17:02 24/03/2014

Tạm đình chỉ hai sếp tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

Anh Minh

Đã có quyết định tạm dừng chức vụ đối với hai phó tổng giám đốc vì nghi ngờ liên quan đến "nghi án" hối lộ

Ông Trần Văn Lục, nguyên Giám đốc&nbsp;Ban Quản lý dự án đường sắt, đang khẳng định không nhận hối lộ tại cuộc họp khẩn tại Bộ Giao thông Vận tải chiều 23/3 - Ảnh: GTVT.<br>
Ông Trần Văn Lục, nguyên Giám đốc&nbsp;Ban Quản lý dự án đường sắt, đang khẳng định không nhận hối lộ tại cuộc họp khẩn tại Bộ Giao thông Vận tải chiều 23/3 - Ảnh: GTVT.<br>
Nguồn tin của VnEconomy cho hay, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ông Trần Ngọc Thành, đã ký quyết định tạm dừng chức vụ đối với hai phó tổng giám đốc tại đơn vị này.

Theo quyết định này, hai cán bộ bị tạm đình chỉ công tác là ông Ngô Anh Tảo, người đang đảm đương chức vụ Phó tổng giám đốc phụ trách Ban Quản lý các dự án đường sắt của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, và ông Trần Quốc Đông, Phó tổng giám đốc đã từng có thời gian phụ trách ban này.

Quyết định đình chỉ đối với ông Tảo và ông Đông bắt đầu có hiệu lực từ ngày hôm nay (24/3), thời hạn đình chỉ tạm dừng công tác kéo dài trong vòng 10 ngày.

Trong thời gian này, hai vị phó tổng giám đốc nói trên sẽ phải làm báo cáo giải trình trách nhiệm cá nhân về thời gian công tác và đảm đương chức vụ liên quan đến dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội.

Trước đó, ông Trần Văn Lục, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Cục Đường sắt Việt Nam); ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường sắt (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) cũng đã bị đình chỉ công tác trong vòng 15 ngày.

Ngày 21/3 vừa qua, tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản cho biết, lãnh đạo một công ty tư vấn của nước này đã khai nhận về việc từng chi tiền lại quả cho các quan chức nước ngoài, trong đó có Việt Nam, để đổi lại việc được tham gia các dự án ODA. Tại Việt Nam, công ty của ông này đã “lại quả” 80 triệu Yên (hơn 16 tỷ đồng) cho một dự án đường sắt nội đô trị giá 4,2 tỷ Yên (hơn 860 tỷ đồng).

Hai ngày sau, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với JICA và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam để tiếp nhận và chia sẻ thông tin về vụ việc. Đích thân một thứ trưởng của Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Ngọc Đông sẽ làm việc với JICA và Đại sứ quán Nhật để thông tin lại cho phía bạn biết về những động thái và quyết tâm của ta trong việc sẽ kiểm tra, làm rõ thông tin. “Nếu phát hiện cán bộ tham nhũng, tiêu cực như báo chí Nhật đã thông tin, sẽ xử lý nghiêm minh bất kể người đó là ai”, ông Thăng nói.

Liên quan đến "nghi án" hối lộ, hôm nay VnEconomy đã liên hệ với Văn phòng JICA tại Việt Nam để xin cung cấp thêm thông tin, tuy nhiên đại diện cơ quan này cho hay "hiện nay JICA và Bộ Giao thông Vận tải đang tích cực điều tra xác nhận thông tin", do đó xin phép được "từ chối tiếp nhận phỏng vấn trong thời gian này vì chưa có thông tin gì cụ thể, khi nào có kết quả, JICA và Bộ Giao thông Vận tải sẽ thông báo sớm đến các báo".

Trao đổi với VnEconomy qua e-mail, GS. Trần Văn Thọ, một chuyên gia kinh tế đang sống và làm việc tại Nhật Bản và rất am tường về ODA cho hay ông "lấy làm xấu hổ" vì các vụ việc tham nhũng lại đang được phát hiện "từ bên ngoài" hơn là từ chính trong nước.

GS. Thọ cũng là người từng có nhiều bài viết phân tích về vụ PCI trước đây, trong đó ông nhấn mạnh rằng với các vụ việc tương tự thì người dân Nhật Bản rất quan tâm vì họ muốn giám sát nội dung chi tiêu ngân sách của chính phủ để cho tiền thuế của họ được sử dụng đúng mục đích và không lãng phí.

Họ cũng thấy xấu hổ khi công ty của nước mình có hành vi bất chính tại nước ngoài, nhất là khi từ năm 1998, Nhật Bản đã phê chuẩn công ước ngăn ngừa hành vi đưa hối lộ cho quan chức nước ngoài của Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD), đồng thời nước này cũng đã sửa đổi luật về ngăn ngừa cạnh tranh bất chính để nội dung đi sát với tinh thần của công ước ấy.

Ông Thọ từng nêu ý kiến rằng Việt Nam không nên lo vấn đề ODA có bị cắt giảm hay không, mà cái đáng lo hơn cả là làm sao gỡ lại thể diện của đất nước trong dư luận ở Nhật Bản và trên vũ đài quốc tế.

"Muốn vậy, Chính phủ cần hợp tác tích cực với Nhật trong việc điều tra sự kiện và xử phạt công minh người có tội... Việt Nam phải chủ động cho thấy mình sẽ sẵn sàng chuẩn bị cơ chế để phòng chống hiện tượng tiêu cực trong ODA nói riêng và tệ nạn tham nhũng nói chung", ông nói.