11:25 07/05/2024

Tăng trưởng thương mại toàn cầu năm nay có thể gấp đôi năm ngoái

Ngọc Trang

Trung Quốc và Đông Á được dự báo sẽ là những động lực lớn của sự phục hồi này...

Ảnh minh họa: Bloomberg
Ảnh minh họa: Bloomberg

Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hoạt động thương mại toàn cầu sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2024, sau khi chứng kiến sự sụt giảm vào năm ngoái do giá cả leo thang, lãi suất tăng và nhu cầu yếu.

OECD dự báo thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu sẽ tăng 2,3% trong năm nay và 3,3% năm 2025. Các con số này cải thiện đáng kể so với mức tăng trưởng chỉ 1% của năm ngoái.

“Phần lớn sự tăng trưởng này là ‘sự phục hồi theo chu kỳ’, khi hoạt động thương mại tăng lên cùng với sự tăng trưởng kinh tế nói chung”, bà Clare Lombardelli, nhà kinh tế trưởng tại OECD, đánh giá với tờ báo Financial Times. “Trung Quốc và Đông Á được dự báo sẽ là những động lực lớn của sự phục hồi này”.

Trên thực tế, hoạt động thương mại gia tăng đã giúp thúc đẩy tăng trưởng tại một số nền kinh tế lớn thuộc Liên minh châu Âu (EU) trong quý đầu năm 2024. Tăng trưởng chung của khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone quý 1 đạt 0,3% - mức cao nhất kể từ quý 3/2022.

“Chúng ta sẽ chứng kiến những con số lớn hơn trong năm nay và năm sau. Thời gian qua đã có những diễn biến khá tích cực về thương mại”, bà Lombardelli nói thêm.

Trong khi đó, tại báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới tháng 4/2024, IMF cũng dự báo hoạt động thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu sẽ tăng 3% trong năm 2024. Còn WTO dự báo thương mại hàng hóa sẽ tăng 2,6% năm nay, sau khi giảm 1,2% vào năm ngoái. Tổ chức này không đưa ra dự báo về thương mại dịch vụ.

“Chúng ta đang chứng kiến những gam màu sáng trong bức tranh thương mại toàn cầu”, ông Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics, nhận xét. “Sự suy giảm sản xuất gây ảnh hưởng tới hoạt động thương mại trong năm 2023 do nhu cầu yếu giờ đây đã không còn”.

Ông Shearing cũng chỉ ra sự phục hồi kinh tế tại châu Âu, nơi phụ thuộc chủ yếu vào thương mại, đặc biệt là các quốc gia Nam Âu đang được hưởng lợi từ sự phục hồi ngành du lịch. Ví dụ, Tây Ban Nha đón lượng khách lớn vào dịp lễ Phục Sinh khi kỳ nghỉ lễ rơi vào tháng 3 thay vì tháng 4, góp phần vào tăng trưởng kinh tế quý 1. Đức và Italy đều ghi nhận xuất khẩu ròng tăng, thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế trong quý đầu năm.

“Chúng tôi dự báo hoạt động ngoại thương của Eurozone sẽ tăng lên trong năm nay. Các dấu hiệu cho thấy sự phục hồi, đặc biệt về xuất khẩu, diễn ra sớm hơn so với đánh giá trước đó của chúng tôi”, ông Salomon Fiedler, nhà kinh tế tại ngân hàng Berenberg của Đức, nhận định trong một báo cáo.

Báo cáo Theo dõi Thương mại Thế giới (World Trade Monitor) của Cục Phân tích chính sách kinh tế Hà Lan (CPB) cũng ghi nhận hoạt động thương mại tăng trưởng trở lại vào tháng 2 – lần đầu tiên tăng trưởng trong vòng 1 năm trở lại đây.

Sự tăng trưởng ở Trung Quốc và Mỹ góp phần đưa tăng trưởng thương mại hàng hóa tăng 1,2% trong tháng 2, từ mức giảm 0,9% của tháng trước đó và đánh dấu sự phục hồi đáng kể so với mức giảm 3,5% vào tháng 9/2023.

Tuy nhiên, dù chứng kiến những gam màu sáng, tăng trưởng thương mại toàn cầu được dự báo sẽ chưa trở lại mức trước đại dịch Covid-19 trong năm nay. Theo dữ liệu của IMF, trong giai đoạn 2006-2015, hoạt động thương mại hàng háo và dịch vụ bình quân tăng 4,2%/năm.

Cả OECD, IMF và WTO đều cảnh báo về những rủi ro với thương mại toàn cầu đến từ căng thẳng địa chính trị, xung đột khu vực và bất ổn kinh tế, trong bối cảnh các chính phủ trên thế giới chú trọng vấn đề an ninh quốc gia, tự chủ và hỗ trợ doanh nghiệp nội địa.

“Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nằm trong danh sách những điều bất định với thương mại toàn cầu trong năm tới. Cựu Tổng thống Donald Trump, người nhiều khả năng sẽ là ứng viên của Đảng Cộng hòa, đã tuyên bố sẽ tăng 10 điểm phần trăm thuế đối với hàng hóa đến từ tất cả các đối tác thương mại của Mỹ nếu ông tái đắc cử, cho thấy sẽ có nhiều biện pháp thuế quan mạnh mẽ hơn nữa với hàng Trung Quốc”, ông Shearing của Capital Economics phân tích.