10:11 30/06/2007

Tầm nhìn đầu tư dài hạn

Hoàng Lộc

Thị trường niêm yết hiện đang ở thế giằng co hơi lâu, thị trường OTC đang trong xu hướng tiếp tục suy giảm

Giá giao dịch cổ phiếu của ngành dầu khí hiện đang ở mức rất cao so với các ngành khác.
Giá giao dịch cổ phiếu của ngành dầu khí hiện đang ở mức rất cao so với các ngành khác.
Thị trường niêm yết hiện đang ở thế giằng co hơi lâu, thị trường OTC đang trong xu hướng tiếp tục suy giảm.

Đây chính là thời cơ đầu tư dài hạn vào cổ phiếu của những ngành có tiềm năng tiếp tục phát triển mạnh trong 5-10 năm tới.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia ở các quỹ đầu tư, ba ngành có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định trong những năm tới là dầu khí, bất động sản và công nghệ thông tin.

Giá giao dịch cổ phiếu của ngành dầu khí hiện đang ở mức rất cao so với các ngành khác, cổ phiếu Dịch vụ dầu khí PTSC có lúc lên đến 195.000 đồng, nay ở mức 150.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu của Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD) luôn được nhà đầu tư nước ngoài giao dịch với số lượng rất lớn, hiện giá đang ở mức 166-168.000 đồng/cổ phiếu mặc dù chỉ số P/E rất cao là 120.

Theo đánh giá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu (OPEC) dần dần tiến tới thống nhất khống chế sản lượng, tạo sự chênh lệch đáng kể giữa cung và cầu dầu mỏ khi nền kinh tế thế giới đang phục hồi và phát triển.

Do đó, nhu cầu tìm kiếm, thăm dò, khai thác những mỏ dầu mới sẽ ngày càng được thúc đẩy để giảm bớt áp lực của OPEC và do đó đẩy mạnh nhu cầu sử dụng, thuê các giàn khoan có khả năng hoạt động đa dạng.

Theo báo cáo quy hoạch phát triển dịch vụ dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nhu cầu dịch vụ trong ngành dầu khí dự kiến khoảng 10,834 tỷ USD từ 2005-2010, tương đương khoảng 1,8 tỷ USD mỗi năm.

Đặc biệt, nhu cầu khoan và dịch vụ khoan dầu khí ở Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao, giá thuê giàn khoan có xu hướng tăng trong những năm tới do các nguyên nhân chính: Các giàn thế hệ cũ có tuổi khá cao (20-30 tuổi) chiếm đa số, còn các giàn thế hệ hiện đại hơn thì quá ít. Nhu cầu về giàn khoan thế hệ mới hiện đại ngày càng tăng.

Theo kế hoạch của ngành dầu khí, trong 15 năm tới sẽ có khoảng 900 giếng khoan thăm dò và khai thác dầu khí của các nhà thầu dầu khí đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó giai đoạn 2006-2010 là 300 giếng khoan.

Hơn nữa, PetroVietnam đang thực hiện chiến dịch triển khai các dự án tìm kiếm thăm dò ở nước ngoài nhằm xây dựng được chỗ đứng của PetroVietnam ở các nước và khu vực giàu tiềm năng dầu khí nhất thế giới.

Cổ phiếu của ngành bất động sản của Việt Nam cũng đang rất nóng đối với nhà đầu tư trong nước, các quỹ đầu tư và cá nhân nhà đầu tư nước ngoài. Nguyên nhân chính là sự bùng nổ xây dựng những khu công nghiệp, dự án văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn cao cấp và cao ốc căn hộ cao cấp trong 3 năm qua và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng nóng đến năm 2010-2012.

Trong 3 năm qua, hàng loạt các dự án bất động sản do nước ngoài đầu tư đã được triển khai và đăng ký đầu tư với số tổng vốn đầu tư lên tới hàng chục tỷ USD.

Mới đây nhất, giữa tháng 6/2007, Tập đoàn Foxconn (Đài Loan) đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị được đầu tư gần 5 tỉ USD vào 7 địa phương ở Việt Nam gồm Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Bắc Giang.

Tại mỗi địa phương, Foxconn sẽ xây dựng nhà máy chuyên sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, khu nhà ở, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại với số vốn đầu tư từ 400 triệu đến 1 tỉ USD.

Ngày 26/6, Tập đoàn bất động sản SP Setia Berhad (Malaysia) đã ký kết hợp tác với Công ty Becamex IDC để triển khai dự án khu đô thị sinh thái Ecolakes rộng 226 ha tại KCN Mỹ Phước, Bình Dương, vốn đầu tư 600 triệu USD.

Về tốc độ phát triển của ngành xây dựng, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình cho biết, theo dự kiến giá trị xây lắp trong năm 2006 của toàn ngành xây dựng lên đến 35.086 tỷ đ (tăng 21% so với năm 2005) và tốc độ phát triển này có thể giữ được trong nhiều năm. Giá trị xây lắp năm 2007 dự kiến là 42.000 tỷ đồng.

Riêng về nhà ở, diện tích xây dựng của cả nước năm nay sẽ lên đến 30.000.000 m2 (tương đương 500.000 căn hộ với diện tích trung bình 60 m2/căn hộ) và dự báo giá trị xây dựng nhà ở sẽ lên đến 70.000 tỷ đồng vào năm 2010.

Theo kế hoạch triển khai Chương trình nhà ở của UBND Tp.HCM giai đoạn 2006-2010, tổng diện tích phát triển nhà ở lên tới 31,7 triệu m2 (tương đương 530.000 căn hộ với diện tích trung bình 60 m2/căn hộ), bao gồm: Ngân sách thành phố phải cân đối vốn đầu tư cho chương trình xây dựng mới 30.000 căn hộ (1,8 triệu m2) phục vụ tái định cư và 0,3 triệu m2 thay thế các chung cư hư hỏng nặng.

Chương trình xã hội hóa đầu tư xây dựng nhà ở sẽ xây dựng 1 triệu m2 cho công nhân thuê, 1,1 triệu m2 nhà ở xã hội và 7,5 triệu m2 nhà ở trong các dự án khu dân cư. Hộ gia đình và cá nhân cải tạo, mở rộng diện tích 5 triệu m2 nhà ở và xây dựng mới 15 triệu m2 nhà ở.

Rõ ràng, đây là một thị trường đầy tiềm năng của ngành xây dựng và địa ốc.