Y học giới tính tại Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức
Từ lâu, sức khỏe giới tính bị xem nhẹ hoặc bỏ qua nhưng nó ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, không chỉ thể chất mà tâm lý, tình cảm, các mối quan hệ xã hội. Đây cũng là một thành tố quan trọng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân…
Tại hội nghị CME - Cập nhật những tiến bộ trong Nam học và Y học Giới tính lần thứ 7 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 8 - 10/11, các chuyên gia đánh giá tại Việt Nam, nam học và y học giới tính vẫn chưa được tách ra thành một chuyên ngành chuyên biệt như Sản - Phụ khoa. Những vấn đề bệnh lý liên quan đến sức khỏe nam giới và sức khỏe giới tính đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất, tinh thần và chất lượng cuộc sống của cộng đồng, do vậy nhu cầu được khám, chăm sóc và điều trị những vấn đề bệnh lý liên quan đến nam học và y học giới tính ngày càng tăng.
Chia sẻ tại hội nghị, TS Tống Trần Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết, vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục cho nam giới mới được chú ý gần đây. Đây cũng là một là thành tố quan trọng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong khi đó, PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Bắc, Trưởng khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết hiện các bệnh lý nam khoa ngày càng có xu hướng trẻ hóa.
Sự phát triển nhanh chóng của xã hội kéo theo đó là áp lực công việc khiến các bệnh lý về rối loạn chuyển hóa gia tăng, kéo theo đó là sự gia tăng các bệnh lý nam khoa. Cùng với đó là sự phát triển từng ngày của y học, nhân lực bác sĩ nam khoa được đào tạo, bài bản, hệ thống hơn, các vấn đề liên quan đến nam học và y học giới tính được phát hiện sớm hơn. Ngoài ra, mạng lưới thông tin phát triển nên nhiều bạn trẻ đã tiếp cận và phát hiện được những biểu hiện sớm của bệnh.
"Bản thân các bạn trẻ cũng có nhận thức tốt hơn nên phát hiện sớm bệnh khi mới bắt đầu xảy ra. Nếu như trước đây, các bệnh lý về rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu… thường được chẩn đoán ở lứa tuổi trung niên thì nay có người 19 -20 tuổi đã đi khám rối loạn cương dương. Qua đó, các bác sĩ phát hiện bệnh lý như tiểu đường, tim mạch…" PGS Bắc nói. "Vì thế, chúng ta không coi rối loạn chức năng tình dục là chuyện nhỏ mà nó còn là dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh toàn thân".
Theo bác sỹ Bắc, trước đây việc chẩn đoán suy giảm testosterone ở nam giới dựa trên ngưỡng về nồng độ nội tiết trong máu theo khuyến cáo của các hội chuyên ngành. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần dựa vào ngưỡng này để chẩn đoán suy giảm testosterone thì nhiều khi chúng ta bỏ lỡ một phần lớn người bệnh.
Lý do có một mối liên quan chặt chẽ giữa việc suy giảm testosterone với các bệnh lý toàn thân. "Chúng ta hình dung testosterone giống như một người nhạc trưởng trong cơ thể của người nam giới. Nó không chỉ tham gia vào các hoạt động tình dục, sinh sản mà còn tham gia vào các hoạt động thức tỉnh trong bộ não, hoạt động chuyển hóa trong cơ thể", PGS Bắc phân tích.
Theo đó, testosterone suy giảm gây ảnh hưởng không chỉ đến sức khỏe tình dục và sinh sản mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe về tinh thần (rối loạn lo âu, trầm cảm...), rối loạn chuyển hóa (tăng đường máu, mỡ máu..), từ đó làm gia tăng nguy cơ các bệnh lý tim mạch. Nó cũng có thể gây thiếu máu, nhược cơ, loãng xương làm gia tăng tỷ lệ gãy xương bệnh lý… Vì thế, ông cho rằng việc hướng tới sự cá thể hóa nồng độ hormone sinh dục cho từng người bệnh sẽ giúp các bác sĩ quản lý và điều trị được tốt hơn.
Tuy nhiên, hiện nay việc giảng dạy và đào tạo chuyên ngành nam học và y học giới tính một cách chính quy vẫn chưa được diễn ra tại các trường đại học y dược trên cả nước. Trong một thời gian dài, chuyên ngành nam học và y học giới tính bị giới hạn trong chuyên ngành ngoại khoa tiết niệu nên có nhiều giới hạn. Hiện nay, nhiều trung tâm nam học lớn được hình thành nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh trong lĩnh vực này.
PGS. TS Kim Bảo Giang, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, cho hay qua gần 10 năm phát triển không ngừng, các khóa học CME tại Đại học Y Hà Nội đã trở thành điểm đến để chia sẻ kinh nghiệm và phát triển các kỹ năng trong quá trình hành nghề của các cán bộ y tế, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực nam học và y học giới tính. Trong thời gian tới, Đại học Y Hà Nội sẽ mở thêm mã ngành đào tạo mới này, để cập nhật thêm các công nghệ y khoa hiện đại nhất, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Trước đó, chia sẻ tại hội thảo Khoa học lần thứ 5 do Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội (AF Hanoi) tổ chức, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang, chủ tịch Hội Y học Giới tính Việt Nam, giám đốc Trung tâm Nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho hay vô sinh là một vấn đề y tế phổ biến, trong đó nguyên nhân từ phía nam giới chiếm gần một nửa các trường hợp.
Theo thống kê, tỷ lệ vô sinh do nam giới chiếm khoảng 40%, nữ giới chiếm 40%, còn 10% do cả hai vợ chồng và 10% không rõ nguyên nhân. Chính 10% trường hợp vô sinh không rõ nguyên nhân này đang là thách thức đặt ra với các bác sĩ, nhà khoa học trong việc tìm ra phương pháp điều trị. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới, trong đó 50% số ca mắc nằm ở độ tuổi dưới 30.
Phó Giáo sư Nguyễn Nguyễn Quang cho biết thêm hiện nay đã có một số ứng dụng sử dụng AI trong chẩn đoán và tiên lượng điều trị vô sinh nam. Ứng dụng AI có thể dự đoán chính xác ở 87% nam giới được cho là có khả năng cải thiện. Điều này cho thấy những kết quả do AI đưa ra sẽ là công cụ hỗ trợ hữu ích cho các y bác sĩ trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, điều trị vô sinh nam còn một số khó khăn nhất định như khó xác định nguyên nhân, di truyền học phức tạp, do tác động tâm lý, chi phí điều trị cao, tỷ lệ thành công không chắc chắn và những kỳ thị, định kiến của xã hội.
Còn tại Hội thảo quốc tế "Cập nhật xu hướng mới sức khỏe giới tính VNU 2024", GS.TS. Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, ĐHQGHN cho biết, y học giới tính được xem là vấn đề quan trọng trong xã hội hiện đại, bởi nó ảnh hưởng toàn diện đến sức khỏe, an sinh xã hội. Theo ước tính của khu vực, Châu Á có khoảng trên 200 triệu người có nhược điểm khác nhau về số giới tính. Chính vì vậy, việc phát triển nền y học giới tính là rất cần thiết không chỉ ở lĩnh vực chuyên môn chăm sóc sức khỏe mà còn là vấn đề mang tính xã hội, nhân văn, phù hợp với hiệu quả đổi mới.