Sức hút của Singapore đối với giới nhà giàu Trung Quốc
Với chính sách thuế thân thiện và được xem là ổn định tài chính, Singapore từ lâu đã là một “thiên đường” cho người nước ngoài siêu giàu. Tuy nhiên, một dòng chảy tài sản mới vào Singapore đã xuất hiện từ năm 2021...
Giống như nhiều người Trung Quốc giàu có khác, Zayn Zhang – 26 tuổi và đang học sau đại học – cho rằng Singapore có thể chính là nơi lý tưởng để cất giữ gia sản. Zhang hy vọng rằng bằng cách theo học tại một trường đại học ở đảo quốc sư tử sẽ giúp anh được cư trú vĩnh viễn ở nước này.
Ngoài giờ học, Zhang và vợ đi tìm mua một căn penthouse có giá 5-7 triệu Đôla Singapore, tương đương 4-5 triệu USD.
“Singapore tuyệt vời. Đây là một quốc gia ổn định và có nhiều cơ hội đầu tư”, Zhang nói với phóng viên Reuters tại một diễn đàn kinh doanh và từ thiện ở Singapore vào cuối năm ngoái. Zhang cho biết gia đình anh có thể mở một văn phòng quản lý gia sản ở Singapore trong tương lai.
BÙNG NỔ VĂN PHÒNG QUẢN LÝ GIA SẢN Ở SINGAPORE
Diễn đàn nói trên được tổ chức tại khách sạn Shangri-La, với sự tham gia của hàng trăm người giàu. Nhiều khách mời xuất hiện với trang phục và phụ kiện xa xỉ như thắt lưng Hermes, khăn choàng Gucci hay túi Dior. Các chủ đề được thảo luận tại diễn đàn bao gồm quản lý gia sản và đầu tư bền vững. Nhiều khác Trung Quốc tham dự diễn đàn nói rằng họ gần đây đã chuyển tới sống ở Singapore hoặc đang có kế hoạch như vậy.
Với chính sách thuế thân thiện và được xem là ổn định tài chính, Singapore từ lâu đã là một “thiên đường” cho người nước ngoài siêu giàu. Tuy nhiên, một dòng chảy tài sản mới vào Singapore đã xuất hiện từ năm 2021 sau khi nước này trở thành một trong những nơi đầu tiên ở châu Á nới lỏng chính sách chống Covid-19 trong lúc Trung Quốc còn đang theo đuổi chính sách chống dịch hà khắc Zero Covid.
Zhang, người đã giành quyền cư trú ở Hồng Kông vào năm 2021, bắt đầu để ý tới Singapore. Zhang cho biết anh mất kiên nhẫn vì phải cách ly kéo dài sau mỗi chuyến đi giữa Hồng Kông và Trung Quốc đại lục. Tình hình chính trị thiếu ổn định ở Hồng Kông cũng là một nguyên nhân khiến Zhang nản lỏng.
Số văn phòng quản lý gia sản – nơi xử lý những công việc như đầu tư, thuế, chuyên giao tài sản, và các vấn đề tài chính khác cho những gia đình siêu giàu - ở Singapore đã tăng lên khoảng 700 văn phòng hiện nay, từ con số 400 văn phòng vào năm 2021. Những văn phòng quản lý gia sản nổi tiếng ở Singapore bao gồm văn phòng của James Dyson – ông chủ hãng thiết bị gia dụng đắt tiền, nhà quản lý quỹ phòng hộ Ray Dalio, hay Zhang Yong – nhà sáng lập chuỗi nhà hàng lẩu Haidilao.
Dù không có con số thống kê chính thức, người trong ngành cho biết mối quan tâm đến các văn phòng quản lý gia sản ở Singapore đã tăng mạnh trong năm ngoái và được dự báo tiếp tục tăng trong năm nay. Việc Trung Quốc từ bỏ chính sách Zero Covid được cho là sẽ không làm thay đổi xu hướng này, vì nhiều gia đình giàu có ở Trung Quốc lo lắng về tài sản của họ khi Bắc Kinh theo đuổi chủ trương “thịnh vượng chung” nhằm mục đích giảm bất bình đẳng giàu nghèo trong xã hội.
