16:40 19/11/2022

Tăng thanh tra chuyên ngành doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm từ 3 tháng trở lên

Nhật Dương

Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu tăng cường thanh tra chuyên ngành đối với doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 3 tháng trở lên, kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính theo quy định…

Ảnh minh họa. Ảnh - Thu Hiền.
Ảnh minh họa. Ảnh - Thu Hiền.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa yêu cầu Bảo hiểm xã hội các địa phương tăng cường các giải pháp đôn đốc, giảm số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong bối cảnh số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ở một số địa phương chưa giảm sâu.

Theo đó, để giảm số tiền chậm đóng xuống mức thấp nhất, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố thường xuyên báo cáo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các doanh nghiệp trên địa bàn để lãnh đạo, chỉ đạo, yêu cầu các doanh nghiệp chấp hành nghiêm việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ, kịp thời theo quy định.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh hoạt động của Tổ thu nợ liên ngành cấp tỉnh, cấp huyện, tổ chức các buổi làm việc với doanh nghiệp chậm đóng; phân công cán bộ bám sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp để đôn đốc đóng đủ, không để phát sinh số tiền chậm đóng mới.

Đồng thời, tăng cường thanh tra chuyên ngành đối với doanh nghiệp chậm đóng từ 3 tháng trở lên, kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính, ban hành Quyết định cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền đã được quy định.

Bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ, kịp thời với cơ quan Công an trong việc điều tra, xử lý đối với doanh nghiệp cố tình trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và các ngành chức năng, để đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, thu hồi số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại các doanh nghiệp nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Bảo hiểm xã hội các địa phương cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, đối thoại bằng các hình thức linh hoạt, phù hợp để nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với chủ sử dụng lao động và người lao động; phê phán các hành vi vi phạm trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, việc các đơn vị sử dụng lao động, doanh nghiệp để nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với số tiền lớn đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích an sinh hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Do đó, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động, thời gian qua, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp.

Cụ thể như: Tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; thành lập các Đoàn công tác của Bảo hiểm xã hội Việt Nam do Tổng Giám đốc và các Phó Tổng Giám đốc làm Trưởng đoàn làm việc với 63 Bảo hiểm xã hội tỉnh để đôn đốc, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thu, thu nợ, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế…

Tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm. Ảnh - Bảo hiểm xã hội Việt Nam. 
Tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm. Ảnh - Bảo hiểm xã hội Việt Nam. 

Đối với công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu Bảo hiểm xã hội các địa phương tiếp tục tham mưu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện đưa vào Nghị quyết hằng năm về chỉ tiêu phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Đề xuất hỗ trợ thêm cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế tự đóng có hoàn cảnh khó khăn, người mới thoát nghèo, nông thôn mới, người dân sinh sống tại các xã mới thoát khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, cần vận động, phấn đấu có ít nhất 70% người thuộc hộ gia đình nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình và 100% người thuộc hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên, nhất là sinh viên từ năm thứ hai trở đi tham gia bảo hiểm y tế.

Bảo hiểm xã hội các địa phương tiếp tục đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân hỗ trợ ngân sách địa phương hoặc kêu gọi doanh nghiệp, cá nhân, mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.