10:33 14/02/2011

Tăng tỷ giá, chứng khoán thiệt gì?

Trọng Nghĩa

Bất cứ sự thay đổi chính sách nào cũng được đưa ra từ những lý do tích cực. Tuy nhiên việc điều chỉnh chính sách luôn có sự đánh đổi

Việc tăng tỷ giá mạnh khiến cơ hội giảm lãi suất trong ngắn hạn càng giảm đi.
Việc tăng tỷ giá mạnh khiến cơ hội giảm lãi suất trong ngắn hạn càng giảm đi.
Thường bất cứ sự thay đổi chính sách nào cũng dựa trên những nguyên nhân và đa số lý do được đưa ra là tích cực. Tuy nhiên việc điều chỉnh chính sách nào cũng có sự đánh đổi.

Trong các lần điều chỉnh trước đây, những thông điệp từ cơ quan quản lý và nhiều tổ chức trong nước thường đưa ra các lý do hợp lý với các hệ quả tốt. Tuy nhiên thực tế thời gian qua đã chứng minh sự hợp lý đó chỉ trong ngắn hạn.

Thị trường luôn phản ứng theo cách của nó, chứ không dựa vào những quan điểm phân tích.

Yếu tố bất ngờ nhất trong việc tăng tỷ giá cuối tuần qua của Ngân hàng Nhà nước là mức điều chỉnh rất lớn, tới 9,3%. Mức điều chỉnh này được xem là đưa tỷ giá chính thức về sát với thực tế thị trường hơn.

Đằng sau con số này có lẽ là một thông điệp mạnh mẽ hơn. Trong các lần điều chỉnh trước, mức điều chỉnh thấp hơn hàm ý một sự điều chỉnh có thể tiếp diễn trong tương lai. Chính điều này tạo ra kỳ vọng việc giảm giá đồng nội tệ sẽ chưa dừng lại, khiến tâm lý đầu cơ ngoại tệ vẫn còn.

Việc chấp nhận điều chỉnh mạnh lần này liệu có thể đánh tan kỳ vọng đó hay không là điều chưa thể khẳng định. Tuy nhiên, với mức điều chỉnh lớn như vậy, khả năng giữ ổn định trong trung hạn là lớn hơn, mặc dù Ngân hàng Nhà nước cũng phát đi thông điệp sẽ “điều hành tỷ giá bình quân liên ngân hàng tương đối linh hoạt trong thời gian tới”.

Thông thường thị trường ngoại tệ luôn tồn tại tình trạng hai giá. Trong những lần điều chỉnh trước, tỷ giá chính thức tăng chỉ góp phần ổn định thị trường tự do trong ngắn hạn và sau đó khoảng cách tỷ giá lại được tái lập do áp lực giảm giá VND vẫn còn. Điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp có nhu cầu mua USD có dễ dàng mua được theo đúng giá niêm yết hay không. Nếu khả năng đáp ứng ngoại tệ theo tỷ giá chính thức không đủ, thì khó có thể nói việc điều chỉnh sẽ tạo sự ổn định dài hơi.

Đây cũng là lý do khiến các tổ chức quốc tế cho rằng vẫn còn khả năng điều chỉnh tỷ giá lần nữa trong năm nay. Cả ngân hàng HSBC lẫn Standard Chartered cuối tuần qua cho rằng việc điều chỉnh tỷ giá mới ổn định thị trường trong ngắn hạn, và là sự chính thức hóa một thực tế đã tồn tại suốt thời gian qua. Áp lực lên tỷ giá vẫn còn do yếu tố lạm phát có khả năng tăng lên cũng như khả năng can thiệp thị trường với dự trữ ngoại hối mỏng, trong điều kiện biên độ dao động đã bị thu hẹp.

Việc tăng tỷ giá mạnh khiến cơ hội giảm lãi suất trong ngắn hạn càng giảm đi. Tỷ giá tăng lên có lợi cho xuất khẩu nhưng cũng gia tăng áp lực nhập khẩu lạm phát. Khá nhiều phân tích cho rằng tỷ giá tăng lên chỉ là sự thừa nhận tương quan tỷ giá đã có và doanh nghiệp nhập khẩu đã phải mua USD theo tỷ giá này thời gian qua. Do đó áp lực lên lạm phát không lớn do phần nào đã phản ánh vào giá. 

Tuy nhiên, áp lực tăng giá một số mặt hàng trong nước, đặc biệt là xăng dầu đã trở nên lớn hơn khi trước thời điểm tăng tỷ giá, doanh nghiệp nhập khẩu đã lỗ rồi. Áp lực này càng lớn hơn khi đồng nội tệ yếu đi hơn 9% do lần điều chỉnh này. Nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng hoặc duy trì mức hiện tại thì không rõ khả năng bù lỗ sẽ tiếp tục đến bao giờ. Ngoài ra giá điện cũng có thể tăng và thị trường chứng khoán hiện đang phản ánh kỳ vọng này vào giá cổ phiếu ngành.

Thị trường chứng khoán đang kỳ vọng một khả năng giảm lãi suất cho vay hoặc nới lỏng tiền tệ ở mức độ nhất định. Những động thái này đều phải nhìn vào mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Việc tăng tỷ giá có thể khiến thị trường bối rối hơn trong việc đánh giá cơ hội giảm lãi suất, khi ưu tiên hàng đầu lúc này là kiềm chế lạm phát và bình ổn thị trường ngoại tệ.

Một vấn đề nữa là việc tăng lãi suất tiền đồng cuối năm 2010 là nhằm tăng giá trị đồng nội tệ, hạn chế đầu cơ ngoại tệ, hạ nhiệt cơn sốt tỷ giá vừa qua. Người dân nhận thấy việc nắm giữ và gửi tiết kiệm bằng VND sẽ có lợi hơn. Tuy nhiên hiện giá trị đồng USD đã tăng thêm khiến khả năng giảm lãi suất trong ngắn hạn tương đối thấp. Nếu thị trường ngoại tệ tự do thực sự bình ổn thì mới có thể khẳng định tâm lý đầu cơ ngoại tệ đã được hạ nhiệt.

Cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã hoàn thành báo cáo về điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới, dự kiến công bố vào tuần này. Trong bối cảnh cần duy trì niềm tin của người dân vào đồng nội tệ, nếu chỉ dựa vào nguồn vốn huy động thì khả năng hạ lãi suất là rất khó khăn. “Cửa” còn lại chỉ là dựa vào chính sách của Ngân hàng Nhà nước. Liệu cơ quan quản lý sẽ chấp nhận lựa chọn chính sách như thế nào là điều thị trường đang cố dự đoán.