13:00 27/09/2021

Tái cấu trúc: Gỡ thế bí cho ngành cơ khí

Mạnh Đức

Năng lực cạnh tranh thấp, công nghệ đơn giản, lạc hậu và rất ít sản phẩm có thương hiệu đó là thế bí lớn nhất của ngành cơ khí Việt Nam trong nhiều năm qua. Hiện nay khi đứng trước thách thức mới phát sinh do dịch Covid-19 lại càng khiến các doanh nghiệp ngành này chồng chất nhiều khó khăn. Vì thế, tái cấu trúc, thay đổi phương thức hoạt động để thích nghi với tình hình mới là đòi hỏi cấp thiết đối với các doanh nghiệp…

Số liệu của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cho thấy hiện Việt Nam có hơn 25.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động và có kết quả kinh doanh, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo, với doanh thu thuần là hơn 1.465.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cơ khí nội địa phổ biến là quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp. Do đó, thị phần cơ khí ở thị trường trong nước phần lớn vẫn nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài.

NĂNG LỰC CẠNH TRANH HẠN CHẾ

Theo phản ánh của Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp ngành cơ khí đang lâm vào tình cảnh khó khăn. Những doanh nghiệp còn sản xuất cũng chỉ duy trì được sản lượng khoảng 30% đến 50% kế hoạch.

Sản xuất đã khó khăn lại càng chật vật do chi phí logistics tăng rất cao, thậm chí gấp nhiều lần chi phí vận chuyển thông thường đang tạo “điểm nghẽn” lớn của nền kinh tế dẫn đến việc hủy bỏ đơn hàng đã xuất hiện nhiều hơn. Nguy cơ nhiều doanh nghiệp sẽ phải ngừng hoạt động hơn là điều khó tránh khỏi. Trong khi đó, một số chính sách hỗ trợ đã ban hành của Chính phủ do nhiều lý do mà các doanh nghiệp rất khó khăn khi tiếp cận.

Đáng nói hơn, tại thị trường trong nước, doanh nghiệp cơ khí cũng không có được nhiều thị phần, phải tự vận động, phát triển mà chưa nhận được sự hỗ trợ hữu hiệu từ hệ thống chính sách của Nhà nước để có nhiều đơn hàng từ đầu tư công như các nước khác. Từ đó dẫn đến các doanh nghiệp cơ khí vốn đã thiếu đơn hàng lại còn bị thua thiệt ngay trên sân nhà.

 

Những ràng buộc trong cơ chế đấu thầu khiến cho nhiều doanh nghiệp cơ khí Việt Nam không thể tham gia được vào các dự án, công trình trong nước và thua thiệt ngay trên sân nhà.

Chia sẻ về vấn đề này, một chuyên gia lâu năm trong ngành cơ khí cho biết có rất nhiều dự án lớn về xây dựng, giao thông, các công trình thủy lợi, dầu khí, kinh tế biển, đóng tàu, ôtô, xe máy…vẫn chủ yếu sử dụng sản phẩm cơ khí nhập ngoại hoặc do các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đảm nhiệm.

Nhìn lại chất lượng các doanh nghiệp nội, ông Nguyễn Đình Hải, Phó Chủ tịch VAMI nêu ra ba nguyên nhân cơ bản làm cho doanh nghiệp cơ khí Việt Nam khó hoặc không thể chiếm lĩnh, giành giật được thị trường, đặc biệt là thị trường trong nước.

Thứ nhất, doanh nghiệp Việt Nam có xuất phát điểm thấp và hạn chế, đặc biệt là vấn đề khoa học công nghệ, thiết kế kỹ thuật. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam lại đang có ưu thế vượt trội nên họ đã chiếm lĩnh đa phần thị trường của sản phẩm cơ khí ngay tại thị trường Việt Nam.

Thứ hai, vấn đề giành giật thị trường giữa các doanh nghiệp nội địa đã tự làm giảm năng lực cạnh tranh của chính mình. Cũng vì nhiều lý do khác nhau, ở từng hoàn cảnh cụ thể, doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng với giá thấp, thậm chí rất thấp và chấp nhận rủi ro của biến động thị trường.

Vì thế doanh nghiệp rất khó hoặc không có lãi, có nhiều đơn vị đã bị thua lỗ lớn. Đó là nguyên nhân làm thiệt hại kinh tế và bào mòn dần nguồn lực của từng doanh nghiệp nói riêng và từng bước làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp cơ khí Việt Nam nói chung.

Thứ ba, đầu tư cơ sở vật chất cho doanh nghiệp trùng lặp, thiếu chiều sâu và tự phát để cạnh thị trường mang tính thời vụ của nhiều doanh nghiệp, làm hạn chế hiệu quả sản xuất kinh doanh.

CHẤP NHẬN THAY ĐỔI HAY TỰ ĐÀO THẢI?

