13:51 13/07/2021

Tài khoản mạng xã hội có 10.000 người theo dõi sẽ phải thông báo với cơ quan quản lý?

Nhĩ Anh

Các mạng xã hội xuyên biên giới phải yêu cầu các kênh/tài khoản tại Việt Nam có lượng người sử dụng theo dõi/đăng ký từ 10.000 người trở lên thực hiện thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đề xuất trên được đưa ra trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72 năm 2013 của Chính phủ (về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng) cùng Nghị định 27 năm 2018 (về sửa đổi, bổ sung Nghị định 72) đang được Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến rộng rãi nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp hơn với thực tế, khắc phục những tồn tại, hạn chế; bắt kịp xu thế phát triển của Internet và các dịch vụ nội dung thông tin trên mạng.

Ngoài ra, dự thảo nghị định này cũng điều chỉnh các hoạt động cung cấp nội dung thông tin trên mạng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong nước phát triển lành mạnh và cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

TỒN TẠI NHIỀU BẤT CẬP, VI PHẠM

Theo thống kê, đến hết tháng 6/2021 có 829 mạng xã hội của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước được cấp phép. Tuy nhiên số lượng mạng xã hội có từ 1 triệu người sử dụng thường xuyên trở lên chỉ chiếm dưới 5%.

Tổng lượng người sử dụng của nhóm 10 mạng xã hội hàng đầu Việt Nam có thể đạt tới 80 triệu người. Trong đó, riêng Zalo đã khoảng 60 triệu tài khoản, Mocha khoảng 25 triệu tài khoản. Các nhóm khác như Webtretho khoảng 3 triệu tài khoản; Nhaccuatui là 14 triệu tài khoản và Gapo khoảng 7 triệu tài khoản.

 
Nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng mạng xã hội để hoạt động báo chí, tổ chức phát trực tuyến (livestream) để cung cấp thông tin sai sự thật, cung cấp xúc phạm uy tín, nhân phẩm tổ chức, cá nhân khác...

Mặc dù vậy, mức độ ảnh hưởng và phổ biến thì vẫn còn rất hạn chế so với mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam như Facebook, Youtube, TikTok...

Theo thống kê, một số mạng lớn như Facebook có khoảng 65 triệu thành viên Việt Nam, Youtube có khoảng 60 triệu và TikTok khoảng 20 triệu.

Các mạng xã hội xuyên biên giới này chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Các quy định hiện hành đối với hoạt động cung cấp thông tin, dịch vụ qua biên giới vẫn còn nhiều bất cập. Đây cũng là môi trường tồn tại nhiều thông tin vi phạm pháp luật, lan truyền tin giả, gây mất ổn định xã hội và bức xúc trong xã hội và cũng gây bất bình đẳng với doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng mạng xã hội để hoạt động báo chí, tổ chức phát trực tuyến (livestream) để cung cấp thông tin sai sự thật, cung cấp xúc phạm uy tín, nhân phẩm tổ chức, cá nhân khác và thông tin, dịch vụ vi phạm pháp luật, cần sớm bổ sung quy định điều chỉnh.

"SIẾT" QUẢN LÝ LIVESTREAM, DỊCH VỤ KIẾM TIỀN TRÊN MẠNG XÃ HỘI

Theo dự thảo Nghị định đề xuất các quy định liên quan đến hoạt động cấp phép và bổ sung quy định quản lý đối với chủ kênh, tài khoản trên các mạng xã hội.

Cụ thể, đối với các mạng xã hội trong nước mới thành lập, lượng người truy cập chưa đạt mức phải cấp phép thì chỉ cần thông báo theo mẫu (không phải cấp phép). Khi được cơ quan quản lý xác nhận đã thông báo thì bắt đầu được hoạt động theo quy định. Các mạng xã hội đã thông báo phải cam kết tuân thủ đầy đủ các quy định về hoạt động cung cấp dịch vụ mạng xã hội, nếu vi phạm vẫn bị xử lý theo quy định.

Sau khi thông báo, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ gắn công cụ đo để theo dõi lượng người truy cập (UV) thường xuyên của trang.

 
Các mạng xã hội chỉ cho phép các kênh/tài khoản đã thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông mới được sử dụng dịch vụ livestream và tham gia các dịch vụ phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức.

Khi mạng xã hội trong nước đạt đến mốc từ 10.000 người truy cập thường xuyên tháng (căn cứ theo kết quả đo thì phải thực hiện thủ tục cấp phép. Bởi theo cơ quan chức năng, vì với lượng thành viên này, mạng xã hội đã bắt đầu có tác động lớn đối với xã hội.

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thông báo cho các doanh nghiệp có mạng xã hội đạt mốc phải cấp phép. Bên cạnh đó sẽ gia tăng các điều kiện cấp phép để phương thức quản lý tiền kiểm được chặt chẽ hơn và mang tính thực tế cao hơn.

Với mạng xã hội của nước ngoài phải thực hiện thủ tục thông báo/xác nhận thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước khi cung cấp dịch vụ cho người Việt Nam đạt mốc này.

Cũng theo dự thảo này, các kênh/tài khoản tại Việt Nam có lượng người sử dụng theo dõi/đăng ký từ 10.000 người trở lên phải thực hiện thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông.

Các chủ kênh/ tài khoản mạng xã hội tại Việt Nam phải chịu trách nhiệm quản lý nội dung đăng tải trên kênh, tài khoản của mình (bao gồm cả nội dung bình luận của người sử dụng). Đồng thời phải có trách nhiệm tạm khóa, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật, thông tin ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác, thông tin ảnh hưởng đến trẻ em đăng tải trên kênh, tài khoản mạng xã hội của mình ngay khi có yêu cầu từ người sử dụng hoặc cơ quan quản lý.

Đặc biệt, các mạng xã hội chỉ cho phép các kênh/tài khoản đã thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông mới được sử dụng dịch vụ livestream và tham gia các dịch vụ phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức.

Dự thảo cũng bổ sung thêm trách nhiệm của mạng xã hội xuyên biên giới phải có bộ phận chuyên trách tiếp nhận, giải quyết khiếu nại từ người sử dụng. Tạm khóa/xóa các nội dung (trong 24h) khiếu nại chính đáng từ cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp khi nhận được yêu cầu.

Các mạng này cũng phải tuân thủ quy định về bản quyền với báo chí khi đăng, phát các tác phẩm báo chí của các cơ quan báo chí Việt Nam. Theo cơ quan quản lý, tình trạng “báo hóa” mạng xã hội (mạng xã hội hoạt động như báo điện tử, như trang thông tin điện tử tổng hợp) hiện nay đang ngày càng diễn biến phức tạp.