19:46 04/07/2024

Tăng trưởng quý 2 vượt kỳ vọng, UOB vẫn giữ nguyên dự báo kinh tế Việt Nam 2024 ở mức 6%

Vân Nguyễn

Chuyên gia UOB nhận định Việt Nam đang có đà tăng trưởng kinh tế tích cực trong nửa đầu năm 2024. Nửa cuối năm, triển vọng kinh tế tiếp tục sáng, nhưng cần thận trọng bởi ảnh hưởng của cơ sở dữ liệu cao hơn, những rủi ro do xung đột làm gián đoạn thị trường năng lượng và thương mại toàn cầu…

UOB vẫn giữ nguyên dự báo kinh tế Việt Nam ở mức 6% năm nay - Ảnh minh họa.
UOB vẫn giữ nguyên dự báo kinh tế Việt Nam ở mức 6% năm nay - Ảnh minh họa.

Theo Báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam Quý 2/2024 của Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB, dữ liệu của Tổng cục Thống kê công bố, cho thấy GDP thực tế của Việt Nam trong quý 2/2024 tăng 6,93% so với cùng kỳ, tiếp nối đà tăng từ mức 5,87% so với cùng kỳ (đã được điều chỉnh tăng so với công bố trước đó) trong quý 1/2024 và mức tăng 6,72% so với cùng kỳ trong quý 4/2023.

“Kết quả này gây bất ngờ so với kỳ vọng của UOB là 6,0% vì cả hai lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều hoạt động mạnh mẽ trong quý này”, chuyên gia UOB nhận định.

ĐÀ TĂNG TRƯỞNG KÉO DÀI SANG QUÝ 2/2024

Theo UOB, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 6,42% so với cùng kỳ trong 6 tháng năm 2024, vượt xa mức 3,84% trong nửa đầu năm 2023. Kết quả khả quan này tạo ra tín hiệu tích cực cho thời gian còn lại của năm nay, sau năm 2023 đầy khó khăn và thử thách.

Báo cáo cảu UBO cho thấy tăng trưởng trong quý 2/2024 được củng cố nhờ lĩnh vực sản xuất tiếp tục tăng trưởng ở quý thứ 5 liên tiếp, với mức tăng 10,0% và lĩnh vực dịch vụ tăng 7,1% so với cùng kỳ, là quý thứ 11 liên tiếp có kết quả tăng kể từ khi phục hồi sau đợt sụt giảm do đại dịch Covid-19 trong quý 3/2021. Hai lĩnh vực này lần lượt đóng góp 31% và 44% trong mức tăng trưởng 6,93% của quý 2/2024.

 

“Với kết quả hoạt động trong quý 2/2024 cao hơn kỳ vọng của và thị trường cũng như tạo ra tín hiệu tích cực, triển vọng cho năm 2024 vẫn tươi sáng. Tuy nhiên, lưu ý rằng nửa cuối năm 2024 có thể sẽ chứng kiến ​​hiệu quả hoạt động trầm lắng hơn, do bị ảnh hưởng bởi cơ sở dữ liệu cao hơn trong nửa cuối năm 2023 cũng như những rủi ro vẫn còn hiện hữu”.

Chuyên gia của UOB.

Tuy nhiên, theo UOB, sự phục hồi của chi tiêu trong nước đã gây áp lực lên giá tiêu dùng, khiến chỉ số CPI toàn phần của Việt Nam tăng quý thứ 5 liên tiếp, lên 4,39% so với cùng kỳ trong quý 2/2024 (3,77% trong quý 1), tiến gần đến ngưỡng trên của ngân hàng trung ương là 4,5%.

Trái ngược với lạm phát toàn phần, CPI cơ bản (trừ thực phẩm, năng lượng và hàng hóa do các cơ quan nhà nước quản lý như giáo dục và dịch vụ y tế) đã giảm tốc trong quý thứ 5 xuống còn 2,69% so với cùng kỳ (từ 2,81% trong quý 1/2024). Chi phí thực phẩm và nhà ở tăng là nguyên nhân chính gây ra lạm phát toàn phần, đặc biệt là do sự tăng giá của thịt lợn (do dịch tả lợn châu Phi cuối năm 2023). Ngoài ra còn có sự đóng góp của việc tăng giá điện, các dịch vụ y tế và giáo dục.

