15:42 21/02/2025

Tác hại của những loại đồ uống giúp “tỉnh táo”

Băng Hảo

Trong một khảo sát gần đây ở Singapore, giới trẻ toàn cầu dường như đang “nghiện” các loại nước tăng lực. Nhiều người thậm chí còn trộn cà phê đen với đồ uống tăng lực để tăng thêm sự tỉnh táo...

Ảnh: Health
Ảnh: Health

Vì những lời quảng cáo của một số hãng nước giải khát, một số người làm việc trí óc nhiều, lao động nặng, ngủ không đủ… thay vì nghỉ ngơi, bồi bổ sức khỏe thì lại chọn nước tăng lực để lấy lại năng lượng và tinh thần. 

Một số người khác vận động quá sức do chơi thể thao cũng chọn nước tăng lực để bổ sung sức khỏe. Đặc biệt, nhiều tài xế lái xe đường dài thường dùng nước tăng lực để giúp tinh thần được tỉnh táo, minh mẫn...

Theo các chuyên gia y tế, sở dĩ nhiều người coi các loại nước tăng lực là “thần được” vì bộ não cũng như nhiều cơ quan khác trong cơ thể rất cần một chất gọi là adenosine triphosphate (viết tắt ATP) là chất chuyển hóa sinh ra năng lượng làm tăng hoạt động trí não. Chất này rất cần thiết cho tế bào sinh trưởng và cơ thể hoạt động sinh lý bình thường. Với hoạt động thể chất, adenosine giúp tăng sức dẻo dai cơ bắp. Thậm chí, adenosine được dùng làm thuốc trị loạn nhịp tim.

Tuy nhiên, trước các ca tử vong sau khi uống nước tăng lực, Văn phòng Khu vực Châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến cáo khẩn cấp đối với các quốc gia về những ẩn họa khôn lường này. Theo WHO, đồ uống có chứa caffeine cao, tuy ngon miệng nhưng lại không có giá trị về mặt dinh dưỡng, có thể  gây béo phì và nhiều chứng bệnh nan y khác, nhất là khi có hàm lượng caffeine vượt ngưỡng cho phép.

Nước tăng lực (energy drink) là loại đồ uống có chứa các thành phần giúp người dùng tăng mức năng lượng và hiệu suất não bộ trong thời gian ngắn.
Nước tăng lực (energy drink) là loại đồ uống có chứa các thành phần giúp người dùng tăng mức năng lượng và hiệu suất não bộ trong thời gian ngắn.

Một số nghiên cứu đã cho thấy ngộ độc caffeine có thể khiến tim đập nhanh, loạn nhịp tim, tăng huyết áp, nôn, thậm chí có trường hợp rối loạn tâm thần và tử vong. Không chỉ Mỹ, Thụy Điển và Úc cũng đã ghi nhận một vài ca tử vong do dùng quá nhiều nước tăng lực. Đối với trẻ em, những calori rỗng của nước tăng lực khiến trẻ uống nó nhiều luôn cảm thấy no, chán ăn không muốn ăn và ăn không đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu.

Loại nước này cũng không hề có tác dụng bù nước (nước chứa quá nhiều đường không thể bù số lượng lớn mà cơ thể mất nước cần). Cũng như nước tăng lực chẳng có chất điện giải nào (natri, kali…) để bù. Uống càng nhiều nước tăng lực thì càng thiếu nước và chất điện giải. Thiếu nước và chất điện giải, rối loạn phân bố nước và chất điện giải giữa các khu vực trong cơ thể sẽ làm giảm hiệu quả luyện tập, tăng nguy cơ chấn thương.

Từ đó, các nhà chuyên môn khuyến cáo chính quyền nên xem xét khả năng có chính sách hạn chế dùng nước tăng lực, nhất là đổi với trẻ em. Để đánh giá tác động của các loại thức uống năng lượng (energy drink) này đối với sức khỏe thanh thiếu niên, các chuyên gia ở Đại học Teesside và Đại học Newcastle đã phân tích dữ liệu từ 57 nghiên cứu, có sự tham gia của hơn 1,2 triệu thanh thiếu niên từ 9 - 21 tuổi tại 21 quốc gia.

Uống càng nhiều nước tăng lực thì càng thiếu nước và chất điện giải.
Uống càng nhiều nước tăng lực thì càng thiếu nước và chất điện giải.

Kết quả được công bố trên tạp chí Public Health cho thấy việc tiêu thụ loại đồ uống nhiều năng lượng này có liên quan đến các biểu hiện sức khỏe thể chất kém hơn, chẳng hạn như chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn mức trung bình, hoặc có các vấn đề về nhịp tim và huyết áp cao.

Không chỉ vậy, những thanh thiếu niên uống nước tăng lực cũng có tình trạng sức khỏe tâm thần kém và dễ mắc chứng lo âu, trầm cảm, rối loạn ăn uống, thậm chí có hành vi tự làm hại bản thân.

