07:09 26/05/2023

Lo ngại tình trạng thành viên rút hết tài sản, đất đai ảnh hưởng sự tồn tại của hợp tác xã

Anh Tú

Dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi quy định có hay không cho phép thành viên hợp tác xã chuyển nhượng vốn góp cho cá nhân, tổ chức bên ngoài được nhiều đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận tại hội trường...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để thiết kế thêm điều khoản ngăn chặn chi phối, thâu tóm hợp tác xã.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để thiết kế thêm điều khoản ngăn chặn chi phối, thâu tóm hợp tác xã.

Chiều 25/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

TRANH LUẬN HAI PHƯƠNG ÁN CHUYỂN NHƯỢNG VỐN GÓP

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, cho biết dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 21 và các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; ngày 21/4 vừa qua cũng gửi xin ý kiến các Đoàn Đại biểu Quốc hội theo quy định. 

Dự thảo luật hiện nay gồm 12 chương với 115 điều, tăng 4 điều so với dự thảo luật do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 và cơ bản đáp ứng được quan điểm, mục tiêu, yêu cầu đặt ra khi sửa đổi Luật…

Về tên gọi của dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu đa số ý kiến Đại biểu Quốc hội, giữ nguyên tên gọi của dự án luật là Luật Hợp tác xã (sửa đổi); đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung tại các điều, khoản và thiết kế lại bố cục, kết cấu của dự thảo luật bảo đảm thống nhất, đồng bộ, phù hợp với tên gọi của dự án luật.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và bổ sung các quy định về điều kiện tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài trở thành thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, điều kiện về tổng số thành viên chính thức, số lượng thành viên Hội đồng quản trị, vốn góp tối đa và điều kiện thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. 

Đồng thời tiếp thu, chỉnh lý quy định tại Điều 73 về tài sản góp vốn, tương tự như quy định về tài sản góp vốn tại Luật Doanh nghiệp năm 2020; bổ sung một số quy định mang tính đặc thù đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; rà soát, chỉnh lý và bổ sung các quy định về kiểm toán hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tại Điều 105 và Điều 106 theo hướng khuyến khích thực hiện kiểm toán nội bộ tại hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Bên cạnh đó, đề nghị chỉ bắt buộc phải kiểm toán độc lập đối với một số hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mà trong hoạt động tài chính tiềm ẩn rủi ro như hợp tác xã quy mô lớn, liên hiệp hợp tác xã có từ 10 thành viên trở lên…

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm đó là hai phương án chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã.

Cụ thể, phương án 1 quy định về chuyển nhượng phần vốn góp cả trong nội bộ thành viên hiện hữu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và cho các cá nhân, tổ chức chưa phải là thành viên.

Điều này bảo đảm sự ổn định cho hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khi có thành viên muốn rút một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp, nhất là đối với vốn góp bằng đất đai, tài sản lớn. Hợp tác xã cũng không cần phải làm các thủ tục đánh giá lại vốn điều lệ, thông báo thay đổi vốn điều lệ, bảo đảm quyền lợi cho các chủ nợ như trường hợp không cho phép chuyển nhượng phần vốn góp. 

Phương án 2 là đề nghị không quy định về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mà chỉ quy định về trả lại phần vốn góp khi chấm dứt tư cách thành viên, ra khỏi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã và Điều lệ, tương tự như quy định tại Luật Hợp tác xã năm 2012.

Việc này nhằm phản ảnh đúng bản chất của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là đối nhân không phải đối vốn, là tương trợ lẫn nhau nhằm đáp ứng nhu cầu chung về kinh tế, văn hóa, xã hội; đồng thời, tránh hiện tượng mua, bán phần vốn góp tương tự như công ty cổ phần, công ty TNHH, “doanh nghiệp hóa hợp tác xã”, hạn chế tình trạng thâu tóm, chi phối của một số cá nhân, tổ chức.

Cơ bản tán thành nhiều nội dung dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp lần này và góp ý kiến về nội dung chuyển nhượng vốn góp, Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh tán thành phương án 1, theo đó, quy định chuyển nhượng giữa thành viên hiện hữu và các cá nhân tổ chức chưa phải là thành viên.

Đại biểu Thạch Phước Bình cũng lưu ý đối với quy định mới được bổ sung vào dự thảo Luật lần này, tại khoản 4 Điều 79 dự thảo Luật quy định: "Phần vốn góp mà thành viên cá nhân, tổ chức nhận chuyển nhượng sở hữu sau khi hoàn thành giao dịch chuyển nhượng không thấp hơn vốn góp tối thiểu và không vượt quá vốn góp tối đa theo quy định của Luật này và điều lệ".

Theo đại biểu, quy định này là phù hợp với điều kiện ngày càng phát triển của nền kinh tế, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo sự bình đẳng, quyền tự do của các thành viên hợp tác xã.

 Đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị quy định chặt chẽ việc chuyển nhượng vốn góp của hợp tác xã. Ảnh: Quochoi.vn
 Đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị quy định chặt chẽ việc chuyển nhượng vốn góp của hợp tác xã. Ảnh: Quochoi.vn

Tuy nhiên, đại biểu Thạch Phước Bình cũng đề nghị cần quy định chặt chẽ cho cả bên bán và bên mua đều đồng ý chuyển nhượng nhưng phải bảo đảm tôn chỉ nguyên tắc, bản chất hoạt động của hợp tác xã.

Đồng thời, quy định cụ thể hơn việc cho phép các thành viên chuyển nhượng phần vốn góp trong nội bộ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và với các thành viên hiện hữu nhằm bảo đảm sự ổn định về cơ cấu thành viên và bảo đảm quyền lợi cho các thành viên khi có nhu cầu chuyển nhượng phần vốn góp; tạo điều kiện cho các thành viên liên kết góp vốn, thành viên liên kết không góp vốn có thể chuyển đổi thành viên thành viên chính thức.

Nêu rõ đại hội thành viên là nơi tốt nhất, quan trọng nhất để hợp tác xã thể hiện tính dân chủ, bình đẳng, lợi thế và đặc trưng của mô hình hợp tác xã, đại biểu Thạch Phước Bình bày tỏ băn khoăn về tỷ lệ thành viên tham gia và lo ngại khi dự thảo luật không có quy định bầu chọn cử hay mời đại biểu như thế nào, theo chi tiêu chí nào và ai là người có thẩm quyền chọn hay cử hoặc mời đại biểu dự Đại hội.

Vì vậy, Đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị dự thảo luật quy định Đại hội toàn thể thành viên và cho phép thành viên được ủy quyền bằng văn bản cho người khác dự họp theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị có quy định về Ngày truyền thống hợp tác xã Việt Nam là ngày 11/4 để nâng cao vị thế của loại hình kinh tế hợp tác này.

Không cùng quan điểm, Đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, cho rằng tại Điều 79 về chuyển nhượng phần vốn góp của các thành viên trong hợp tác xã nên quy định việc trả lại phần đóng góp cho thành viên khi chấm dứt tư cách thành viên ra khỏi hợp tác xã, không nên quy định việc chuyển nhượng, góp vốn của các thành viên trong hợp tác xã. Do đó, đại biểu nhận thấy phương án 2 là phương án phù hợp.

SẼ CÓ GIẢI PHÁP TRÁNH THÂU TÓM HỢP TÁC XÃ

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng và ban hành luật lần này hy vọng sẽ tháo gỡ được những vướng mắc bất cập để mô hình kinh tế này phát triển đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết về vốn góp của các thành viên hợp tác xã, qua nghiên cứu các ý kiến, Chính phủ trình Quốc hội theo phương án 1, để bảo đảm quyền tự do, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, bảo đảm nguyên tắc mở trong tham gia, rút khỏi hợp tác xã như thông lệ quốc tế, tránh tình trạng thành viên góp bằng đất đai, nhà xưởng khi rút ra thì ảnh hưởng đến hoạt động và sự tồn tại của cả hợp tác xã.

Để tránh làm sai lệch bản chất mô hình hợp tác xã, dự thảo đã quy định về tỷ lệ vốn góp tối đa của các thành viên, các thành viên cũng phải tôn trọng các nguyên tắc, chấp hành những tôn chỉ của hợp tác xã.

 

Đặc biệt, "đối với trường hợp có thể dẫn đến chi phối, thâu tóm hợp tác xã, Bộ trưởng cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để thiết kế thêm điều khoản ngăn chặn trường hợp này", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Với những quy định chặt chẽ, nghiên cứu kỹ lưỡng, Chính phủ kiến nghị các đại biểu Quốc hội đồng thuận theo phương án 1.

Đối với việc tham gia hợp tác xã của người nước ngoài, Bộ trưởng cho biết dự thảo luật đã có quy định chặt chẽ để thu hút được sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, tranh thủ nguồn lực nhưng vẫn ngăn chặn hiệu quả việc chi phối, thâu tóm. Bộ trưởng cho rằng đây là cơ chế mở, cần đảm bảo thông thoáng, thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài trong vấn đề phát triển kinh tế hợp tác.

Về tổ chức thực hiện, để nhanh chóng đưa chính sách của luật vào cuộc sống, Bộ trưởng cho biết cơ quan soạn thảo  chuẩn bị những nội dung nghị định, thời gian tới mong các đại biểu Quốc hội tiếp tục đồng hành để các văn bản quy phạm pháp luật này được chặt chẽ, khả thi.

Về xây dựng chương trình tổng thể phát triển kinh tế tập thể và một số vấn đề khác, Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai và sẽ có báo cáo với Quốc hội.