Doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 3 tháng trở lên sẽ không được tham gia những công việc nào?
Người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 3 tháng trở lên không được đấu thầu, thi công, mua sắm vật tư, hàng hóa, trang thiết bị từ nguồn vốn của Nhà nước. Đồng thời, không được tổ chức tín dụng cho vay vốn với lãi suất ưu đãi...
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung các biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội như: Quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng (tương tự như tiền chậm nộp thuế); Cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên.
Cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên...
Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, dự thảo Luật đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Góp ý về quy định: “Cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh đối với với trường hợp người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên”, các ý kiến cho rằng, trường hợp người sử dụng lao động là doanh nghiệp thì quy định hoãn xuất cảnh là không khả thi.
Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, quy định cụ thể đối tượng áp dụng biện pháp hoãn xuất cảnh đối với trường hợp người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội là doanh nghiệp cho phù hợp.
Đồng thời, đề nghị nghiên cứu, bổ sung trường hợp này vào Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 và Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 về các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh.
Về nội dung này, Bộ Công an cũng đề nghị cân nhắc quy định về việc "Cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh đối với trường hợp người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên" để đảm bảo phù hợp với Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, do Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam không có quy định trường hợp hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên.
Trong khi đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị bổ sung thêm quy định: “Người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 3 tháng trở lên không được đấu thầu, thi công, mua sắm vật tư, hàng hóa, trang thiết bị từ nguồn vốn của Nhà nước; không được tổ chức tín dụng cho vay vốn với lãi suất ưu đãi; không được hỗ trợ kinh phí hỗ trợ đào tạo, học nghề cho người lao động”.
Theo lý giải của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Nghị quyết số 28-NQ/TW đã đặt ra nhiệm vụ, giải pháp: “Hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, nhất là đối với các hành vi trốn đóng, nợ đóng, trục lợi bảo hiểm xã hội theo hướng cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội và cơ quan quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội có thẩm quyền xử phạt các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi bảo hiểm xã hội”; “nâng cao tính tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội thông qua thực hiện đồng bộ các biện pháp hành chính, kinh tế, tư pháp để tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội”.
Tiếp thu ý kiến góp ý, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung hoàn thiện theo hướng: Việc quyết định hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động.
Bổ sung tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và không quy định hạn chế về thời điểm thực hiện quyền khởi kiện. Đồng thời, bổ sung quy định không được đầu thầu nguồn vốn của Nhà nước; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quy định của pháp luật có liên quan và thực tiễn địa phương, quyết định áp dụng các biện pháp, chế tài khác đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội trên phạm vi địa phương.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định tại chương điều khoản thi hành nhằm thống nhất, phù hợp với Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 và Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 về các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì tổng số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội của các cơ quan, đơn vị bình quân giai đoạn 2016 – 2022 là khoảng trên 10.000 tỷ đồng/năm. Xu hướng chậm đóng vẫn tiếp tục tăng trong các năm tới, đặc biệt là trong bối cảnh các đơn vị doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó nguyên nhân quan trọng đó là cơ quan Bảo hiểm xã hội chưa nắm được, chưa nhận diện quản lý đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; các giải pháp, biện pháp hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.