15:12 12/04/2025

Tài trợ Fintech toàn Đông Nam Á giảm tới 66% trong quý 1

Hạ Chi

Hệ sinh thái khởi nghiệp FinTech tại Đông Nam Á ghi nhận tổng vốn tài trợ đạt 193 triệu USD trong quý 1/2025, theo dữ liệu từ Tracxn công bố… 

Báo cáo tài trợ Fintech toàn Đông Nam Á - Nguồn: Tracxn.
Báo cáo tài trợ Fintech toàn Đông Nam Á - Nguồn: Tracxn.

Con số này cho thấy mức sụt giảm mạnh 66% so với tổng vốn tài trợ của các công ty Fintech Đông Nam Á là 584 triệu USD trong quý 1/2024 và giảm 30% so với 274 triệu USD của quý 4 năm ngoái. 

Trong Báo cáo FinTech Đông Nam Á quý 1/2025, các vòng gọi vốn giai đoạn hạt giống ghi nhận huy động tổng cộng 34,1 triệu USD, giảm 52% so với 70,7 triệu USD cùng kỳ năm ngoái và giảm 22% so với 43,6 triệu USD trong quý 4/2024.

NGUỒN VỐN CÁC VÒNG ĐỀU GIẢM SO VỚI QUÝ 4/2024

Ở nhóm các vòng gọi vốn đầu (early-stage), tổng vốn tài trợ đạt 101 triệu USD, giảm mạnh 68% so với mức 318 triệu USD của cùng kỳ năm 2024, nhưng lại tăng 47% so với 68,8 triệu USD ghi nhận trong quý trước đó.

Trong khi đó, các vòng gọi vốn giai đoạn cuối chứng kiến mức tài trợ ở mức 58 triệu USD, sụt giảm 70% so với quý 1/2024 (195 triệu USD) và giảm 64% so với quý 4/2024 (162 triệu USD).

Trong ba tháng đầu năm 2025, các lĩnh vực tiền điện tử, cho vay thay thế và công nghệ đầu tư tiếp tục là những mảng hoạt động sôi động nhất trong hệ sinh thái Fintech tại Đông Nam Á.

Lĩnh vực tiền điện tử ghi nhận tổng số vốn đầu tư đạt 97,5 triệu USD. Mặc dù giữ vị trí dẫn đầu, con số này vẫn giảm 24% so với 129 triệu USD cùng kỳ năm ngoái và giảm nhẹ 3% so với 101 triệu USD trong quý cuối năm 2024. Đáng chú ý, Sygnum, công ty cung cấp giải pháp ngân hàng cho tài sản số, đã gọi vốn thành công 58 triệu USD trong vòng Series C.

Ở lĩnh vực cho vay thay thế, tổng vốn huy động được trong quý đầu năm là 34,6 triệu USD, giảm mạnh 47% so với cùng kỳ năm 2024 (65,4 triệu USD) và giảm 40% so với quý 4 năm ngoái (57,5 triệu USD).

Lĩnh vực đầu tư ghi nhận đạt 34,3 triệu USD. Con số này giảm 45% so với 62,7 triệu USD trong cùng kỳ năm trước, nhưng lại tăng 37% so với 25 triệu USD trong quý 4/2024. Một trong những thương vụ đáng chú ý là Endowus, nền tảng đầu tư cá nhân, đã gọi vốn thành công 17,5 triệu USD trong vòng Series B.

XUẤT HIỆN MỘT KỲ LÂN DUY NHẤT 

Ghi nhận trên toàn cảnh hệ sinh thái Fintech Đông Nam Á trong quý đầu năm 2025, không xuất hiện bất kỳ thương vụ nào có giá trị trên 100 triệu USD, trong khi quý 1 và quý 4/2024 đều ghi nhận ít nhất một vòng gọi vốn ở quy mô này.

Tuy nhiên, trong khi quý 4/2024, không có doanh nghiệp nào đạt mốc kỳ lân trong lĩnh vực Fintech, đầu năm nay khu vực vẫn chào đón một “kỳ lân” công nghệ mới. Đó là Sygnum, công ty cung cấp dịch vụ ngân hàng tài sản số, cũng là kỳ lân Fintech duy nhất trong 3 tháng đầu năm 2025 trên toàn cầu.

Sygnum, công ty cung cấp dịch vụ ngân hàng tài sản số tại Singapore, trở thành kỳ lân Fintech duy nhất trên toàn cầu trong quý 1/2025. 
Sygnum, công ty cung cấp dịch vụ ngân hàng tài sản số tại Singapore, trở thành kỳ lân Fintech duy nhất trên toàn cầu trong quý 1/2025. 

Đáng chú ý, trong suốt năm quý vừa qua, hệ sinh thái FinTech tại Đông Nam Á không ghi nhận bất kỳ thương vụ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) nào.

Tuy nhiên, hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) vẫn diễn ra sôi động. Trong quý I/2025, lĩnh vực Fintech khu vực ghi nhận 6 thương vụ mua lại, giảm 45% so với 11 thương vụ cùng kỳ năm 2024 nhưng tăng 20% so với 5 thương vụ trong quý cuối năm ngoái.

Singapore tiếp tục giữ vững vị trí là trung tâm đầu tư Fintech hàng đầu khu vực, với tổng vốn tài trợ cao nhất trong quý. Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Thủ Đức (Việt Nam) và Petaling Jaya (Malaysia). Đáng chú ý, Singapore chiếm tới 74% tổng số vốn được huy động trong toàn bộ hệ sinh thái Fintech Đông Nam Á.

Về phía nhà đầu tư, East Ventures, Y Combinator và 500 Global tiếp tục là những cái tên tích cực rót vốn và dẫn đầu trong các thương vụ đầu tư vào startup Fintech trong khu vực.

Trong quý 1/2025, Iterative, Selini Capital và AppWorks là những nhà đầu tư tích cực nhất ở giai đoạn hạt giống trong hệ sinh thái Fintech Đông Nam Á. Ở nhóm giai đoạn đầu, những cái tên nổi bật gồm Citi Ventures, HSG và PayPal Ventures.

Nhìn chung, toàn cảnh thị trường Fintech khu vực trong quý vừa qua cho thấy sự sụt giảm mạnh về nguồn vốn đầu tư, chịu tác động từ các yếu tố như tình hình tài chính toàn cầu bất ổn, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư và dấu hiệu bão hòa ở một số phân khúc thị trường.

Tuy vậy, Tracxn nhận định bức tranh không hoàn toàn ảm đạm. Việc xuất hiện một kỳ lân mới, cùng với xu hướng chuyển đổi số tiếp tục lan rộng, cho thấy Đông Nam Á vẫn là khu vực giàu tiềm năng cho các doanh nghiệp Fintech.