09:40 19/12/2022

Tăng dự trữ 20-30%, Đà Nẵng đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa dịp Tết Quý Mão 2023

Ngô Anh Văn

Lượng hàng hóa chuẩn bị phục vụ Tết Quý Mão năm 2023 của các doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng năm nay tăng 20-30% so với năm trước; toàn ngành Công Thương đã chuẩn bị dự trữ các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm phục vụ Tết dự kiến tổng trị giá khoảng 2.300 tỷ đồng.

Gian hàng nông sản phục vụ Tết tại BigC-GO Đà Nẵng
Gian hàng nông sản phục vụ Tết tại BigC-GO Đà Nẵng

Ngay từ những ngày đầu tháng 12/2022 ngành Công Thương Đà Nẵng đã chủ động theo dõi diễn biến thị trường để cung ứng hàng hóa trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; kịp thời đề xuất các biện pháp nhằm bình ổn thị trường; đồng thời phối hợp với các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng dự trữ, phong phú, đa dạng để cung ứng ra thị trường phục vụ người dân mua sắm Tết.

Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, cho biết mục tiêu kép của ngành Công Thương thời gian này là vừa đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết, nhất là các mặt hàng thiết yếu, nhằm hạn chế tốc độ tăng giá, kiềm chế lạm phát, vừa góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, kích cầu tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

Muốn vậy, yêu cầu hàng hóa cung ứng ra thị trường phải đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm với giá cả phù hợp, thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết để người tiêu dùng an tâm mua sắm trong dịp Tết Nguyên đán 2023. Việc tổ chức bán hàng được duy trì thường xuyên, liên tục, đa dạng các hình thức bán hàng, các điểm bán hàng phải được trang trí, sắp xếp gọn gàng, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường và phòng chống dịch.

Theo báo cáo tổng hợp của Sở Công Thương, nhìn chung lượng hàng hóa chuẩn bị phục vụ Tết của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố năm nay tăng 20-30% so với năm trước; tổng giá trị dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ Tết dự kiến khoảng 2.300 tỷ đồng. Các mặt hàng thiết yếu được dự trữ gồm: gạo tẻ và nếp các loại: 352 tấn; thịt các loại: hơn 4.000 tấn (trong đó thịt heo khoảng 2.000 tấn); thực phẩm chế biến, đóng hộp: 647 tấn; thực phẩm khô: 288 tấn; bánh, kẹo mứt, hạt dưa các loại: 796 tấn; rau, củ quả các loại: gần 900 tấn.

Theo bà Lê Thị Kim Phương, năm nay ngành Công Thương thực hiện đa dạng hóa các kênh cung ứng hàng hóa; Sở đã làm việc, trao đổi và phân công nhiệm vụ với một số đơn vị cung ứng hàng hoá thiết yếu trên địa bàn, các trung tâm thương mại, các siêu thị, các chợ lớn, đặc biệt là các đơn vị cung ứng thịt gia súc, gia cầm để chuẩn bị đầy đủ hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết nguyên đán Quý Mão 2023.

Theo đó, các doanh nghiệp đầu mối có trách nhiệm cung ứng thịt gia súc, gia cầm, lương thực thực phẩm cho các trung tâm thương mại, siêu thị với giá trị dự trữ khoảng gần 915 tỷ đồng; các thương nhân kinh doanh tại 04 chợ lớn nhất thành phố thuộc Sở Công Thương quản lý như: Chợ Cồn, Chợ Hàn, Chợ Đống Đa, Chợ Đầu mối Hòa Cường và các chợ khác trên địa bàn thuộc các quận, huyện tham gia dự trữ hàng hóa với giá trị ước khoảng 740 tỷ đồng; các cửa hàng tạp hóa tại các khu dân cư, các tuyến phố chuyên doanh tham gia dự trữ hàng hóa với giá trị ước khoảng trên 645 tỷ đồng.

Qua khảo sát thị trường của Sở Công Thương Đà Nẵng, trong dịp Tết do nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa tăng cao, dự kiến lượng xăng dầu sẽ tăng khoảng 20% so với các tháng trong năm (lượng tiêu thụ xăng dầu trung bình trên địa bàn thành phố khoảng 90 ngàn m3 /tháng). Vì vậy, các đơn vị đầu mối, phân phối chuẩn bị các điều kiện nhằm đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu để phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân. Hiện Đà Nẵng có 08 kho cùng hệ thống các cửa hàng bán lẻ với tổng lượng dự trữ xăng dầu nhập vào gần 1,2 triệu m3, đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu tiêu thụ trên địa bàn thành phố (kể cả trong những tháng cao điểm phục vụ Tết).

Cùng với việc tập trung nguồn lực cho dự trữ hàng hóa, Sở Công Thương Đà Nẵng cũng đã và đang phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng tích cực triển khai có hiệu quả công tác bình ổn thị trường Tết gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Sở Công Thương đã và đang tiếp tục triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu mua sắm, như: Tổ chức Phiên chợ hàng Việt tại xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang từ ngày 25/11/2022 đến ngày 27/11/2022; Phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2022 - Vietnam Grand Sale 2022 từ ngày 15/11/2022 đến 22/12/2022; Phát động sự kiện “Tuần lễ khuyến mại kích cầu mua sắm”- Đà Nẵng năm 2022, thu hút sự tham gia tích cực của 15 siêu thị, trung tâm thương mại với hơn 4.000 mặt hàng khuyến mại các loại; tổ chức Chương trình quảng bá sản phẩm OCOP, đặc trưng của Đà Nẵng…

Các quận, huyện và các đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố cũng tích cực tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, thương mại điện tử nhằm kích cầu mua sắm trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2023 như: Ngày hội Tôn vinh hàng Việt tại quận Thanh Khê năm 2022 (từ ngày 26/12/2022 đến ngày 31/12/2022); Hội chợ triển lãm kết nối giao thương và ứng dụng thương mại điện tử tại quận Liên Chiểu 2022 (từ ngày 16/12/2022 đến ngày 18/12/2022)…

Theo kế hoạch, Đà Nẵng sẽ tổ chức Hội chợ Xuân 2022 từ ngày 11/01/2023 đến ngày 16/01/2023 (tức từ ngày 20 đến ngày 25 tháng Chạp, năm Nhâm Dần, diễn ra trong 06 ngày) với quy mô khoảng 250 gian hàng với các mặt hàng chính phục vụ mua sắm Tết như: Bánh kẹo, mứt, hàng may mặc thời trang, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ, điện tử, gia dụng... tại Trung tâm hội chợ Triển lãm Đà Nẵng.