09:26 04/05/2010

Tạm ứng... tương lai

57.680 tỉ đồng, tương đương 82,5 tấn vàng, hoặc hơn 3 tỉ Đô la Mỹ, đang “án binh bất động” trong két sắt ngân hàng

Vay ngoại tệ đang rẻ và có lợi hơn vay tiền đồng, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng được vay.
Vay ngoại tệ đang rẻ và có lợi hơn vay tiền đồng, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng được vay.
Nếu bạn là doanh nghiệp bình thường hoạt động trong thị trường nội địa, không tham gia xuất nhập khẩu, không đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, không vay vốn nước ngoài, thì dù có đề nghị, ngân hàng cũng không cho bạn vay vốn bằng ngoại tệ.

Vay ngoại tệ đang rẻ và có lợi hơn vay tiền đồng, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng được vay.

Đối với những doanh nghiệp thuộc đối tượng được vay, trước khi giải ngân, ngân hàng còn cân lên đặt xuống khả năng trả nợ của người vay, cho dù có tài sản thế chấp. Nói vậy để thấy rằng vay được ngoại tệ của ngân hàng không dễ.

Mấy tháng qua, dòng ngoại tệ tín dụng chảy mạnh. Con sông ngoại tệ đã được be bờ, được xúc bùn đất cho những con tàu trọng tải lớn có thể lưu thông. Không chỉ mở rộng lòng sông, Nhà nước còn tính toán cân đối lượng tàu vào ra tháng này, tháng sau sao cho khỏi kẹt dòng. Bây giờ, nhìn tàu bè ngược xuôi nhộn nhịp, giới quan sát không khỏi một chút chạnh lòng: giá như động thái điều chỉnh ngoại hối kịp thời và sớm hơn...

Bản chất của điều hành ngoại hối những tháng qua là gì? Là trong bối cảnh nhập siêu, Nhà nước đã thông qua các quy định pháp lý, đưa nguồn cung ngoại tệ trong tương lai về hiện tại, đồng thời san bớt nhu cầu ngoại tệ hiện tại cho tương lai. Diễn đạt một cách khác, chúng ta đang tạm ứng ngoại tệ tương lai!

Nhà xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ trong tương lai, thay vì vay tiền đồng để làm hàng hóa giao cho người mua, chuyển qua vay ngoại tệ và bán ngoại tệ ngay cho ngân hàng lấy tiền đồng. Tất nhiên ngân hàng phải tính toán để số ngoại tệ cho nhà xuất khẩu vay tương ứng với số ngoại tệ có được anh ta cam kết bán cho ngân hàng sau một vài tháng nữa. Khi anh ta xuất hàng đi, ngoại tệ về, ngân hàng thu nợ luôn. Ở đây, cung ngoại tệ tương lai đã được đưa về hiện tại. Kết quả là nguồn cung ngoại tệ hiện tại tăng lên.

Nhà nhập khẩu (hoặc những doanh nghiệp đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, hoặc vay vốn nước ngoài nay đến hạn trả nợ) có nhu cầu ngoại tệ để trả nợ, thanh toán, thay vì mua ngoại tệ, họ vay ngoại tệ. Sở dĩ họ vay ngoại tệ chứ không mua vì họ nhìn thấy vay tiền đồng hiện tại và mua ngoại tệ sau một vài tháng để trả nợ có lợi hơn. Trong trường hợp này, cầu ngoại tệ hiện tại được đẩy về tương lai. Kết cục nhu cầu ngoại tệ giảm đi.

Ở thì hiện tại, cung ngoại tệ tăng, cầu ngoại tệ giảm, tỷ giá sẽ tự động thay đổi theo hướng đồng Việt Nam lên giá so với Đô la Mỹ. Sự cân bằng cung cầu vẫn tiếp diễn, tỷ giá vẫn ổn định với điều kiện là nguồn thu ngoại tệ trong tương lai bằng hoặc lớn hơn nhu cầu ngoại tệ nhà nhập khẩu phải mua vào (trong tương lai) nhằm trả nợ cho ngân hàng.

