Sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp, chế tài nhằm xử lý nghiêm các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp, chế tài nhằm xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội như: Bổ sung quy định làm rõ khái niệm “trốn đóng bảo hiểm xã hội”; quy định phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng; ngừng sử dụng hóa đơn; hoãn xuất cảnh; khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự...
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có văn bản trả lời chất vấn Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu liên quan đến việc xử lí tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, nợ bảo hiểm xã hội.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu gửi chất vấn đến Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với nội dung: Hiện nay, đã và đang diễn ra tình trạng doanh nghiệp trốn, thiếu đóng bảo hiểm xã hội; nợ bảo hiểm xã hội; doanh nghiệp đã giải thể, đã phá sản hoặc có chủ doanh nghiệp là người nước ngoài đã bỏ trốn khỏi Việt Nam, để lại khoản nợ tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội và nỗi bức xúc đối với những người làm công ăn lương đang rất khó khăn, chật vật trong cuộc sống.
Thực trạng này đang rất cần những biện pháp cụ thể, quyết liệt, hữu hiệu và đồng bộ để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, vấn đề bảo đảm quyền lợi về bảo hiểm xã hội của người lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp đang nợ đóng bảo hiểm xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp phá sản, bị rút giấy phép kinh doanh hoặc không còn người đại diện theo pháp luật, Bộ đã trình Chính phủ có báo cáo gửi Quốc hội về nội dung này.
Ngày 14/3/2023, Bộ tiếp tục có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan liên quan về tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Để kịp thời giải quyết chế độ bảo hiểm cho người lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp đang chậm đóng bảo hiểm xã hội (phá sản, đang làm thủ tục phá sản, ngừng hoạt động, không còn người đại diện theo pháp luật), Bộ đã có văn bản gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam về thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động theo hướng: Giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với trường hợp đã đủ điều kiện (lương hưu, bảo hiểm xã hội một lần, tử tuất); xác nhận thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội để người lao động tiếp tục tham gia tại đơn vị mới, hoặc bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
Đồng thời, Bộ cũng đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam tăng cường thực hiện các biện pháp hạn chế tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và đảm bảo chế độ cho người lao động.
Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trên cơ sở tổng kết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và định hướng hoàn hiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội tại Nghị quyết số 28 để nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp, chế tài nhằm xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Đơn cử như: Bổ sung quy định làm rõ khái niệm “trốn đóng bảo hiểm xã hội”; quy định phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng bảo hiểm xã hội; quyết định ngừng sử dụng hóa đơn; quyết định hoãn xuất cảnh; khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Bên cạnh đó, để nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, dự thảo Luật cũng bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia, hoặc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không đầy đủ, kịp thời, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tổng số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội của các cơ quan, đơn vị bình quân giai đoạn 2016 – 2022 là khoảng trên 10.000 tỷ đồng/năm.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra tại hơn 9.000 đơn vị, kết quả số tiền các đơn vị đã khắc phục, nộp tiền chậm đóng trong thời gian thanh tra kiểm tra trực tiếp là 425,4 tỷ đồng (tăng 22% so với cùng kỳ năm 2022).
Cùng với đó, Ngành đã ban hành, tham mưu ban hành 448 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt là 15 tỷ đồng.
Đồng thời, yêu cầu truy thu tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của trên 23.000 lao động đóng chưa đúng quy định với số tiền truy thu là 62,4 tỷ đồng; yêu cầu thu hồi về Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp số tiền hơn 37,6 tỷ đồng là số tiền hưởng các chế độ không đúng quy định.