08:18 06/07/2024

Miễn giảm gần 40.000 tỷ đồng sau 6 tháng, thu ngân sách ngành thuế vẫn vượt 15,3% cùng kỳ

Ánh Tuyết

Dù miễn giảm hàng chục nghìn tỷ đồng tiền thuế, tiền thuê đất song tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2024 do cơ quan thuế quản lý vẫn vượt 15,3% cùng kỳ, ước đạt 865.350 tỷ đồng và bằng 58,2% so với dự toán...

Tổng số tiền thuế, tiền thuê đất miễn, giảm cho doanh nghiệp và người dân khoảng 38.326 tỷ đồng.
Tổng số tiền thuế, tiền thuê đất miễn, giảm cho doanh nghiệp và người dân khoảng 38.326 tỷ đồng.

Chiều ngày 5/7, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác thuế 6 tháng cuối năm 2024.

CÓ 54 ĐỊA PHƯƠNG TĂNG THU CAO HƠN CÙNG KỲ

Báo cáo tại hội nghị, ông Đoàn Xuân Toản, Chánh văn phòng Tổng cục Thuế, cho biết tổng thu do cơ quan thuế quản lý 6 tháng đầu năm ước đạt 865.350 tỷ đồng, bằng 58,2% so với dự toán pháp lệnh, vượt 15,3% so với cùng kỳ.

Cụ thể, thu từ dầu thô ước đạt 29.692 tỷ đồng, bằng 64,5% so với dự toán, bằng 95,2% so với cùng kỳ. Trên cơ sở giá dầu thô bình quân ước đạt 87,5 USD/thùng, bằng 125% so với giá dự toán, bằng 100,9% so với cùng kỳ, sản lượng ước đạt 4,04 triệu tấn, bằng 48,7% dự toán, bằng 93,8% so với sản lượng cùng kỳ.

Thu nội địa ước đạt 835.658 tỷ đồng, bằng 58% so với dự toán pháp lệnh, bằng 116,2% so với cùng kỳ thực hiện. Trong đó, thu thuế, phí nội địa tăng 12,1% so với cùng kỳ.

 

“Nhìn chung, thu ngân sách 6 tháng đầu năm nay đạt khá, với 12/21 khoản thu, sắc thuế và 30/63 địa phương đạt trên 55% dự toán, có 13/21 khoản thu, sắc thuế và 54/63 địa phương tăng trưởng thu so với cùng kỳ”.

Ông Đoàn Xuân Toản, Chánh văn phòng Tổng cục Thuế.

Chẳng hạn, thuế thu nhập doanh nghiệp ước đạt 68,9%; thuế thu nhập cá nhân ước đạt 61,9%. Tiền thuê mặt đất mặt nước ước đạt 79,3%; tiền cấp quyền khai thác tài nguyên khoáng sản ước đạt 77,8%...

Về phía các địa phương, có 32/63 địa phương đạt trên 55% dự toán gồm: Hải Phòng, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Hải Dương, Long An, Tiền Giang, Hưng Yên, Ninh Thuận, Nam Định...

Đại diện Tổng cục Thuế cho rằng có được kết quả trên là nhờ hiệu ứng các chính sách giảm thuế lớn từ nửa cuối năm 2023 được kéo dài thực hiện sang năm 2024. Từ đó, kịp thời tiếp sức, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân có thêm nguồn lực về tài chính tập trung cho sản xuất kinh doanh.

"Năm 2024 dự kiến tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước theo Nghị định số 64/2024/NĐ-CP ngày 17/6/2024 về thực hiện gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất; Nghị định số 65/2024/NĐ-CP về thực hiện gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô lắp ráp trong nước là khoảng 92.560 tỷ đồng", đại diện Tổng cục Thuế thông tin.

Trước đó, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đã được ban hành như: tiếp tục giảm 2% thuế suất giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2024 như đã áp dụng trong năm 2023; giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn...

Những chính sách này tiếp tục hỗ trợ nguồn lực về tài chính giúp doanh nghiệp, người dân duy trì đà hồi phục sản xuất kinh doanh, từ đó tạo nguồn tăng thu cho ngân sách nhà nước.

TĂNG THU NHỜ SỐ HOÁ

Trong công tác chuyển đổi số, ngành thuế tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hoá đơn điện tử, hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, hoá đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu; hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế đối với hoạt động kinh doanh vàng...

Ngành thuế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; tiếp tục duy trì Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài.

 

"Lũy kế đến nay đã có 102 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử đến từ nhiều quốc gia như Hoa kỳ; Hà Lan; Hàn Quốc; Singapore; Hong Kong; Ireland; Thụy Sĩ, Úc; Anh; Switzerland... Tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã khai, nộp trực tiếp qua cổng 6 tháng đầu năm là 4.039 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2023".

Báo cáo của Tổng cục Thuế.