Nếu lượng ngoại tệ thu về trong tương lai thấp hơn lượng ngoại tệ nhà nhập khẩu cần để trả nợ ngân hàng trong tương lai, tỷ giá sẽ chuyển động theo chiều ngược lại: Đô la Mỹ lên giá so với tiền đồng.

Mấu chốt của vấn đề là ở điểm này: tạm ứng ngoại tệ tương lai phải ở mức hợp lý, trong tầm kiểm soát. Ở tầm vi mô, các doanh nghiệp vay ngoại tệ nên tính đến khả năng bảo hiểm tỷ giá để phòng ngừa rủi ro; các ngân hàng không chạy theo lợi nhuận ngắn hạn, cho vay quá mức cần thiết.

Ở tầm vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước hiện có điều kiện mua vào ngoại tệ thừa ở ngân hàng, tăng dự trữ ngoại hối, nhưng cũng cần tính toán lượng bán ra can thiệp nếu cần. Một khi van ngoại tệ mua vào - bán ra của Ngân hàng Nhà nước vận hành nhịp nhàng, thị trường ngoại hối sẽ ổn định.

Sự lên giá của tiền đồng, trước mắt, sẽ có tác dụng thu hút luồng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Tuy nhiên dòng vốn này rất nhạy cảm, nó có thể vào nhanh và ra nhanh bất chấp hậu quả để lại đằng sau nó. Không phải ngẫu nhiên, nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng chứng khoán và gần đây giá trị mua ròng ngày một tăng lên. Nhiều tổ chức nước ngoài, kể cả quỹ mạo hiểm lớn, đã mở tài khoản ở các công ty chứng khoán. Với quy định giao dịch T+4 hiện tại, tiền có thể được chuyển vào - mua bán - chuyển ra trong vòng một tuần.

Tiền đồng càng lên giá, lãi suất tiền đồng sẽ càng giảm. Dấu hiện này thể hiện rõ trên thị trường trái phiếu. Ngày 22/4/2010 lãi suất trúng thầu trái phiếu chính phủ kỳ hạn hai năm phát hành trên HNX đã giảm xuống còn 11,3%/năm, kỳ hạn năm năm còn 11,5%/năm thay cho mức 12%/năm mấy tuần trước đó. Doanh nghiệp vẫn “chê” lãi suất cho vay của ngân hàng cao, vẫn đang kiên nhẫn chờ mặt bằng lãi suất hạ xuống.

Ngân hàng không còn thiếu tiền đồng. Một số ngân hàng đang tích cực mua trái phiếu, sau đó bán trái phiếu ấy trên thị trường mở cho Ngân hàng Nhà nước, lấy tiền đồng ngắn hạn lãi suất 7-8%/năm, hưởng chênh lệch lãi suất. Để “giải phóng” vốn, ngân hàng sẽ phải hạ lãi suất đầu ra. Họ không thể bán trái phiếu cho Ngân hàng Nhà nước lấy tiền đồng ngắn hạn rồi “ôm” đó dù là lãi suất thấp. Vòng xoay cứ thế tiếp tục, lãi suất đồng nội tệ sẽ còn giảm.

Nguồn ngoại tệ huy động bắt đầu được sử dụng hiệu quả và bài toán ngoại tệ đã giải được một phần. Nhưng bài toán huy động, cho vay vàng vẫn còn đó. Theo chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Tp.HCM, đến 31/3/2010, tổng lượng vốn huy động bằng vàng của các ngân hàng trên địa bàn là 76.880 tỉ đồng, tương đương 110 tấn, trong khi dư nợ cho vay vàng chỉ có 19.200 tỉ đồng tức 27,5 tấn.

Như vậy, 57.680 tỉ đồng, tương đương 82,5 tấn vàng, hoặc hơn 3 tỉ Đô la Mỹ, đang “án binh bất động” trong két sắt ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước sẽ làm gì để 3 tỉ Đô la Mỹ bằng vàng đó trở nên có ích cho nền kinh tế đang cần vốn?

Hải Lý (TBKTSG)