08:49 08/05/2019

Tăng giá xăng và điện, nhiều mặt hàng tăng giá theo

Phương Thảo

Không chỉ người tiêu dùng là âu lo, các doanh nghiệp và người bán hàng cũng đang "méo mặt" vì nhiều mặt hàng có nguy cơ tăng giá khá mạnh.


Chỉ trong vòng hơn một tháng (từ 18/3 đến 2/5), giá xăng đã tăng mạnh 3 lần liên tiếp, hiện xăng E5RON92 ở mức 20.688 đồng/lít; xăng RON95-III 22.191 đồng/lít và dầu diesel 0.05S ở mức 17.695 đồng/lít, cộng với hoá đơn tiền điện tăng cao khiến giá nhiều mặt hàng tiêu dùng cũng rục rịch tăng theo.Ghi nhận tại các chợ dân sinh Hà Nội như chợ Thành Công, Kim Liên, chợ Hôm… cho thấy, sau khi giá xăng dầu tăng lần thứ 2, giá nhiều mặt hàng thịt, rau, củ, quả và thủy hải sản đã tăng; đến lần tăng giá thứ 3 (ngày 2/5), cùng với tác động của hoá đơn tiền điện tăng, giá các mặt hàng lại càng được cớ tăng mạnh hơn.Tại chợ đầu mối rau củ 8-3, đa số các mặt hàng rau củ đều đã tăng giá so với cuối tháng 4 vừa rồi. Cá biệt có những mặt hàng tăng 8.000 - 10.000 đồng/kg. Cụ thể, giá rau muống 17.000 – 18.000 đồng/mớ, hành hoa từ 16.000 đồng/kg tăng lên 25.000 đồng/kg... Tương tự với mặt hàng rau củ, giá bán lẻ thịt bò, gà tại chợ Mơ cũng tăng nhẹ. Theo đó, giá thịt lợn thăn phổ biến ở mức 100.000 - 120.000 đồng/kg, sườn là 100.000 - 120.000 đồng/kg, thịt chân giò và nạc vai 100.000 - 110.000 đồng/kg. Thịt bò thăn loại ngon 270.000 - 300.000 đồng/kg trong khi mới tháng trước là 240.000 - 260.000 đồng/kg...
Tăng giá xăng và điện, nhiều mặt hàng tăng giá theo - Ảnh 1.
Giá hải sản cũng được đà "té nước theo mưa". Giá tôm sú khoảng 350.000 - 380.000 đồng/kg loại to, loại nhỏ cũng 220.000 - 270.000 đồng/kg, tăng 30.000 - 50.000 đồng so với trước; cá trắm 60.000-70.000 đồng/kg; cá chép ở mức 75.000 đồng/kg…Nhiều tiểu thương ngán ngẩm cho biết, giá xăng dầu, giá điện đồng loạt tăng khiến họ lâm vào tình trạng khá bi đát: nếu không tăng giá các sản phẩm mình bán thì cũng khó lời, mà tăng giá đột ngột thì mất hẳn một lượng khách vì người tiêu dùng ai cũng đang thắt chặt chi tiêu hàng ngày để bù vào sự tăng giá của hóa đơn tiền điền, tiền xăng.Trong khi đó, khảo sát tại một số cửa hàng tiện lợi cho thấy, giá cả hàng hoá tiêu dùng bắt đầu tăng. Một số nhà cung cấp đã thông báo tăng giá bán. Đến hôm nay, sữa, mỳ chính, mỳ tôm, nước đóng chai và một số mặt hàng khác đã tăng rồi.  Đơn cử như Vinamilk thông báo tăng giá đồng loạt các sản phẩm như sữa ông thọ tăng 1.000 đồng/ hộp; sữa hộp giấy 1 lốc 4 hộp tăng 1.000 đồng/ lốc, giá bán hiện nay 1 lốc 4 hộp 180ml là giá 29.000 đồng…
Tăng giá xăng và điện, nhiều mặt hàng tăng giá theo - Ảnh 2.
Tại các hệ thống siêu thị lớn, cho đến thời điểm hiện tại giá cả chưa có dấu hiệu thay đổi. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội cho biết, giá xăng, điện tăng khiến các mặt hàng chắc chắn sẽ tăng. Bởi giá điện tăng sẽ tác động tới hoạt động của siêu thị, tăng chi phí vận hành. Tại miền Bắc mùa hè rất nóng và kéo dài, siêu thị không thể tắt điều hoà để tiết kiệm điện được, thậm chí mùa hè còn phải tăng cường để phục vụ khách. Chi phí đầu vào tăng, nhà cung cấp tăng giá bán, chi phí năng lượng tăng… thì thật khó để hàng hóa vẫn giữ giá ổn định. Hiện, siêu thị Co.opmart đã nhận được báo giá mới của nhà cung cấp hàng tiêu dùng và nguyên phụ liệu bao gói hàng hóa.
Tăng giá xăng và điện, nhiều mặt hàng tăng giá theo - Ảnh 3.
Xăng dầu tăng giá cũng khiến dịch vụ vận tải tăng giá theo. Theo một tài xế chạy taxi công nghệ cao, trước đây mỗi lần đổ khoảng 500.000 đồng tiền xăng là xe có thể chạy được khoảng hơn 2 ngày, nhưng hiện tại, với số tiền trên chỉ có thể chạy được trong 1 ngày. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp dịch vụ vận tải đã nhấp nhổm tăng giá từ 15 - 20%.