Sửa Nghị định 153: Cẩn trọng nếu không muốn cỗ xe dừng đột ngột
Theo các chuyên gia, nếu nhà quản lý nâng cao mức chặn khi phát hành, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ bóp nghẹt và dẫn đến việc làm suy giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài...
Chỉ sau chưa đầy 1 năm thực hiện Nghị định 153/2020/NĐ-CP, những diễn biến nhanh chóng của thị trường đã khiến Bộ Tài chính phải tiến hành dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung với nội dung siết lại hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Tại dự thảo sửa đổi lần này, cơ quan quản lý dữ liệu nhiều tình huống hơn, theo hướng chặt chẽ hơn, nhằm phản ánh đúng chất lượng hàng hóa và hướng dòng tiền đến đúng đích. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, một số điều khoản có vẻ như sẽ gây cản trở, tắc nghẽn thị trường.
LBO SẬP SỬA DOANH NGHIỆP VIỆT
Dự thảo sửa đổi có đề cập: “Doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu để góp vốn dưới mọi hình thức, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác, hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn”.
Góp ý cho nội dung này, ông Khổng Phan Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ VietinBank cho rằng, trong câu chuyện liên quan đến sửa Nghị định 153, việc nhà quản lý tạo thêm một mức chặn nữa ở mục đích phát hành như trên là điều rất đáng lo. Điều này không chỉ tác động đến quyền của doanh nghiệp trong sử dụng vốn, mà còn ảnh hưởng xấu đến các giao dịch mua lại tài sản bằng vốn vay (LBO - Leveraged Buy/Out).
Cụ thể, ông Đức cho biết, lý do tồn tại của thị trường chứng khoán bao gồm cổ phiếu và trái phiếu đều hướng tới việc giải quyết nhu cầu vốn chính đáng cho doanh nghiệp, bất kể doanh nghiệp đang ở các mức độ rủi ro ra sao. Bởi lẽ, các ngân hàng thương mại thường không cung cấp vốn cho các doanh nghiệp có mức rủi ro cao. Khi đó, doanh nghiệp buộc lòng phải tìm kênh vốn khác.
Doanh nghiệp cần vốn cho nhu cầu chính đáng thì phải mở cửa bằng cách này hay cách khác để doanh nghiệp tiếp cận vốn. Nhưng bây giờ trong dự thảo sửa đổi, cánh cửa trái phiếu doanh nghiệp lại bị khoá chặt.
Ông Khổng Phan Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ VietinBank
Đồng thời, nếu quy định này chính thức có hiệu lực và đi vào thực tiễn, ông Đức cho rằng, nhiều doanh nghiệp sẽ tự hiểu hoạt động thâu tóm nhằm phục vụ cho mục đích chiến lược như doanh nghiệp bất động sản tạo thêm quỹ đất, hoặc một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh triển khai tích hợp hàng dọc, hàng ngang bằng cách thâu tóm doanh nghiệp nguyên liệu đầu vào… là những hành vi không được Chính phủ khuyến khích.
Chung quan điểm, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam(VBMA) cho biết, trong Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã quy định, doanh nghiệp có quyền góp vốn để đầu tư. Việc quy định không cho huy động để góp vốn tương đương hạn chế quyền của doanh nghiệp.
Mặt khác, hoạt động M&A đang sử dụng phổ biến công cụ LBO, đây là thông lệ trên thị trường quốc tế. Như vậy, trong khi chưa kiểm soát được nguồn vốn vay của các nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường nước ngoài “đổ bộ” vào, thì quy định tại dự thảo sửa đổi lại cản bước doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào quá trình tái cơ cấu cho nền kinh tế trong nước.
“Thương trường là chiến trường. Doanh nghiệp phải có các công cụ, các phương tiện, vũ khí hiện đại để chiến đấu. Thế nhưng chính chúng ta lại không cho doanh nghiệp trong nước sử dụng vũ khí hiện đại. Quy định trên coi như đóng sập cánh cửa LBO đối với các nhà đầu tư nội”, ông Quỳnh chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Quỳnh cũng cho rằng, lo lắng của Bộ tài chính hoàn toàn hợp lý. Vậy câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để quản lý phát hành trái phiếu sử dụng vốn của doanh nghiệp an toàn đảm bảo hợp lý?
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Trái phiếu, Chính phủ nên quy định các doanh nghiệp được phép huy động vốn đến mức độ cụ thể.
“Với ngân hàng thương mại ta có hệ số an toàn vốn là 8%, công ty chứng khoán là vay nợ/vốn chủ sở hữu 5%. Tại sao các doanh nghiệp không có hệ số nào giới hạn về hệ số nợ/vốn chủ sở hữu? Vừa rồi Nghị định 81 có đưa ra khống chế, nếu doanh nghiệp phát hành trái phiếu mà nợ/vốn quá 5 lần thì không được phép phát hành và mình phải có xếp hạng tín nhiệm. Vậy có nên chăng xem xét giới hạn nợ/vốn chủ sở hữu chứ không nên đánh thẳng vào mục đích sử dụng”, ông Quỳnh nêu kiến nghị.
THÊM NHIỀU ĐIỂM BẤT HỢP LÝ
Ngoài quy định trên, dự thảo còn 2 vấn đề nổi bật: (i) quy định chốt cứng mục đích sử dụng tiền từ phát hành trái phiếu; (ii) yêu cầu bắt buộc sử dụng xếp hạng tín nhiệm độc lập.