Các tác dụng phụ đáng lo ngại khác của nước tăng lực còn bao gồm gia tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, tiểu đường và sâu răng. Theo Daily Mail, mặc dù nghiên cứu mới không khẳng định nước tăng lực trực tiếp gây ra những hậu quả tiêu cực nêu trên, nhưng nó bổ sung bằng chứng cho thấy rất nhiều tác hại tiềm tàng của loại đồ uống này đối với sức khỏe của giới trẻ hiện nay.

Tiến sĩ Shelina Visram, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc về những phát hiện cho thấy nước tăng lực có thể dẫn đến căng thẳng tâm lý và các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Đây là những mối quan tâm sức khỏe cộng đồng quan trọng cần được giải quyết... Đã đến lúc chúng ta phải hành động đối với ngành hàng đang phát triển nhanh nhất của thị trường nước giải khát”.

Nghiêm trọng hơn, các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu xã hội thuộc Trường Đại học Michigan, Mỹ đã kết luận rằng việc trộn lẫn đồ uống có cồn hoặc cà phê với nước tăng lực đưa đến nguy cơ khó lường cho sức khỏe.

Bà Rachel Wong, chuyên gia dinh dưỡng tại Bệnh viện đại học quốc gia Singapore (NUH), cho biết việc pha đồ ​​uống tăng lực với cà phê làm tăng hàm lượng caffeine tổng thể. Điều này làm tăng nguy cơ quá liều caffeine, dẫn đến các triệu chứng như tăng nhịp tim và huyết áp.

Việc trộn lẫn đồ uống có cồn hoặc cà phê với nước tăng lực đưa đến nguy cơ khó lường cho sức khỏe.
Việc trộn lẫn đồ uống có cồn hoặc cà phê với nước tăng lực đưa đến nguy cơ khó lường cho sức khỏe.

Khi đồ uống tăng lực được pha với rượu, tác dụng kích thích có thể che giấu tình trạng say, dẫn đến việc uống nhiều hơn và nguy cơ ngộ độc rượu cao hơn. Bà Wong cho biết những sự kết hợp này cũng có thể gây ra các vấn đề về giấc ngủ và khó tiêu như buồn nôn, đau dạ dày và mất nước do tác dụng lợi tiểu của caffeine.

Vào tháng 1/2024, Nghị sĩ Quốc hội được đề cử Jean See Jinli đã hỏi liệu Bộ Y tế Singapore có cân nhắc đưa ra các biện pháp hạn chế việc bán đồ uống có hàm lượng caffeine cao, bao gồm cả đồ uống tăng lực, cho những người trẻ tuổi hay không.

Câu hỏi này được đưa ra trong bối cảnh các chuyên gia dự đoán rằng các loại đồ uống không cồn này sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong 5 năm tới. Một cuộc khảo sát do nhà nghiên cứu cấp cao R. Hirschmann của công ty dữ liệu toàn cầu Statista thực hiện cho thấy thị trường ​​đồ uống tăng lực đã đạt 5,21 lít/người vào năm 2024.

Một số nhóm vận động sức khỏe cũng đang kêu gọi thắt chặt các quy định về nước uống tăng lực ở Đan Mạch. "Ngày càng có nhiều quốc gia bảo vệ trẻ em khỏi đồ uống tăng lực và chúng ta cũng nên làm như vậy", đại diện Trung tâm Sức khỏe Trẻ em nói với Euronews Business.

Hội đồng Người tiêu dùng Đan Mạch và Cơ quan Thực phẩm Đan Mạch cũng đưa ra những lời kêu gọi tương tự. Hội đồng Người tiêu dùng Đan Mạch đặc biệt muốn ngăn chặn việc bán đồ uống chứa caffeine cho trẻ em dưới 16 tuổi.

Nhiều quốc gia đã có chính sách ngăn chặn việc bán đồ uống chứa caffeine cho trẻ em dưới 16 tuổi.
Nhiều quốc gia đã có chính sách ngăn chặn việc bán đồ uống chứa caffeine cho trẻ em dưới 16 tuổi.

"Cơ quan Thực phẩm Đan Mạch đã xác định rằng đồ uống tăng lực không phù hợp với trẻ em vì caffeine có thể ảnh hưởng đến não bộ và cơ thể của trẻ", bà Karin Breck, Giám đốc Chính sách tại Hội đồng Người tiêu dùng Đan Mạch, cho biết.

"Mặc dù đã nỗ lực khuyến cáo cho người dân và dán nhãn cảnh báo trên sản phẩm về tác động gây rối loạn thần kinh của caffeine và đường đối với giấc ngủ, nhưng các biện pháp này vẫn chưa đạt được tác dụng mong muốn".

Đan Mạch quyết định áp dụng các hạn chế cụ thể hơn - đó là giới hạn độ tuổi - tương tự quy định do các quốc gia khác đặt ra trước đó bao gồm Latvia, Lithuania và Ba Lan. Vương quốc Anh cũng có thể làm theo, trong đó đảng Lao động Anh tuyên bố rằng họ có thể sẽ cấm bán đồ uống có chứa caffeine cho người dưới 16 tuổi. Biện pháp này đã được các siêu thị ở Vương quốc Anh áp dụng trên cơ sở tự nguyện.