12:46 28/02/2009

“Tăng giá điện thì chất lượng điện cũng sẽ tăng theo”

Từ Nguyên

Dù trước mắt hình ảnh của EVN có thể bị ảnh hưởng, nhưng việc tăng giá điện vẫn phải "quyết" vì lợi ích chung

"Hy vọng, với những nỗ lực của mình trong thời gian tới thì người dân và cơ quan truyền thông sẽ thông cảm và hiểu hơn cho EVN." - Ảnh: Từ Nguyên
"Hy vọng, với những nỗ lực của mình trong thời gian tới thì người dân và cơ quan truyền thông sẽ thông cảm và hiểu hơn cho EVN." - Ảnh: Từ Nguyên
Dù trước mắt hình ảnh của EVN có thể bị ảnh hưởng, nhưng việc tăng giá điện vẫn phải "quyết" vì lợi ích chung.

Quan điểm này được ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nêu ra với báo chí, bên lề cuộc đối thoại trực tuyến triển khai giá điện 2009 giữa EVN với người dân vào chiều 27/2.

Ông Hùng nói:

- Có thể hiểu rằng, về mặt tổng thể xã hội, chắc chắn việc tăng giá điện phải cớ lợi thì Chính phủ mới thực hiện. Do đó, nếu nói tăng giá điện sẽ khiến cho kinh tế kém phát triển là không đúng. Việc triển khai chính sách giá điện mới này là nhằm đảm bảo việc thu hút đầu tư, tích luỹ nguồn điện ổn định an toàn và có chất lượng tốt hơn.

Đối với đời sống người dân, trước mắt việc tăng giá điện có thể ảnh hưởng đến “túi tiền” của họ. Nhưng về lâu dài thì chúng ta sẽ có đủ điện, chất lượng điện tốt hơn… thì chắc chắn đời sống người dân cũng sẽ tốt hơn.

Nhưng ngay cả khi chưa tăng giá thì người dân cũng đã kêu ca rất nhiều về EVN vì thiếu điện, cắt điện đột xuất… Liệu lần tăng giá này thì EVN có lo ngại cho hình ảnh của mình sẽ xấu thêm không, thưa ông?

Đúng là việc tăng giá điện lần này chắc chắn sẽ khiến hình ảnh, uy tín của EVN trong mắt khách hàng và người dân bị giảm sút thêm. Song, việc tăng giá điện là vì lợi ích tổng thể của toàn xã hội nên chúng tôi cũng như Chính phủ vẫn phải “quyết”.

Hơn nữa, EVN là tập đoàn nhà nước giữ nhiệm vụ là công cụ điều tiết vĩ mô nên chúng tôi phải thực hiện và làm đúng công cụ điều tiết vĩ mô của Chính phủ.

Hy vọng, với những nỗ lực của mình trong thời gian tới thì người dân và cơ quan truyền thông sẽ thông cảm và hiểu hơn cho EVN.

Nhưng đi kèm với tăng giá điện thì  EVN có cam kết là sẽ giải quyết được tình trạng cắt điện, thiếu điện như mọi năm hay không?

Việc tăng giá điện nhằm mục đích thu hút đầu tư, đảm bảo cung cấp điện an toàn. Về mặt nguyên tắc, tất nhiên là tăng giá điện thì việc tiết kiệm điện sẽ được đẩy mạnh hơn, nguồn cung sẽ được cải thiện nên chắc chắn chất lượng phục vụ cũng sẽ tốt hơn.

Tuy nhiên, khách hàng cũng không thể đòi hỏi chất lượng phục vụ tốt ngay trong năm 2009, bởi điều này là hệ quả của nhiều năm đầu tư.

Trong năm 2009, tình hình cung cấp điện sẽ phụ thuộc nhiều vào các dự án điện đã được đầu tư từ trước năm 2009. Nhưng chắc chắn việc tăng giá điện sẽ đảm bảo cho việc cung cấp điện tốt hơn và cũng là để đảm bảo đủ nguồn. Đó cũng là mong muốn của EVN chứ không chỉ riêng của người dân.

EVN cũng muốn có thị trường điện…

Tại sao EVN lại phản đối đề án tái cơ cấu ngành điện và cải tổ EVN mà Bộ Công Thương đang xây dựng?

Vấn đề cải tổ ngành điện là việc của Chính phủ, còn đối với thị trường điện thì từ trước đến nay EVN vẫn tích cực đề nghị và mong muốn có thị trường.

Nên nhớ rằng, trước đây EVN đã từng đề xuất thành lập Công ty Cổ phần Mua bán điện. Nhưng sau đó nhiều ý kiến cho rằng, cứ để EVN thay mặt nhà nước đứng ra mua điện thì chỉ là độc quyền nhà nước, còn nếu không thì sẽ dẫn tới độc quyền doanh nghiệp.

Thực ra, đến thời điểm này, chúng tôi cũng chưa hề có một văn bản nào gọi là “phản ứng” đề án tái cơ cấu ngành điện, nhưng vì là một doanh nghiệp nhà nước nên chúng tôi hoàn toàn có quyền góp ý.

Có nhiều ý kiến không đồng tình với lý giải của EVN khi đề xuất tăng giá điện, là để Việt Nam không trở thành một “bãi rác” công nghệ…..

Tôi chỉ xin đưa ra một ví dụ: trước đây có một nhà đầu tư đặt vấn đề với EVN xin được đầu tư một dự án điện ở miền Trung. Khi đó, chúng tôi đã hỏi họ lấy quặng ở đâu. Họ trả lời là chỉ sử dụng một ít ở Việt Nam còn lại nhập khẩu. Điều đó cho thấy, họ tận dụng chúng ta chỉ vì nhiều thứ rẻ, trong đó có gía điện.

Mặt khác, giá điện như hiện nay là không phù hợp, không phản ảnh đúng và đủ chi phí đầu vào của ngành điện cũng như không đáp ứng được khả năng trả nợ và vay vốn đầu tư các công trình mới của các đơn vị điện lực.

Cần vốn đầu tư vậy, tại sao EVN không xin vốn từ Chính phủ mà lại tính đến tăng giá điện?

Tất cả chúng ta đều biết, do kinh tế khó khăn nên ngân sách của Chính phủ cũng đang rất khó khăn.

Ngay chỉ với dự án điện cho khu vực Tây Nguyên với giá khoảng 1000 tỷ đồng nhưng ngân sách cũng không cung cấp được nên Chính phủ đang tìm mọi cách để đủ vốn cho chúng tôi.

Đó là lý do vì sao EVN không thể “xin một cục” mà phải có những cơ chế khác, một trong số đó là tăng giá điện.