Trong nền kinh tế thị trường luôn biến động và phát triển không ngừng, việc các doanh nghiệp phải thường xuyên rà soát, củng cố các nguồn lực để thích ứng vốn được xem như một nhiệm vụ không thể tách dời quá trình sản xuất kinh doanh, nhất là khi doanh nghiệp có những dấu hiệu như thiếu việc làm, hệ thống quản lý và dây chuyền công nghệ lạc hậu, lợi nhuận giảm... Đặc biệt, kể từ khi Covid-19 xuất hiện, việc tái cấu trúc doanh nghiệp trở nên cấp bách và cần thiết hơn bao giờ hết.

Từ kinh nghiệm của Công ty TNHH Thương mại Hikari Việt Nam, ông Nguyễn Đức Cường, Tổng giám đốc Công ty cho biết ngay khi dịch bệnh xảy ra, chúng tôi đã thay đổi kế hoạch và chiến lược kinh doanh để có thể tồn tại và phát triển.

Trước đây, việc chuyển giao công nghệ thường do nước ngoài làm, nhưng trong năm nay, chúng tôi đã tận dụng hết các điều kiện năng lực của mình từ cán bộ, nhân viên để tăng doanh thu, kinh nghiệm cho công ty. 

"Chúng tôi buộc phải tái cấu trúc, những bộ phận dư thừa người, phân bổ chưa hợp lý được cấu trúc lại và thay đổi quy trình cốt lõi để linh hoạt hơn trong cách làm việc”, ông Cường chia sẻ.

Tái cấu trúc doanh nghiệp là một vấn đề được nhiều nhà quản lý, chuyên gia kinh tế quan tâm. Theo VAMI, để dễ tiếp cận, phân tích những hạn chế, bất cập nảy sinh từ thực tiễn của doanh nghiệp cơ khí nội địa Việt Nam, trước tiên phải xác định bối cảnh, nhiệm vụ là phân tích chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như quốc tế trong trạng thái bình thường mới sau đại dịch.

 

Tái cấu trúc doanh nghiệp cốt lõi là tái cơ cấu ngành nghề, thị trường sản phẩm và dịch vụ. Tái cấu trúc tổ chức, nguồn nhân lực, thiết lập cơ cấu tổ chức tinh gọn. Tái cấu trúc quản trị, thiết lập hệ thống an ninh, an toàn, quản trị rủi ro và quản lý sự thay đổi.

Thứ hai, đánh giá điểm yếu, điểm mạnh của doanh nghiệp. Thứ ba, xây dựng chiến lược, xác định mục tiêu tái cấu trúc và cải cách. Thứ tư, xây dựng đề án tái cấu trúc và cải cách doanh nghiệp.

Trong đó, cốt lõi là tái cơ cấu ngành nghề, thị trường sản phẩm và dịch vụ. Tái cấu trúc tổ chức, nguồn nhân lực, thiết lập cơ cấu tổ chức tinh gọn. Tái cấu trúc quản trị, thiết lập hệ thống an ninh, an toàn, quản trị rủi ro và quản lý sự thay đổi.

Tái cấu trúc tài chính với nguyên tắc công khai minh bạch, huy động và phát huy tối đa nguồn tiền, tài sản mà doanh nghiệp đang có, tìm kiếm sự hỗ trợ từ chính sách cho cải cách, nhất là giai đoạn thảm họa dịch bệnh. Lập phương án tổ chức triển khai thực hiện và giám sát, kiểm tra, báo cáo.

Với mong muốn các đơn vị, doanh nghiệp được bổ sung và tăng cường nguồn lực, hướng tới mục tiêu tái cấu trúc và cải cách, tăng năng lực cạnh tranh, ông Nguyễn Đình Hải đề nghị các cấp thẩm quyền có phương án, chính sách phù hợp cho việc định hướng chuyên ngành trong phát triển công nghiệp cơ khí cũng như nhu cầu sản phẩm cơ khí và dịch vụ liên quan.

Thiết kế, xác lập quy trình để có hệ thống thông tin cơ bản, đồng bộ về nhu cầu sản phẩm cơ khí cho phát triển kinh tế cũng như tổng quan ngành công nghiệp cơ khí nội địa Việt Nam và thuận lợi cho các hiệp hội, doanh nghiệp tiếp cận, tìm hiểu.

Đối với từng đơn vị, doanh nghiệp cần khách quan hơn, khoa học hơn và đúng quy luật hơn trong tư duy, phân tích, xác định tầm nhìn chiến lược và mục tiêu cũng như tổ chức thực hiện để đạt kết quả tốt nhất nhiệm vụ tái cấu trúc và cải cách doanh nghiệp trong từng hoàn cảnh thực tiễn cụ thể, nhất là giai đoạn Covid-19 và sau đại dịch.