Tăng “sức chiến đấu” cho chế biến thủy sản
Trong những năm qua, ngành chế biến thủy sản đã nắm bắt nhanh xu hướng hội nhập, khai thác hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và dần khẳng định là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước. Dẫu vậy, ngành này vẫn bị đánh giá “yếu thế” hơn trong cạnh tranh so với nhiều quốc gia xuất khẩu thuỷ sản lớn khác.
Để tăng “sức chiến đấu” cho ngành chế biến thủy sản, mới đây Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 1408/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu phát triển chế biến thủy sản hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ, nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp tục hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.
TỶ LỆ NHỮNG MẶT HÀNG TIỆN DỤNG CHƯA CAO
Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), những năm qua, tuy trồi sụt nhưng xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn đang trong xu hướng tăng trưởng.
Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam tăng trưởng trung bình 5% đạt 8,4 tỷ USD vào năm 2020. Dự tính, giai đoạn 2021-2025, xuất khẩu thủy sản tăng trưởng trung bình 7%/năm và tới năm 2025 đạt 12 tỷ USD. Trong đó, tôm đạt 5,5 tỷ USD, cá tra đạt 2,3 tỷ USD và hải sản đạt 4,2 tỷ USD.
Khối lượng thủy sản xuất khẩu tới năm 2025 được dự báo sẽ tương đương khoảng 6 triệu tấn. Trong đó, 4,7-4,8 triệu tấn sản xuất trong nước, nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các nước để sản xuất xuất khẩu và gia công xuất khẩu dự kiến khoảng 1,2-1,3 triệu tấn (khoảng 2,4-2,6 tỷ USD).
Với sự tăng trưởng nhanh và hiệu quả, chế biến thủy sản đã đóng góp tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đóng góp hiệu quả cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo.
Theo Tổng cục Thủy sản, lĩnh vực chế biến thủy sản hiện đang giải quyết việc làm cho trên 435.000 lao động trực tiếp và gián tiếp cho trên 4 triệu lao động ngành thủy sản nói chung.
Trong hội nhập, với hàng loạt FTA được thực thi đã mang lại cơ hội cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam thâm nhập thị trường thế giới.
Nhờ sự ưu đãi hơn về thuế quan, xuất xứ hàng hoá, hàng rào phi thuế quan và những lợi ích về đối xử công bằng, bình đẳng đã tạo điều kiện để hàng thủy sản Việt Nam có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam cũng phải đối mặt với những rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, các yếu tố phát triển bền vững.
Mặc dù đã đạt được một số thành tích đáng kể trên thị trường thế giới, song nhiều mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam vẫn bị đánh giá “yếu thế” hơn khi so sánh với hàng hóa của nhiều quốc gia xuất khẩu thuỷ sản lớn khác do năng lực cạnh tranh chưa cao, chất lượng không ổn định.
Hơn nữa, tuy tỷ trọng sản phẩm thủy sản chế biến giá trị gia tăng có tăng lên nhưng chưa nhiều mặt hàng tiện dụng, nghèo về mẫu mã và bao bì.
Chưa có chiến lược phát triển thị trường cho các sản phẩm chủ lực cũng như chưa xây dựng được thương hiệu mạnh cho các sản phẩm thủy sản chế biến, công nghệ chế biến sâu chưa được quan tâm phát triển.
Bên cạnh đó, chế biến thủy sản trong nước chủ yếu chú trọng phục vụ chế biến thực phẩm, trong khi đó tiềm năng phát triển trong lĩnh vực y dược và một số lĩnh vực khác chưa được khai thác.
HÌNH THÀNH TẬP ĐOÀN, DOANH NGHIỆP CHẾ BIẾN HIỆN ĐẠI
Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030 phấn đấu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng sản lượng thủy sản chế biến đạt trên 6%/năm, góp phần đưa giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 14-16 tỷ USD.
Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm thủy sản chế biến giá trị gia tăng đạt trung bình trên 40%. Trong đó, tôm đạt 60%, cá tra đạt 10%, cá ngừ đạt 70%, mực và bạch tuộc đạt 30%, thủy sản khác đạt 30%. Trên 70% số lượng cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất từ trung bình tiên tiến trở lên.
Hình thành một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến thủy sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới.
Để đạt được những mục tiêu trên, Đề án đặt ra các nhiệm vụ cần thiết, như tổ chức thực hiện việc kiểm soát và phát triển nguồn nguyên liệu chế biến thủy sản từ nuôi trồng, khai thác và nhập khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp chế biến, phù hợp với nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; tuân thủ các điều kiện, quy định của Việt Nam và thông lệ quốc tế; đảm bảo các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, tránh gian lận xuất xứ, gian lận thương mại.
Thu hút đầu tư hình thành các tập đoàn, công ty chế biến thủy sản lớn có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới; nâng cấp các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến; nâng cao năng lực chế biến, trình độ công nghệ đối với các cơ sở chế biến tiêu thụ thủy sản trong nước, đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, đa dạng hóa chủng loại sản phẩm chế biến thủy sản.
Đề án cũng đưa ra giải pháp, đẩy mạnh chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chú trọng tới nhóm sản phẩm chủ lực (tôm, cá tra, cá ngừ); đa dạng hóa các sản phẩm chế biến, tập trung nghiên cứu phát triển các sản phẩm từ cá ngừ, rong tảo biển và phụ phẩm; tách chiết các hợp chất có hoạt tính sinh học có giá trị cao phục vụ ngành thực phẩm, hoá dược.
Việt Nam hiện có 620 cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp, trong đó có 415 nhà máy, cơ sở đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật, Mỹ, EU và các thị trường khó tính khác. Cùng với đó, có 3.000 cơ sở chế biến quy mô nhỏ tại các làng nghề truyền thống.
Trong kế hoạch tái cơ cấu và tổ chức lại sản xuất, liên kết là một trong những giải pháp đã được đề ra. Thời gian qua, rất nhiều chuỗi đã được hình thành từ vật tư đầu vào đến nhà máy chế biến và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, ví dụ chuỗi tôm ở 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.
Đối với ngành cá tra, liên kết từ vùng sản xuất giống, đến vùng nuôi và đến nhà máy chế biến. Tương tự đối với khai thác thủy sản, đã kết nối từ tàu khai thác đến tàu hậu cần dịch vụ và nhà máy chế biến, đảm bảo giảm được tổn thất và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hiện nay, tận dụng phụ phẩm chế biến thủy sản để tạo ra nhiều sản phẩm thu lợi nhuận đang và sẽ là hướng đi để gia tăng giá trị cho chế biến thủy sản.
Một số doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ tách chiết xuất collagen và gelatin từ da cá. Việc tận dụng phụ phẩm có thể gia tăng 15 - 25% giá trị cho toàn bộ chuỗi nuôi và chế biến cá tra.
Theo số liệu thống kê, tổng sản lượng thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 7 triệu tấn/năm. Trong đó phụ phẩm chiếm khoảng 15 - 20% (khoảng hơn 1 triệu tấn). Đây là nguồn nguyên liệu quý để sử dụng và chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng, đem lại hiệu quả kinh tế lớn.