11:52 10/09/2008

Tăng cường hợp tác thương mại với Quảng Đông

Thùy Trang

Những lĩnh vực kinh tế trọng điểm được xác định trong định hướng tăng cường hợp tác với Quảng Đông (Trung Quốc)

Một góc thành phố Quảng Đông, Trung Quốc.
Một góc thành phố Quảng Đông, Trung Quốc.
Hội thảo Hợp tác kinh tế thương mại Trung Quốc (Quảng Đông) - Việt Nam diễn ra tại Hà Nội ngày 9/9/2008 diễn ra nhân chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Uông Dương trên cương vị là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông.

Hơn 250 doanh nghiệp hàng đầu trong gần 20 ngành nghề ở Quảng Đông, gồm viễn thông, đồ điện, dệt may, công nghiệp nhẹ, cơ khí, xây dựng... tháp tùng đoàn cũng đã tham dự hội nghị.

Mục đích của chuyến thăm Việt Nam lần này, theo Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Đông Uông Dương, một là để học hỏi kinh nghiệm quý báu trong phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam; hai là đi sâu tìm hiểu những lĩnh vực và cách thức thích hợp để đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam; ba là thúc đẩy sự hợp tác toàn diện giữa Quảng Đông-Việt Nam; bốn là tăng cường tình hữu nghị giữa hai bên; năm là thiết lập phối liên hệ giữa Chính phủ với doanh nghiệp.

Quan hệ hợp tác đang phát triển ấn tượng

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Phạm Gia Khiêm khẳng định: “Quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước đang phát triển ấn tượng”. Nhằm phát triển quan hệ hai nước lên tầm cao mới, Phó Thủ tướng cho biết quan hệ hợp tác giữa các địa phương hai nước rất được Chính phủ Việt Nam chú trọng và luôn nhận được sự chỉ đạo, quan tâm sâu sắc của lãnh đạo cấp cao.

Trên thực tế, quan hệ kinh tế giữa hai nước Việt-Trung liên tục phát triển. Thương mại hai chiều tăng trung bình 20%/năm.

Ngay trong năm 2007, hai nước đã hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch song phương vượt ngưỡng 15 tỷ USD trước 3 năm. Về đầu tư, Trung Quốc đã đầu tư sang Việt Nam trên 1,8 tỷ USD và có khả năng tiếp tục gia tăng để đứng vào nhóm 10 nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Việt Nam cũng có một số doanh nghiệp đầu tư vào Trung Quốc tuy còn ở mức khiêm tốn.

Với tỉnh Quảng Đông, trong năm 2007, kim ngạch xuất khẩu giữa Quảng Đông-Việt Nam đạt 2,45 tỷ USD, tăng 53% so với năm trước, tốc độ tăng trưởng cao hơn 32,7% so với mức tăng chung của kim ngạch xuất nhập khẩu ở Quảng Đông là 20,3%, chiếm gần 1/6 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa nội địa Trung Quốc-Việt Nam.

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm nhìn nhận: “Tỉnh Quảng Đông chiếm vị trí rất quan trọng trong quan hệ kinh tế giữa hai nước Việt-Trung, nằm trong vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ, có đường vận tải biển rất gần Việt Nam”. Quảng Đông cũng là tỉnh đi đầu trong công cuộc cải cách mở cửa, phát triển kinh tế của Trung Quốc và có tiềm lực kinh tế rất lớn với GDP trên 330 tỷ USD/năm, thu hút nhiều tập đoàn kinh tế rất lớn trên thế giới.

Kinh tế Quảng Đông đã đạt được trình độ phát triển cao, đa dạng, tiên tiến trong nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, điện tử, điện lực, chế tạo, thực phẩm, dệt may và nhiều lĩnh vực sản xuất, dịch vụ khác. Với thế mạnh của mình, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm tin tưởng Quảng Đông có thể là nhân tố tạo hiệu ứng phát triển lan tỏa với các tỉnh lân cận của cả Trung Quốc và Việt Nam.

Với kinh nghiệm công tác tại Việt Nam, Đại sứ Trung Quốc Hồ Càn Văn bày tỏ: “Việt Nam đã trở thành thị trường nhận thầu công trình quan trọng của Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á. Các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam với nhiệt tình rất cao, đang hình thành một làn cao điểm mới đầu tư vào Việt Nam”.