Thông tin từ Tổng cục Thuế cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2024, đã có thêm 26 nhà cung cấp nước ngoài mới đăng ký, kê khai, nộp thuế tại Việt Nam qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài.

Cũng theo Tổng cục Thuế, đến nay, đã có 383 sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin trên cổng thông tin thương mại điện tử, tăng 22 sàn so với số lượng sàn cung cấp thông tin lũy kế đến cuối năm 2023.

Cơ quan thuế cũng đẩy mạnh triển khai xây dựng bản đồ số về hộ kinh doanh, bản đồ số về giá đất, giá chuyển nhượng bất động sản, mỏ tài nguyên khoáng sản; tiếp tục rà soát chuẩn hoá dữ liệu mã số thuế cá nhân tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia.., khai thác tăng thu qua quản lý.

Nhằm mục đích tiếp tục tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa trong công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, từ tháng 7/2023, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo triển khai chức năng bản đồ số hộ kinh doanh trên toàn quốc.

"Đến nay, toàn bộ hộ kinh doanh nộp thuế khoán đã công khai trên Bản đồ số hộ kinh doanh. Theo báo cáo trên toàn quốc có 31.838 hộ kinh doanh đưa thêm vào quản lý thông qua triển khai bản đồ số, số thuế tăng thêm là 12,7 tỷ đồng", Tổng cục Thuế thông tin.

CÒN NHIỀU ÁP LỰC, NỢ THUẾ TĂNG 13,4%

Tuy kết quả đạt được là tích cực, tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài chính  Cao Anh Tuấn đề nghị ngành thuế nhìn thẳng vào những khó khăn, tồn tại để nỗ lực vượt qua, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. 

Bởi kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm của ngành thuế đảm bảo tiến độ dự toán song nếu phân tích kỹ tình hình thu 6 tháng đầu năm thì số thu đạt khá chủ yếu tập trung vào các khoản thu ngân sách theo quý như: chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước (hơn 31.800 tỷ đồng), thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận còn lại của các công ty xổ số. 

"Nếu không kể 3 nguồn thu trên thì các nguồn thu nội địa còn lại mới đạt khoảng 52,5% dự toán", lãnh đạo Bộ Tài chính nêu rõ.

Bên cạnh đó, những tháng cuối năm, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục ban hành thêm các giải pháp hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, khôi phục đà tăng trưởng nền kinh tế.

Điều này trước mắt có thể tạo áp lực lớn trong việc triển khai nhiệm vụ thu ngân sách tại nhiều địa phương, đặc biệt là những địa phương có tiến độ thu 6 tháng đầu năm đạt thấp, hay những địa phương mà nguồn thu trọng điểm là động lực tăng trưởng của năm trước, năm nay không còn và chưa có dấu hiệu hồi phục. 

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Thứ trưởng Cao Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Cùng với đó, tổng nợ thuế tính đến thời điểm 30/6/2024 là 204.441 tỷ đồng, tăng 13,4% so với thời điểm ngày 31/12/2023. Để giải quyết tình trạng này, Thứ trưởng yêu cầu cơ quan thuế các cấp cần theo dõi sát sao tiến độ thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, đôn đốc người nộp thuế thực hiện nộp các khoản thuế phát sinh còn phải nộp sau quyết toán năm 2023 vào ngân sách nhà nước. 

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng yêu cầu cơ quan thuế các cấp phải theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích các yếu tố tác động đến số thu, tiến độ thu tại từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế để kịp thời có các giải pháp quản lý hiệu quả.

Đồng thời, kiến nghị với uỷ ban nhân dân các cấp chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương cùng phối hợp với cơ quan thuế để tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách.

Thứ trưởng đề nghị cơ quan thuế tiếp tục đẩy mạnh rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh. Đẩy mạnh hiện đại hóa, số hóa công tác quản lý thuế ở tất cả các khâu; mở rộng, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực quản lý hướng tới mục tiêu chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

"Tiếp tục đẩy mạnh áp dụng phân tích dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ quản lý thuế, quản lý hóa đơn, góp phần kiểm soát, phát hiện nhanh người nộp thuế gian lận về hóa đơn. Triển khai mạnh mẽ xây dựng dữ liệu bản đồ số đối với hộ kinh doanh trên toàn quốc", Thứ trưởng lưu ý.

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp trao đổi thông tin, dữ liệu với các cơ quan quản lý Nhà nước và đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh xuyên biên giới, nhất là quản lý đối với cá nhân kinh doanh phát sinh nghĩa vụ thuế ở các khâu kinh doanh, các sắc thuế, chuyển nhượng bất động sản, cho thuê nhà, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. 

Ngoài ra, thực hiện triển khai hiệu quả các chính sách, giải pháp hỗ trợ người nộp thuế đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tạo tiền đề cho tăng thu ngân sách nhà nước bền vững.