Ông Chung Ting Fai, một luật sư chuyên hỗ trợ mở văn phòng quản lý gia sản, tiết lộ rằng vào cuối năm ngoái, bình quân mỗi tuần ông có một khách hỏi về việc chuyển ít nhất 20 triệu USD tài sản sang Singapore. Con số này tăng từ mức bình quân mỗi tháng có 1 khách hỏi như vậy trong năm 2021. Tháng 1 năm nay, mỗi tuần ông có hai khách đặt vấn đề.
Cũng theo ông Chung, nhiều bậc cha mẹ muốn xin cư trú vĩnh viễn ở Singapore cho con cái họ. Khách hàng tiềm năng của ông chủ yếu là người Trung Quốc, một số là người Nhật Bản và Malaysia.
CƠN SỐT GIÁ NHÀ VÀ THẺ GOLF
Một phần sức hút của Singapore đối với siêu giàu là chương trình nhà đầu tư toàn cầu do Chính phủ Singapore quản lý. Theo chương trình này, những người đầu tư ít nhất 2,5 triệu Đôla Singapore vào một cơ sở kinh doanh ở nước này, hoặc mở một văn phòng quản lý gia sản ở nước này, đều có thể xin cư trú vĩnh viễn.
Bà Grace Tang, một Giám đốc của công ty quản lý quỹ đầu tư cổ phần tư nhân Phillip Private Equity, cho biết từ đầu năm tới nay, bà liên tục có các cuộc gặp gỡ với các nhà đầu tư tiềm năng, chủ yếu là người Trung Quốc. Phillip Private Equity hiện đang có hai quỹ đầu tư ở Singapore dành cho nhà đầu tư toàn cầu.
Theo bà Tang, một số khách hàng của bà mở văn phòng quản lý gia sản ở Singapore, trong khi một số khác mở cơ sở kinh doanh ở nước này, hoặc đầu tư vào các quỹ đặt tại Singapore.
Dữ liệu mới nhất cho thấy lượng tài sản tư nhân được quản lý ở Singapore đã tăng 16% trong năm 2021, đạt 5,4 nghìn tỷ Đôla Singapore. Hơn 3/4 trong số này là tài sản có nguồn gốc từ ngoài Singapore, trong đó gần 1/3 tổng số đến từ các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Dòng chảy tài sản vào Singapore là một phần trong xu hướng người ngoại quốc quay trở lại nước này sau làn sóng rời đi trong đại dịch Covid-19. Năm ngoái, Singapore có thêm 30.000 cư dân vĩnh viễn và 97.000 người nước ngoài có visa làm việc dài hạn, nâng dân số lên 5,64 triệu người.
Việc tăng dân số này góp phần đẩy giá thuê nhà ở Singapore tăng 21% trong 9 tháng đầu năm ngoái. Giá nhà ở nước này cũng tăng mạnh trong 2 năm qua trong bối cảnh khách từ Trung Quốc đại lục tiếp tục là lực lượng khách ngoại quốc mua nhà xa xỉ nhiều nhất tại đảo quốc sư tử.
Một dấu hiệu khác của dòng chảy tài sản vào Singapore là thẻ câu lạc bộ golf tăng giá chóng mặt. Giá thẻ thành viên của câu lạc bộ golf Sentosa danh tiếng đã tăng lên mức 880.000 Đôla Singapore, gấp đôi mức của năm 2019 – theo dữ liệu của dịch vụ môi giới thành viên Singolf Services.
Ông Desmond Teo, trưởng bộ phận doanh nghiệp gia đình khu vực châu Á-Thái Bình Dương của công ty tư vấn-kiểm toán EY, nói rằng dòng chảy tài sản vào Singapore giúp củng cố sức mạnh cho ngành dịch vụ tài chính và các startup của nước này, tạo ra một “hệ sinh thái giàu” khiến sức hút của nước này đối với giới giàu càng tăng thêm.
“Khi bạn đã thu hút được một đám đông quan trọng, thì bản thân đám đông đó lại là một sức hút”, ông Teo phát biểu.