Theo số liệu thống kê, các mặt hàng của Việt Nam như than đá, thuộc da, cao su, động cơ, điện tử v.v... bán rất chạy trên thị trường Quảng Đông, các mặt hàng của Quảng Đông như quần áo, vật liệu thép, đồ sứ, giày dép, xe máy, điều hòa, điện cơ v.v... cũng rất được người tiêu dùng Việt Nam ưa thích. Bên cạnh đó, Quảng Đông cũng tích cực khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam, coi việc thúc đẩy đầu tư là phương thức quan trọng trong chuyển đổi và nâng cấp ngành nghề.

5 lĩnh vực hợp tác với Quảng Đông

Hiện nay, khu hợp tác kinh tế thương mại Thâm Quyến Trung Quốc đang đẩy nhanh xây dựng, những doanh nghiệp viễn thông và đồ điện nổi tiếng ở Quảng Đông như TCL, Midea, Glanz, Hoa Vi, Trung Hưng v.v... đang đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất và mạng lưới tiếp thị cũng như nhận thầu công trình tại Việt Nam. Đơn cử như Tập đoàn Midea, mấy năm gần đây, đã lần lượt xây dựng 2 cơ sở sản xuất, đẩy mạnh nội địa hóa ở Việt Nam, nay đã thu hút hơn 900 nhân viên và trong 5 năm tới dự kiến sẽ tăng lên trên 3.000 người.

Bí thư Uông Dương cũng cho biết những lĩnh vực mà các doanh nghiệp Trung Quốc muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam.

Một là, ủng hộ các doanh nghiệp Quảng Đông căn cứ vào thị trường và nguồn lực Việt Nam để đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp có thế mạnh đầu tư vào các lĩnh vực chế biến, giao thông, viễn thông v.v... của Việt Nam, tích cực tham dự vào khai thác và hợp tác sâu về năng lượng, khoáng sản, nông sản...

Hai là, tiếp tục tăng thêm nhập khẩu từ Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng có lợi thế so sánh của Việt Nam.

Ba là, khuyến khích du khách Quảng Đông sang Việt Nam du lịch, đẩy mạnh quảng bá  các sản phẩm du lịch của Việt Nam và tăng cường hợp tác du lịch với Việt Nam.

Bốn là, hoan nghênh các doanh nghiệp Việt Nam sang Trung Quốc triển khai đầu tư, mậu dịch và tham quan du lịch. Quảng Đông có môi trường đầu tư và kinh doanh tốt, cơ sở hạ tầng đồng bộ hoàn hảo, tiềm năng thị trường to lớn. Bất cứ là tập đoàn đa quốc gia, hay các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đều có thể tìm lấy đối tác và vận hội phát triển ở Quảng Đông.

Năm là, đi sâu hợp tác toàn diện trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục, xã hội...

Quảng Đông đang được xem như là cơ sở chế biến quan trọng ở Trung Quốc và trên thế giới, có hàng loạt doanh nghiệp cũng như thương hiệu trong các ngành điện tử, đồ điện, công nghiệp nhẹ, dệt may v.v... nổi tiếng trên thị trường thế giới, các ngành dịch vụ hiện đại như tài chính tiền tệ, lưu thông hàng hóa và trưng bày triển lãm đang phát triển nhanh chóng. Xét về đặc điểm tài nguyên, cơ cấu ngành nghề và điều kiện địa lý, Quảng Đông và Việt nam đều có những ưu thế riêng, có tính bổ sung cho nhau rất lớn.

Hiện nay, Quảng Đông đang điều chỉnh cơ cấu ngành nghề, dốc sức xây dựng hệ thống ngành nghề hiện đại như ngành chế biến, dịch vụ và công nghệ cao v.v, điều đó sẽ mở ra không gian rộng lớn cho sự hợp tác kinh tế thương mại giữa Quảng Đông và Việt Nam. Bí thư Uông Dương tin rằng sự hợp tác trên quy mô lớn hơn, trình độ cao hơn chắc chắn sẽ thúc đẩy nền kinh tế hai bên cùng phồn vinh, cùng phát triển.

Phát biểu kết luận, một lần nữa Phó Thủ Tướng Phạm Gia Khiếm khẳng định: “Chúng tôi mong muốn tăng cường hợp tác mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa, đặc biệt là về kinh tế với Quảng Đông, nhằm khai thác tiềm năng về điều kiện tự nhiên, nhân lực dồi dào của các địa phương của Việt Nam, qua đó đẩy mạnh phát triển kinh tế, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước chúng ta”.