Tăng “giả bữa”, VN-Index lấy lại hơn 33 điểm
Thị trường không sôi động hơn trong phiên chiều khi thanh khoản tiếp tục rất thấp, nhưng cổ phiếu lại tăng giá ồ ạt. Loạt trụ được dẫn dắt bởi cổ phiếu ngân hàng, dầu khí và thép đã giúp VN-Index tăng hơn 33 điểm, trong khi phiên trước mất chưa tới 30 điểm...
Thị trường không sôi động hơn trong phiên chiều khi thanh khoản tiếp tục rất thấp, nhưng cổ phiếu lại tăng giá ồ ạt. Loạt trụ được dẫn dắt bởi cổ phiếu ngân hàng, dầu khí và thép đã giúp VN-Index tăng hơn 33 điểm, trong khi phiên trước mất chưa tới 30 điểm.
Chốt phiên sáng, chỉ số đại diện nhóm blue-chips Vn30 tăng 1,09%, đóng cửa tăng vọt 2,14% so với tham chiếu. Trừ POW đã kịch biên độ từ sáng, cả rổ VN30 duy nhất VIC không tăng thêm, còn lại đều bứt phá.
Tính về cường độ biến động riêng phiên chiều, VRE mạnh nhất khi tăng thêm 2,74% so với thời điểm cuối phiên sáng và chốt phiên ở mức kịch trần cùng với POW. Điều hơi bất lợi trong diễn biến tích cực này là sức ảnh hưởng của VRE hạn chế, do vốn hóa khá nhỏ.
Trụ tăng tốt nhất chiều nay là HPG. Chốt phiên sáng cổ phiếu nhóm thép này mới tăng 1,31%. Phiên chiều HPG tăng thêm gần 2,7% nữa, đóng cửa trên tham chiếu 4,04%. Dòng tiền đã trở lại với HPG, khi tổng giao dịch đạt 1.026,8 tỷ đồng, giành lại vị trí dẫn đầu các thị trường về thanh khoản của SSI trong phiên sáng. Như vậy riêng buổi chiều HPG cũng thanh khoản cao nhất các sàn với 567,5 tỷ đồng.
Trong nhóm ngân hàng, VCB vẫn tiếp tục là cổ phiếu trụ mạnh mẽ nhất trong việc kéo cả VN-Index lẫn VN30-Index. Tuy vậy VCB thực chất không tăng thêm được trong phiên chiều mà giá còn yếu đi. Chốt phiên sáng VCB tăng 3,77%, buổi chiều giá tụt liên tục, thậm chí đến cuối đợt khớp lệnh liên tục giá chỉ còn tăng 1,78%. Đợt ATC giá có tốt hơn nhưng cũng chỉ trên tham chiếu 2,94%. Như vậy tính chung phiên chiều VCB đã tụt giá so với phiên sáng, nhưng sức mạnh vốn hóa vẫn áp đảo các mã khác.
STB, ACB, VPB là các mã ngân hàng khác chiều nay tăng thêm được hơn 1%. VPB đã đảo chiều thành công khi cuối phiên sáng còn giảm 0,85%, chốt phiên vượt tham chiếu 0,42%.
Nhóm dầu khí chứng kiến GAS và PLX tăng bùng nổ buổi chiều. GAS tăng thêm 2% nữa, đóng cửa tăng chung cuộc 4,89%. PLX tăng thêm 1,9%, đóng cửa tăng 3,48%. GAS lọt vào Top 3 mã kéo chỉ số chính nhiều nhất.
Thực tế mức tăng mạnh mẽ của VN-Index chiều nay là tổng hợp của sức mạnh tất cả các blue-chips. Rổ VN30 toàn bộ 30 mã đều tăng, trong đó 2 mã kịch trần, 16 mã tăng trên 2% và 9 mã tăng trên 1%. Độ rộng toàn sàn HoSE cũng cực tốt với 396 mã tăng/67 mã giảm, trong đó 210 mã tăng trên 2%.
Đà tăng giá mạnh mẽ trên diện rộng này có lợi thế lớn từ việc giảm áp lực bán. Sàn HoSE phiên chiều chỉ giao dịch hơn 8 ngàn tỷ đồng, con số thấp chưa từng thấy kể từ giữa tháng 10. Rổ VN30 thậm chí chỉ giao dịch hơn 3,1 ngàn tỷ đồng, giảm 25% so với phiên sáng, trong đó hơn 18% đã là giao dịch tại HPG.
Việc thị trường cạn cung đang là điều kiện thuận lợi để thị trường lấy lại những gì đã mất. Về mặt điểm số, VN-Index đã san bằng nhanh chóng mức giảm sốc hôm qua. Điều còn thiếu là các cổ phiếu phục hồi kém hơn. Ví dụ rổ VN30, chỉ số VN30-Index không chỉ vượt biên độ mức giảm hôm qua mà còn cao hơn 0,57% so với mức đóng cửa hôm 3/12. Tuy vậy vẫn còn 10 cổ phiếu chưa thể san bằng mức giảm hôm qua. Nhóm Midcap cũng còn 46/70 cổ phiếu chưa phục hồi lại hết phiên trước, rổ Smallcap thậm chí còn 2/3 số cổ phiếu như vậy.
Mức độ phục hồi khá yếu ở các cổ phiếu đầu cơ cho thấy dòng tiền vẫn chưa thể hiện sự ham hố trở lại nhóm này. Tuy nhiên điều đáng ngại hơn là cả VN30 cũng không cho thấy dòng tiền áp đảo. Tỷ trọng giao dịch của rổ VN30 hôm nay chỉ chiếm 37% trên toàn sàn HoSE.
Nhà đầu tư nước ngoài có thêm phiên thứ hai mua ròng, với 303 tỷ đồng trên HoSE. VHM nổi bật khi được mua ròng 138 tỷ đồng và phía bán ròng, HPG lớn nhất với 76 tỷ. Tuy nhiên tính riêng nhóm VN30 thì mức vốn mua ròng cổ phiếu trong rổ này chỉ hơn 16 tỷ đồng.