Dù vậy, chuyên gia UOB cho rằng trong tương lai một yếu tố có thể tác động đến lạm phát là kế hoạch tăng lương tối thiểu 6% kể từ tháng 7/2024, mức tăng lớn hơn một chút so với mức 5,88% vào tháng 7/2022. Việt Nam đã tăng mức lương tối thiểu lần lượt là 7,3%, 6,5% và 5,3% tương ứng vào các năm 2017, 2018 và 2019.

TRIỂN VỌNG KINH TẾ TÍCH CỰC NHƯNG CẦN THẬN TRỌNG

Cũng theo báo cáo của UOB, hoạt động ngoại thương tiếp tục mạnh mẽ trong quý 2/2024, được thúc đẩy bởi nhu cầu của người tiêu dùng cũng như sự phục hồi nhu cầu ngành bán dẫn kể từ giữa năm 2023.

Trong nửa đầu năm 2024, xuất khẩu và nhập khẩu tăng lần lượt 14,0% và 16,6% so với cùng kỳ, đạt thặng dư thương mại 11,3 tỷ USD (cả năm 2024 là 28,4 tỷ USD), gần bằng mức thặng dư 12,1 tỷ USD đạt được trong cả năm 2022.

Nguồn: Tổng Cuc Thống kê, Ngân hàng UOB.
Nguồn: Tổng Cuc Thống kê, Ngân hàng UOB.

“Mức thặng dư bên ngoài này sẽ giúp củng cố niềm tin vào đồng tiền Việt Nam trong bối cảnh đồng USD vẫn mạnh như hiện nay. Phần lớn thặng dư thương mại đến từ thương mại với Mỹ trong khi Trung Quốc là nguồn thâm hụt thương mại lớn nhất của Việt Nam”, chuyên gia UOB nhận định.

Bên cạnh đó, báo cáo của UOB cũng cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài phần lớn nhìn nhận tích cực về triển vọng dài hạn của Việt Nam trong những năm tới, vượt qua những chuyển động chính trường xuất hiện trong nước vào đầu năm 2024.

 

“Chúng tôi giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,0% cho năm 2024, so với mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ là 6,0% - 6,5%”.

Chuyên gia của UOB.

Ngoài ra, dòng vốn FDI thực hiện vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 10,8 tỷ USD, hơn gấp đôi so với mức 4,6 tỷ USD trong quý 1/2024. Tuy nhiên, dòng vốn FDI thực tế vào Việt Nam đạt mức cao kỷ lục 23,2 tỷ USD vào năm 2023, vượt qua kỷ lục trước đó là 22,4 tỷ USD vào năm 2022.

Chuyên gia UOB đánh giá, những dữ liệu FDI này cho thấy các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã bỏ qua những chuyển động chính trường vào đầu năm 2024 và tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư quan trọng trong trung và dài hạn, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra quá trình tái cấu trúc.

Đồng thời, sự gia tăng cả dòng vốn FDI thực hiện và đăng ký sẽ thúc đẩy hơn nữa các hoạt động trong nước trong các quý tới, bao gồm cả xây dựng và việc làm. Cùng với đó là sự khẳng định niềm tin và cam kết của các doanh nghiệp nước ngoài đối với đất nước trong làn sóng phi toàn cầu hóa, giảm rủi ro và chuyển dịch chuỗi cung ứng hiện nay.

Cũng theo UOB, sự mất giá gần đây của VND trước đồng USD mạnh lên và tỷ lệ lạm phát gia tăng có thể khiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thận trọng trong mọi thay đổi về lãi suất chính sách. Dù đà tăng trưởng hiện tại có thể sẽ giảm bớt trong nửa cuối năm 2024, UOB tin rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,5%.

Chuyên gia UOB cũng cho rằng với việc Ngân hàng Trung ương châu Âu đi trước một bước bằng việc hạ lãi suất trong tháng 6 và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể bắt đầu nới lỏng lập trường chính sách trong nửa cuối năm, điều này có thể mở ra cơ hội cho Ngân hàng Nhà nước đi theo xu hướng chung. Hiện tại, thay vì tiếp tục hạ lãi suất, Chính phủ đang tiếp tục tập trung vào các biện pháp phi lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.