10:26 11/05/2022

Sức ép giảm từ thế giới khiến giá vàng miếng tuột mốc 70 triệu đồng/lượng

Điệp Vũ

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC đang cao hơn 18,8 triệu đồng/lượng, một mức chênh lệch kỷ lục, từ chỗ chênh 18,5 triệu đồng/lượng vào sáng hôm qua...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty.

Giá vàng miếng trong nước sáng nay (11/5) có nơi không giữ được mốc 70 triệu đồng/lượng do áp lực giảm từ thị trường vàng thế giới là quá lớn. Nhưng nếu so với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn gần 19 triệu đồng/lượng.

Lúc gần 10h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 69,25 triệu đồng/lượng (mua vào) và 69,95 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm ngày hôm qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện giảm 300.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 250.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 54,55 triệu đồng/lượng và 55,3 triệu đồng/lượng, giá mua vào giảm 50.000 đồng/lượng nhưng giá bán ra không thay đổi so với sáng qua.

Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 69,3 triệu đồng/lượng và 70 triệu đồng/lượng, giảm tương ứng 250.000 đồng/lượng và 300.000 đồng/lượng.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC đang cao hơn 18,8 triệu đồng/lượng, một mức chênh lệch kỷ lục, từ chỗ chênh 18,5 triệu đồng/lượng vào sáng hôm qua. Gần đây, chênh lệch giá vàng trong nước-thế giới ngày càng giãn rộng do giá vàng trong nước giảm cầm chừng so với quốc tế.

Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc gần 10h theo giờ Việt Nam đứng ở 1.838,9 USD/oz, giảm 0,1 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại Mỹ. Mức giá này tương đương chưa đến 51,2 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.

Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 22.810 đồng (mua vào) và 23.090 đồng (bán ra), bằng với mức giá sáng hôm qua.

Trong phiên ngày thứ Ba tại New York, giá vàng giao ngay giảm 16,1 USD/oz, tương đương giảm 0,9%, còn 1.839 USD/oz. Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của giá vàng thế giới kể từ đầu tháng 2.

Diễn biến giá vàng thế giới từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: TradingView.
Diễn biến giá vàng thế giới từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: TradingView.

Vàng tụt giá khi đồng USD nối lại đà tăng. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD tăng 0,2% trong phiên ngày thứ Ba, đạt gần mức đỉnh 20 năm thiết lập trong phiên ngày thứ Hai. Sáng nay, chỉ số này đạt gần 103,9 điểm, từ mức 103,6 điểm vào sáng hôm qua.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng thận trọng trước khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo lạm phát tháng 4 vào đêm nay theo giờ Việt Nam. Tình hình lạm phát sẽ quyết định đường đi của chính sách tiền tệ, từ đó chi phối diễn biến giá vàng.

“Lúc đầu, giá vàng cho thấy những dấu hiệu ổn định trở lại, nhưng nhà đầu tư vẫn lo lắng trước khi có dữ liệu lạm phát mới và không biết Fed sẽ cứng rắn tới mức độ nào”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda nhận định. “Sức mạnh của đồng USD vẫn đang gây tổn thất đối với vàng. Thị trường trái phiếu đã ngừng bán tháo, nhưng có vẻ như nhà đầu tư chưa vội quay trở lại với vàng”.

Phiên ngày thứ Ba, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm dưới 3%, theo đó giúp giảm bớt áp lực bán tháo đối với vàng. Khi giá trái phiếu giảm, lợi suất tăng lên, và ngược lại.

Phát biểu cùng ngày, Chủ tịch Fed chi nhánh New York, ông John Williams, nói rằng mục tiêu của Fed kéo lạm phát xuống mà không gây sụt giảm tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh bất ổn gia tăng vì chiến tranh Nga-Ukraine và đại dịch Covid là một việc khó, nhưng có thể làm được.

“Đánh giá này của ông Williams phản ánh sự lùi lại một chút từ lập trường cứng rắn liên quan đến nâng lãi suất”, chiến lược gia Bob Haberkorn của RJO Futures nhận định.

Nếu Fed giảm cứng rắn, vàng sẽ bớt áp lực giảm, vì vàng là kênh đầu tư không mang lãi suất. Tuy nhiên, nhà đầu tư không muốn xuống tiền trước khi báo cáo lạm phát được công bố.