09:22 24/03/2010

Sự công bằng, nhìn từ câu chuyện T+

Lan Hương

Sau nhiều lần trì hoãn, câu chuyện giao dịch T+2 xem như sắp có hồi kết

Thay đổi cơ chế trong giao dịch để nhà đầu tư có thể bán chứng khoán trước ngày T vào lúc này, sẽ hạn chế được thao túng giá cổ phiếu và thị trường của "cá mập" chứng khoán cũng như mang lại sự công bằng cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Thay đổi cơ chế trong giao dịch để nhà đầu tư có thể bán chứng khoán trước ngày T vào lúc này, sẽ hạn chế được thao túng giá cổ phiếu và thị trường của "cá mập" chứng khoán cũng như mang lại sự công bằng cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Sau nhiều lần trì hoãn, câu chuyện giao dịch T+2 xem như sắp có hồi kết.

Ngày 24/3, cơ quan quản lý tổ chức một buổi tọa đàm chính thức với các công ty chứng khoán và trung tâm lưu ký để chuẩn bị cho việc triển khai quy định hướng dẫn về bán chứng khoán sau ngày giao dịch (giao dịch T+2).

Dù không còn bất ngờ  nhưng đây vẫn là một thông tin cực kỳ quan trọng cho thị trường, bởi nếu được áp dụng sớm nó sẽ đảm bảo tính công bằng giữa các công ty chứng khoán, công bằng giữa các nhóm khách hàng của công ty chứng khoán, kể cả lớn và nhỏ. Nhờ đó, thị trường sẽ phát triển ổn định và sự cạnh tranh sẽ lành mạnh hơn.

Đối với cơ quan quản lý, việc đưa ra quy định cho phép bán chứng khoán vào ngày T+2, cũng đồng nghĩa với việc quản lý giao dịch tại các công ty chứng khoán được chặt chẽ hơn, bởi như vậy, các giao dịch trước ngày T+2 đều sẽ bị coi là bất hợp pháp, là trái luật.

Khi đã có hướng dẫn cụ thể, cộng với cơ sở hạ tầng, hệ thống công nghệ mới đã có khả năng giám sát đến từng tài khoản khách hàng, việc giám sát và quản lý sẽ hiệu quả hơn. Quy định mới về cho phép bán chứng khoán vào ngày T+2 nếu được triển khai áp dụng sẽ tạo nên một bước đột phá về phát triển thị trường, qua đó đẩy mạnh tính thanh khoản của thị trường.

VIP cũng từ chối ưu ái

Vốn đầu tư bỏ vào chứng khoán 5 tỷ đồng, lại thêm chút thân quen, anh Nam đã được xếp vào hàng khách VIP của một công ty chứng khoán, và được chăm sóc khá cẩn thận.

Ngoài việc cung cấp thông tin tư vấn, hàng ngày giao dịch anh Nam được hưởng phí ưu đãi, được giao dịch ngày T+2, nhưng anh vẫn cảm thấy vẫn băn khoăn. Bởi theo anh, điều quan trọng ở đây là sự công bằng.

“Tôi biết, nhiều khách hàng khác cũng VIP như tôi nhưng họ còn được ưu ái hơn tôi, bán chứng khoán sớm hơn tôi, thậm chí ngày T+1, ngày T. Nếu cơ quan quản lý không vào cuộc, để các công ty chứng khoán mặc sức định đoạt số phận nhà đầu tư, thì thị trường sẽ méo mó”.

Lâu nay, nhiều công ty chứng khoán vẫn xé rào cho phép khách hàng bán chứng khoán trước ngày thanh toán (T+3), nhưng đó là dành những khách hàng VIP. Khách hàng nhỏ sẽ khó mà có được cơ hội ưu ái này. Với mỗi đối tượng khách hàng sẽ được nhận sự ưu ái là khác nhau. Tùy theo doanh thu giao dịch, ưu ái đó có thể là T+2, T+1, thậm chí là T (bán chứng khoán ngay khi vừa mua xong).

Tuy nhiên chính sự ưu ái thế này đã và đang tạo nên sự bức xúc của những khách hàng VIP “hạng hai” như anh Nam. Cạnh tranh trên thị trường, không sợ hơn nhau ở công nghệ, nhưng sợ nhất là sự không công bằng.

Công bằng với công ty chứng khoán

Trên thực tế, việc áp dụng T+2 trở nên khó hơn với nhiều công ty chứng khoán nhỏ, do chưa đáp ứng được yêu cầu về công nghệ. Để áp dụng thời gian thanh toán T+2, các công ty phải cài đặt phần mềm tương thích với phần mềm của trung tâm lưu ký để cơ quan này có thể tiếp cận và theo dõi tài khoản của tất cả các khách hàng.

Tuy nhiên, theo thống kê của trung tâm lưu ký, sau đợt thử nghiệm phần mềm hệ thống mới, hiện mới có khoảng 50% số công ty chứng khoán hoàn thành giai đoạn chạy thử nghiệm kết nối, phần còn lại vẫn chưa đáp ứng được.

Để thực hiện giao dịch T+2, trung tâm lưu ký sẽ theo dõi chặt chẽ tài khoản của các khách hàng tại các công ty chứng khoán để theo dõi mọi hoạt động liên quan đến giao dịch T+2 và hiện tại trung tâm lưu ký đã làm được điều này nhờ có hệ thống công nghệ thông tin cho phép theo dõi các tài khoản. Trung tâm lưu ký đã hoàn tất việc chạy thử phần mềm mới phục vụ cho việc lưu ký và quy định giao dịch chứng khoán mới sẽ được áp dụng nếu tất cả các công ty chứng khoán đã sẵn sàng tuân thủ.

Những công ty chứng khoán đã sẵn sàng thì tỏ ra sốt ruột hơn với việc chậm trễ triển khai và thúc giục cơ quan quản lý. Nếu cho những công ty đủ điều kiện được áp dụng mà mặc kệ các công ty chứng khoán nhỏ, thì sự công bằng sẽ trở nên vô nghĩa. Đây là lý do việc giao dịch T+2 vẫn chưa được định ngày thực hiện.

Trên thực tế, nhiều công ty chứng khoán vẫn chưa cài đặt phần mềm tương thích với phần mềm của trung tâm lưu ký để cho phép cơ quan này tiếp cận và theo dõi tài khoản của các khách hàng tại các công ty chứng khoán. Trung tâm lưu ký chỉ có thể áp dụng giao dịch T+2 khi mà tất cả các công ty chứng khoán đều đã sẵn sàng.

Thay đổi cơ chế trong giao dịch để nhà đầu tư có thể bán chứng khoán trước ngày T vào lúc này, sẽ hạn chế được thao túng giá cổ phiếu và thị trường của "cá mập" chứng khoán cũng như mang lại sự công bằng cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Mấu chốt vấn đề ở đây là việc giám sát của cơ quan quản lý sẽ ra sao khi mà việc quản lý tới chân tài khoản của khách hàng tại công ty chứng khoán vẫn đang là dấu hỏi. Câu chuyện tách bạch tiền gửi của nhà đầu tư cho đến nay sau hơn một năm triển khai vẫn “đầu voi đuôi chuột”.