11:38 10/04/2024

Sức hấp dẫn từ môi trường đầu tư giúp Hải Phòng liên tục đứng top đầu cả nước về thu hút FDI

Ánh Tuyết

Quý 1/2024, Hải Phòng thu hút 253 triệu USD vốn FDI, đạt 12% kế hoạch cả năm. Tăng tốc hơn nữa trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo cơ chế hành chính đặc thù tiếp tục tạo sức hấp dẫn cho Hải Phòng trong cuộc đua thu hút dòng vốn đầu tư FDI...

Năm 2023, Hải Phòng thu hút FDI đạt gần 3,5 tỷ USD và về đích thu hút FDI sớm 4 tháng.
Năm 2023, Hải Phòng thu hút FDI đạt gần 3,5 tỷ USD và về đích thu hút FDI sớm 4 tháng.

Chia sẻ tại cuộc gặp gỡ với các Đại sứ quán, hiệp hội doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài (FDI) do UBND TP. Hải Phòng tổ chức sáng ngày 10/4 trước thềm Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024 và chương trình Rồng Vàng lần thứ 23, ông Bùi Tiến Phong, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng, cho biết trong năm 2024, thành phố đặt mục tiêu thu hút từ 2 - 2,5 tỷ USD vốn FDI. 

Ông Bùi Tiến Phong, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng, phát biểu tại buổi gặp gỡ -  Ảnh: Việt Dũng.
Ông Bùi Tiến Phong, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng, phát biểu tại buổi gặp gỡ -  Ảnh: Việt Dũng.

Hải Phòng được đánh giá là một điểm sáng trong thu hút FDI và luôn duy trì đứng trong top đầu cả nước.

Trước đó, năm 2023, về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Hải Phòng về đích sớm 4 tháng, tổng cộng 3,446 tỷ USD với 950 dự án, đứng thứ 2 cả nước.

 

"Trong quý 1/2024, Hải Phòng thu hút vốn FDI đạt 253 triệu USD, đạt 12% kế hoạch cả năm. Với sự quyết tâm của chính quyền thành phố và việc cải thiện môi trường đầu tư, các điều kiện hạ tầng và điều kiện khác, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng và cố gắng để đạt kế hoạch thu hút FDI như thành phố đề ra", ông Phong nhấn mạnh.

Chia sẻ về sức hấp dẫn từ môi trường đầu tư của thành phố cảng, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng, dẫn chứng đánh giá của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và cho biết trong những năm gần đây, Hải Phòng duy trì chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tốt nhất Việt Nam và thường xuyên đứng vị trí top 3.

"Chỉ số này do cộng đồng doanh nghiệp đánh giá thể hiện quyết tâm của lãnh đạo, chính quyền thành phố trong việc thu hút nhà đầu tư đến Hải Phòng", ông Phong bày tỏ.

Về việc hướng dẫn nhà đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng hướng dẫn nhà đầu tư tra cứu trên hệ thống cũng như sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) trả lời nhà đầu tư về thủ tục đầu tư. Bên cạnh đó, tại Sở Kế hoạch và Đầu tư có bộ phận một cửa tiếp nhận, hướng dẫn những nhà đầu tư quan tâm vào Hải Phòng, giúp tạo môi trường đầu tư minh bạch, loại bỏ nhiều thủ tục không cần thiết.

Nói thêm về bộ phận một cửa, ông Bùi Ngọc Hải, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, cho biết ban quản lý giải quyết tất cả thủ tục đầu tư tại bộ phận một cửa.

"Đây là cơ chế hành chính đặc thù ban được uỷ ban nhân dân thành phổ uỷ quyền để Ban Quản lý Khu kinh tế thực hiện nhiệm vụ này. Nhà đầu tư chỉ cần đến, ban sẽ giải quyết mọi thủ tục về môi trường, giấy phép xây dựng... Ban cũng có cơ chế phối hợp cơ quan liên quan, kể cả đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế với cơ quan thuế", ông Hải nói.

Lãnh đạo Thành phố và các Sở ban ngành của Hải Phòng giao lưu cùng doanh nghiệp lớn tại buổi gặp gỡ -  Ảnh: Việt Dũng.
Lãnh đạo Thành phố và các Sở ban ngành của Hải Phòng giao lưu cùng doanh nghiệp lớn tại buổi gặp gỡ -  Ảnh: Việt Dũng.

Liên quan đến định hướng phát triển xanh của thành phố, ông Bùi Tiến Phong, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng, cho biết với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chiến lược tăng trưởng quốc gia về tăng trưởng xanh và Hải Phòng là một trong những địa phương tích cực thực hiện chiến lược về tăng trưởng xanh.

Đánh giá về tăng trưởng xanh từ cộng đồng doanh nghiệp, ông Phong cho biết VCCI thí điểm đánh giá chỉ số tăng trưởng xanh cấp tỉnh (PGI) nhưng chỉ số này chưa xếp thứ hạng 63 tỉnh thành trong cả nước. Tuy nhiên, theo điểm số VCCI công bố và đánh giá trên các chỉ số thành phần, cơ bản Hải Phòng lọt top 5.

Được biết, chỉ số PGI gồm 4 chỉ số thành phần gồm: giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong bảo vệ môi trường; chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường. 

Ngoài ra, theo ông Phong, hiện nay Hải Phòng một trong 3 địa phương được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn là địa phương điểm xây dựng kế hoạch phát triển xanh trên toàn quốc.

Ngày 02/12/2023, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, quy hoạch đưa ra 06 quan điểm phát triển, trong đó, thành phố tập trung phát triển một số lĩnh vực khoa học, công nghệ hiện đại, nhất là lĩnh vực kinh tế biển để Hải Phòng thực sự đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước.

Hải Phòng cũng phấn đấu sớm trở thành thành phố có công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn, gắn với chuyển đổi số; trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế.

Đồng thời, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, trước hết là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối thông suốt cảng biển với các các vùng nội địa, làm cơ sở cho việc phát triển mạnh dịch vụ logistics và hạ tầng phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số.