09:24 05/11/2024

Biến đổi khí hậu khiến hàng tiêu dùng thành “xa xỉ”

Băng Hảo

Sự xuất hiện ngày càng nhiều thảm họa thiên nhiên đang đe dọa một số ngành nông nghiệp và làm giảm sản lượng của nông sản. Thậm chí, có những thực phẩm quen thuộc sẽ khan hiếm trong tương lai nếu biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục diễn ra...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các nhà rang xay và chuyên gia cà phê dự báo, giá cà phê có thể duy trì ở mức cao trong thời gian dài do các yếu tố như biến đổi khí hậu làm giảm nguồn cung cà phê toàn cầu. Một báo cáo nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Plos One cho rằng đến năm 2050, số khu vực thích hợp để trồng cà phê trên toàn cầu dự kiến giảm khoảng 50%. Sự suy giảm này chủ yếu là do nhiệt độ tăng lên ở các nước trồng cà phê lớn như Brazil, Việt Nam, Indonesia và Colombia.

NHIỀU MẶT HÀNG KHAN HIẾM VÀ ĐẮT ĐỎ

Trao đổi với Tạp chí Financial Times hồi tháng 6, Giuseppe Lavazza, Chủ tịch Lavazza Group (Italia), cho biết giá cà phê ở các siêu thị tại Anh đã tăng giá khoảng 15% trong năm nay và có thể tăng thêm 10% vào năm sau. JM Smucker, công ty sở hữu các thương hiệu cà phê Folgers và Café Bustelo (Mỹ) đã tăng giá bán vào mùa hè này. Theo Neil Rosser, Giám đốc và nhà tư vấn tại Bison Luxley Commodities, nếu giá tiếp tục duy trì ở mức cao, thì việc phải “chi đậm” cho một cốc cà phê là điều không thể tránh khỏi. “Cà phê từ một đồ uống thiết yếu rồi sẽ trở thành một sản phẩm xa xỉ”, ông Rosser nói.

Tương tự, giá ca cao tăng vọt đã khiến các nhà sản xuất bánh kẹo gặp khó khăn trong những dịp lễ cao điểm như Ngày lễ tình nhân hay Lễ Phục sinh. Vừa qua, khi chuẩn bị cho dịp lễ Halloween, nhiều doanh nghiệp đã phải loay hoay tìm cách đối phó với tình trạng nguồn cung thắt chặt và chi phí sản xuất lên cao. Một số công ty buộc phải thay đổi công thức, thay thế một phần sôcôla bằng các nguyên liệu khác như hạt, caramel hoặc bánh xốp. Tập đoàn Mars, nhà sản xuất của các thương hiệu nổi tiếng như Skittles và M&M’s, cho biết đã mở rộng dòng kẹo trái cây và kẹo dẻo thay cho kẹo sôcôla, vì không thể tăng giá bán quá cao.

Biến đổi khí hậu cũng đang gây khó khăn cho ngành công nghiệp sản xuất bia của Đức. Hoa bia là nguyên liệu chủ yếu được sử dụng để tạo hương liệu cho bia, nhưng tương lai của nghề trồng hoa bia rất khó khăn bởi thời tiết khắc nghiệt. Vườn ươm thuộc Hiệp hội Nghiên cứu Hoa bia phía Bắc Munich hiện đang phải trồng khoảng 7.000 cây giống mới để thử nghiệm khả năng chống chọi với bệnh tật, thảm họa thiên nhiên như nhiệt độ tăng cao, hạn hán. Thành công của cây giống mới đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành công nghiệp bia tươi của Đức trước các nguy cơ từ biến đổi khí hậu.

Giá cải thảo sẽ ngày càng đắt đỏ trong điều kiện khí hậu như hiện nay.
Giá cải thảo sẽ ngày càng đắt đỏ trong điều kiện khí hậu như hiện nay.

Còn tại Hàn Quốc, Chính phủ đã hứa cung cấp 24.000 tấn cải thảo từ các kho dự trữ quốc gia trong mùa làm kim chi cao điểm tháng 11/2024, sau khi thời tiết nóng bất thường ảnh hưởng đến vụ thu hoạch. Giá bán buôn cải thảo trong tháng 9 đã tăng vọt lên 9.537 won (6,90 USD) cho mỗi cây, từ mức khoảng 3.000 won vào đầu tháng 7.  Theo Cục Phát triển nông thôn Hàn Quốc, diện tích canh tác cải thảo sẽ giảm đáng kể trong 25 năm tới và có thể hoàn toàn biến mất vào năm 2090. Ông Kim Si Gap, chủ một trang trại tại tỉnh Gangwon, Đông Seoul, cho biết: “Giá cải thảo sẽ ngày càng đắt đỏ trong điều kiện khí hậu như hiện nay”.

Tương tự tại Nhật Bản, các chuyên gia cho rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu cũng đang đặt ra đe dọa thực sự đối với canh tác wasabi, loài cây vốn cần được trồng ở nhiệt độ ổn định từ 10 - 15 độ C quanh năm. Bà Kyoko Yamane, phó giáo sư Khoa học sinh học ứng dụng tại Đại học Gifu, cho biết: “Hiện tượng ấm lên toàn cầu được coi là một trong nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc sản xuất wasabi, làm nản lòng những người nông dân”. Các nhà hàng ở Tokyo lo ngại rằng họ có thể không có wasabi để phục vụ khách trong tương lai và đã thay đổi thực đơn để chỉ phải phục vụ gia vị này cho một số món nhất định.

Theo Báo cáo Chỉ số Tetra Pak 2023, người tiêu dùng hiện đang cân nhắc nhiều về môi trường bên cạnh sức khỏe cá nhân khi mua thực phẩm. Những người tiêu dùng quan tâm đến môi trường này được gọi là “Climatarians” (người chỉ sử dụng loại thực phẩm có ảnh hưởng ít nhất tới môi trường) và họ sẵn sàng điều chỉnh thói quen ăn uống để bảo vệ trái đất. Tin đáng mừng là người tiêu dùng đã sẵn sàng đón nhận những đổi mới nhằm cải thiện cách chúng ta ăn uống khi 62% tin rằng công nghệ có vai trò quan trọng trong việc xây dựng một tương lai bền vững hơn, theo Tetra Pak...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 45-2024 phát hành ngày 04/11/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam 

Biến đổi khí hậu khiến hàng tiêu dùng thành “xa xỉ” - Ảnh 1