Về quy định chốt cứng mục đích sử dụng vốn trong tài liệu chào bán ban đầu, ông Quỳnh đánh giá không hợp lý. Giải thích đánh giá này ông cho biết, bản chất nhà quản lý đang muốn doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và minh bạch trong quá trình sử dụng vốn. Thế nhưng trong thực tiễn, nhiều toan tính của doanh nghiệp giữa lúc huy động và lúc sử dụng luôn có biến động.
“Tôi nghĩ rằng, trong trường hợp doanh nghiệp thông qua đại diện (chủ sở hữu trái phiếu) đạt được sự thống nhất khoảng 51% trở lên thì có thể được quyền thay đổi mục đích sử dụng vốn. Điều này đảm bảo được tính linh hoạt cho doanh nghiệp cũng như đảm bảo phần nào đó quyền lợi cho nhà đầu tư”, ông Quỳnh nói.
Tại đối thoại chuyên đề: “Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trước tác động dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP”, do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức theo hình thức trực tuyến ngày 20/1/2022, ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đã góp ý cho điều khoản liên quan đến yêu cầu sử dụng xếp hạng tín nhiệm.
Theo ông Hiếu, quy định này đang hướng tới trái phiếu phát hành riêng lẻ, và người mua sản phẩm này phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Trong khi, nhà đầu tư chuyên nghiệp luôn thông minh, họ có cách thức làm việc hiệu quả nhất, rẻ nhất để thực hiện và không muốn đọc một bản báo cáo đọc mãi mà không tìm thấy thông tin.
“Có khi họ chỉ cần hỏi chuyên gia 3 câu hỏi, chứ cũng chưa chắc cần quá nhiều thông tin về doanh nghiệp phát hành. Do đó, yêu cầu xếp hạng bắt buộc đôi khi chỉ tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp phát hành”, ông Hiếu nhìn nhận.
Mấu chốt vấn đề không đến từ thị trường sơ cấp mà nằm tại người mua cuối cùng, tức thị trường thứ cấp. Khi bản chất của nhà đầu tư thứ cấp không đổi thì tất cả rào cản về hành chính đều sẽ bị vượt qua. Thực tế cho thấy, ngay vấn đề khó khăn nhất là xác nhận làm nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng có thể bị vượt qua dễ dàng.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội
Ngoài ra, theo ông Hiếu, tính riêng trong năm 2021, con số nhà phát hành trái phiếu lên tới gần 400, trong khi thị trường chỉ có hai đơn vị xếp hạng tín nhiệm. Với bối cảnh đó, đối với doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm thì việc nâng cao năng lực là điều có thể làm được, nếu có đơn hàng, thậm chí đơn hàng ở đây bắt buộc và có thể nhìn thấy.
Nhưng có một vấn đề là doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm đang từ vị thế có trách nhiệm thì nay phải phục vụ thị trường. “Ngày xưa anh cần tôi vì tôi xếp hạng trách nhiệm và chất lượng. Giờ thì anh không muốn tôi thì anh vẫn phải cần tôi. Vị thế giữa doanh nghiệp và đơn vị xếp hạng sẽ thay đổi”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Nhìn tổng thể toàn bộ dự thảo sửa đổi Nghị định 153, ông Hiếu đánh giá, đây là việc cần thiết. Tuy nhiên, việc sửa đổi phải rất cẩn thận. Nếu không điều hành khôn khéo, thị trường đang vận hành như một cỗ máy mà bị phanh cứng lại sẽ gây ra hậu quả rất lớn.
Ví dụ, doanh nghiệp luôn luôn có kế hoạch dài và kế hoạch ngắn. Khi phát hành trái phiếu kỳ hạn 3 năm hay 6 năm thì doanh nghiệp luôn tính toán theo chiến lược trong 5 - 10 năm với cái khung pháp lý như hiện nay. Nếu như việc sửa đổi mà quá thiên về việc kiểm soát, đặt thêm nhiều điều kiện, doanh nghiệp chưa thể bắt nhịp với khung pháp lý mới, khiến không thể phát hành thêm vốn và chiến lược về tài chính dài hạn bị sụp đổ.
“Do đó, phải xác định rõ vấn đề vướng mắc ở đây. Tránh trường hợp sửa chữa về mặt ngôn ngữ để an tâm nhưng lại gây ra nhiều phiền toái cho doanh nghiệp mà cũng không có tác động nhiều đến sự phát triển của thị trường”, ông Hiếu chia sẻ.
Phát hành trái phiếu để mua trái phiếu khác là hoạt động bình thường của tổ chức tín dụng. Trong trường hợp không cho phép hoạt động này thì đâu đó cũng đang hạn chế hoạt động kinh doanh hợp pháp bình thường của tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, với tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, một số tập đoàn kinh doanh... thì họ thành lập công ty con, công ty dự án. Các doanh nghiệp dự án mới thành lập rất khó huy động. Do đó, công ty mẹ sẽ huy động vốn thông qua phát trái phiếu và cho công ty con vay triển khai dự án.
Từ phía vai trò là tổ chức phát hành, nhà đầu tư hay đơn vị tư vấn, tôi băn khoăn với giải pháp thắt chặt này có hiệu quả hay lại đóng băng một số hoạt động bình thường, chính đáng của doanh nghiệp.
Bà Phạm Phương Lan, đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)