17:32 11/07/2023

Sức khoẻ doanh nghiệp, nền kinh tế đang thế nào?

Vũ Khuê

Bàn về tổng cầu chúng ta mới chỉ mô tả thực trạng là chính còn giải pháp chưa rõ ràng, mà chỉ mang tính định hướng. Chính sách cần quan tâm hiện nay là vấn đề sức khoẻ của nền kinh tế, của doanh nghiệp…

Ông Đậu Anh Tuấn , Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại Toạ đàm Kinh tế vĩ mô giữa năm 2023 với chủ đề: "Phục hồi tổng cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới" diễn ra sáng ngày 11/7. Ảnh: Việt Dũng.
Ông Đậu Anh Tuấn , Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại Toạ đàm Kinh tế vĩ mô giữa năm 2023 với chủ đề: "Phục hồi tổng cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới" diễn ra sáng ngày 11/7. Ảnh: Việt Dũng.

Tại Tọa đàm Kinh tế vĩ mô giữa năm 2023 với chủ đề: "Phục hồi tổng cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới", sáng 11/7, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng điều chúng ta cần quan tâm hiện nay là vấn đề sức khoẻ của nền kinh tế, của doanh nghiệp Việt Nam lúc này như thế nào.

Ông Tuấn chia sẻ, chưa giai đoạn nào ông phải tiếp nhiều đoàn doanh nghiệp, nhiều nhóm ngành hàng như vậy. Khó khăn về thị trường đã đành, nhưng khó khăn từ chính sách mới là vấn đề lớn với doanh nghiệp.

Cái khó ở Việt Nam mục tiêu chính sách là vậy nhưng sự chia sẻ, hành động của các cơ quan liên quan không giống nhau. Đơn cử, Ngân hàng Nhà nước rất vất vả chỉ đạo điều hành đảm bảo về vốn, hay hạ lãi suất cho doanh nghiệp, trong khi đó tình trạng nợ đọng, không hoàn được thuế giá trị gia tăng xảy ra ở rất nhiều ngành hàng.

 
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI.

"Dường như lãnh đạo đang nói nhiều về mục tiêu chính sách cải cách, nhưng cách thức cải cách hay cải cách lĩnh vực nào, trách nhiệm của các bộ ngành ra sao, lộ trình thực hiện thế nào thì ít được thảo luận, chủ yếu thảo luận về các mục tiêu cần đạt được. Chính điều này ít tạo hiệu ứng thực tế".

Có doanh nghiệp phản ánh, mỗi tháng xuất khẩu 420 tỷ đồng, nhưng mấy tháng qua đình lại không xuất khẩu vì không hoàn được thuế. “Chỉ cần một doanh nghiêp trong chuỗi bị trục trặc, cơ quan thuế không hiện diện tại địa điểm đó hoặc đóng cửa thì lập tức tài khoản của doanh nghiệp bị ách lại, doanh nghiệp phải giải trình, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải làm việc với cơ quan công an”, Phó Tổng thư ký VCCI kể.

Nguồn vốn của doanh nghiệp đã khó nhưng lại bị đọng. Như vậy, chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, giảm vốn vẫn còn vướng.

Đưa dẫn chứng khác, ông Đậu Anh Tuấn cho biết với Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, nhiều doanh nghiệp chua chát cho biết, trong bối cảnh hiện nay lẽ ra phải thảo luận về những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về việc giảm thuế, nhưng nghịch lý là lại đang phải ngồi thảo luận để ngành của họ không bị đưa vào diện tăng thuế.  

“Một mặt chúng ta dành nhiều sức để có được việc giảm VAT 2%, nhưng mặt khác lại Bộ tài chính lại đang bổ sung rất nhiều ngành hàng vào diện chịu thuế. Đây là chính sách không hợp lý”, ông Tuấn nói.

Chính những bất cập chính sách này khiến nhiều bạn trẻ lẳng lặng đi ra nước ngoài như sang Singapore hay Malaysia thành lập doanh nghiệp.

Không chỉ vậy, hiện nay có rất nhiều chi phí chồng lấn nhau khiến nhiều ngành hàng Việt Nam khó cạnh tranh. Như phải thực hiện Luật bảo vệ môi trường thông qua thực hiện trách nhiệm mở rộng với nhà sản xuất trong tái chế… Vì vậy, điều doanh nghiệp quan tâm hiện nay là các giải pháp cải cách thể chế.

“Dường như lãnh đạo đang nói nhiều về mục tiêu chính sách cải cách, nhưng cách thức cải cách hay cải cách lĩnh vực nào, trách nhiệm của các bộ ngành ra sao, lộ trình thực hiện thế nào thì ít được thảo luận, chủ yếu thảo luận về các mục tiêu cần đạt được. Chính điều này ít tạo hiệu ứng thực tế”, ông Tuấn nói.

Còn TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phác hoạ bức tranh nền kinh tế Việt Nam thời gian qua số lượng doanh nghiệp Việt Nam rút lui khỏi thị trường 6 tháng đầu năm 2023 tăng lên vài chục phần trăm trong khi đó tốc độ doanh nghiệp gia nhập thị trường giảm đi.

TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, phát biểu tại toạ đàm 11/7/2023. Ảnh: Việt Dũng.
TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, phát biểu tại toạ đàm 11/7/2023. Ảnh: Việt Dũng.

“Doanh nghiệp chết đi là chết thật, còn doanh nghiệp gia nhập mới liệu có thật hay không? Vậy tăng trưởng 6 tháng còn lại dựa trên cơ sở nào?”, ông Thiên nhận định.

Bên cạnh đó chỉ số sử dụng lao động giảm mạnh nhất ở các tỉnh có lợi thế phát triển công nghiệp chế biến chế tạo như Bình Dương lao động giảm 12,4%, Đồng Nai -8,2%, Bắc Ninh -8%, Thái Nguyên -9,8%... Vậy chúng ta lý giải thế nào về tổng cầu, về triển vọng công nghiệp của Việt Nam?

Ông Thiên cho rằng, bàn về tổng cầu chúng ta mới chỉ mô tả thực trạng là chính còn giải pháp chưa rõ ràng, mà chỉ mang tính định hướng. Trong bối cảnh hiện nay theo nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chúng ta cần nhận diện lại cấu trúc của nền kinh tế, cơ cấu kinh tế thực, quan hệ nội lực và ngoại lực. Đặc biệt nhận diện nghiêm túc vấn đề thể chế, không thể cơi nới chính sách, cần có giải pháp khác thường, thực thi được, đi sâu vào cấu trúc thể chế.

“Cùng với sự cộng hưởng cái khó từ bên ngoài và do nền kinh tế mở trong khi “sức khoẻ yếu, gió to, nhất là gió độc”, điều này càng cho phép nhận diện đúng hơn cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam khi nền kinh tế dựa vào lao động rẻ”, ông Thiên nói.

Đây thực sự là giai đoạn đặc biệt khó khăn, chúng ta cần nhìn nhận đúng thực trạng của nền kinh tế Việt Nam. Ông Thiên nghi ngờ, có phải chúng ta đang đứng ở khâu chuyển dịch cơ cấu theo nghĩa là đối mặt với khủng hoảng cơ cấu và thể chế không? Sau 2-3 năm Covid nền kinh tế kiệt quệ chúng ta không thể xử sự như nền kinh tế bình thường được.