Giá vàng thế giới rớt thảm vì USD tăng giá, trong nước giảm cầm chừng
Giá vàng thế giới lao dốc chóng mặt trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (9/5) do đồng USD lập đỉnh mới của 20 năm. Giá vàng miếng trong nước sáng nay giảm không đáng kể, khiến chênh lệch giá vàng trong nước-quốc tế càng rộng thêm...
Lúc gần 10h trưa nay, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 69,55 triệu đồng/lượng (mua vào) và 70,2 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm ngày hôm qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện giảm 100.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 54,6 triệu đồng/lượng và 55,3 triệu đồng/lượng, giảm 250.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 69,55 triệu đồng/lượng và 70,3 triệu đồng/lượng, giảm tương ứng 200.000 đồng/lượng và 150.000 đồng/lượng.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 18,4-18,5 triệu đồng/lượng, từ chỗ chênh 18,1-18,2 triệu đồng/lượng vào sáng hôm qua.
Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc 10h trưa nay theo giờ Việt Nam đứng ở 1.861,2 USD/oz, tăng 6,1 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại New York. Mức giá này tương đương 51,8 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.
Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 22.810 đồng (mua vào) và 23.090 đồng (bán ra), không thay đổi so với sáng hôm qua. Tỷ giá USD/VND trong nước đang duy trì sự ổn định, bất chấp xu hướng tăng mạnh gần đây của đồng USD trên thị trường quốc tế.
Trong phiên Mỹ ngày thứ Hai, giá vàng giao ngay giảm 29 USD/oz, tương đương giảm hơn 1,5%, còn 1.855,1 USD/oz.
Giá vàng chịu áp lực giảm mạnh từ xu hướng tăng giá của đồng USD. Trong phiên ngày thứ Hai, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng bạc xanh so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác có lúc đạt 104 điểm, cao nhất kể từ năm 2002. Sáng nay, chỉ số này hạ về 103,6 điểm.
Trong vòng 1 tháng, Dollar Index đã tăng hơn 3,3%, nâng tổng mức tăng trong 3 tháng lên 8,3%.
“Đồng USD tăng giá bùng nổ vì kỳ vọng vào chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed. USD tăng giá gây áp lực mất giá lên vàng”, Giám đốc giao dịch kim loại quý David Meger của High Ridge Futures phát biểu.
Ngoài sức ép từ đồng USD mạnh, giá vàng còn giảm vì lãi suất tăng. Tuần trước, Fed nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm và tuyên bố sẽ bắt đầu cắt giảm quy mô bảng cân đối kế toán từ tháng 6. Theo dự báo, Fed có thể nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm mỗi lần trong 2 cuộc họp tới. Đây là bước nhảy lãi suất mà Fed chưa từng áp dụng kể từ năm 2000.
Trái phiếu kho bạc Mỹ cũng bị bán mạnh trong phiên ngày thứ Hai, khiến lợi suất của kỳ hạn 10 năm lập đỉnh mới kể từ cuối năm 2018 ở mức cao hơn nhiều so với ngưỡng 3%. Lợi suất tăng đặt thêm áp lực giảm giá lên vàng – tài sản không mang lãi suất.
Thị trường chứng khoán Mỹ bán tháo trong phiên đầu tuần, nhưng vàng không phát huy được vai trò kênh đầu tư an toàn vì nỗi lo về lãi suất tăng đang chiếm ưu thế trong tâm trí của nhà đầu tư trên thị trường kim loại quý.
Theo chuyên gia Everett Millman của Gainesville Coins, nếu xét tới độ mạnh của tỷ giá đồng USD hiện nay, giá vàng đang bám trụ khá tốt. “Đợt giảm gần đây đã để lại một dư địa lớn cho vàng hồi phục.Ngoài ra, đồng USD có thể đã gần đỉnh rồi. Điều đó là tốt cho vàng vì tạo ra một môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi cho kim loại quý. Tuy nhiên, giá vàng vẫn sẽ đối mặt với biến động mạnh trong ngắn hạn”, ông nói.
Chuyên gia Edward Moya của Oanda thì cho rằng cho tới khi đồng USD giảm giá trở lại, giá vàng sẽ tiếp tục gặp khó.
“Nếu chứng khoán tiếp tục bị bán và đà tăng của đồng USD chững lại, giá vàng sẽ ổn định trở lại. Nhưng vẫn còn một rủi ro lớn đến từ thị trường trái phiếu. Vàng có thể chịu tổn thất trước khi xảy ra một đợt bán tháo cuối cùng trên thị trường trái phiếu”, ông Moya giải thích.