao điểm hè, không để tăng giá vé trái quy định.

Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã yêu cầu các hãng chủ động kế hoạch khai thác và bổ sung máy bay bị thiếu hụt giai đoạn cao điểm hè như tiếp nhận mới và thuê ướt (thuê cả máy bay và tổ bay), tối ưu kế hoạch khai thác động cơ đến hạn.

Mặc dù đã giảm quy mô đội bay, 6 hãng trong nước vẫn được Cục Hàng không Việt Nam cấp quyền khai thác tổng số 213 máy bay nên có thể thuê máy bay để bổ sung dịp cao điểm.