19:44 27/04/2023

Tạo cảm hứng và khát vọng cho các quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực bền vững

Chu Khôi

Các quốc gia cần phối hợp để phát triển hệ thống lương thực thực phẩm của mình theo hướng tránh gây tổn thất, giảm thiểu tác động tới đa dạng sinh hoạt và đảm bảo nguồn thức ăn, an ninh dinh dưỡng. Việc thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo là một trong những cách để ngành lương thực thế giới đi nhanh, mà vẫn đảm bảo sự bền vững…

Phiên bế mạc Hội nghị toàn cầu Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững.
Phiên bế mạc Hội nghị toàn cầu Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững.

Ngày 27/4/2023 đã diễn ra phiên bế mạc Hội nghị toàn cầu Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững, sau 4 ngày diễn ra với 9 phiên hội thảo chuyên đề và nhiều sự kiện bên lề. Các điều phối viên của 9 phiên thảo luận đã có những chia sẻ về thông điệp mà các bên tham gia muốn truyền tải thông qua từng phiên họp.

CẦN CƠ SỞ DỮ LIỆU CỤ THỂ ĐỂ ĐÁNH GIÁ SỰ ĐẦU TƯ CỦA TƯ NHÂN VÀ NHÀ NƯỚC

Trình bày kết quả nội dung phiên hội thảo tái kiến trúc hệ thống lương thực toàn cầu, ông Jamie Morrison Cố vấn cấp cao Liên minh Toàn cầu về Cải thiện Dinh dưỡng (GAIN), cho biết thông điệp đầu tiên là cho phép các chính phủ đưa ra chính sách phù hợp, tránh sự phân mảnh, tăng cường gắn kết, kết nối.

Từ đó, đưa ra các chính sách phù hợp với chương trình nghị sự về lương thực thực phẩm phù hợp với từng quốc gia. Phiên họp này cũng chỉ ra những việc cần làm để tăng cường sự tham gia của nhiều quốc gia và các bên liên quan hơn nữa.

“Một số nội dung cần được tăng cường để các quốc gia có thể phát triển hệ thống lương thực thực phẩm của mình theo hướng tránh gây tổn thất, giảm thiểu tác động tới đa dạng sinh hoạt và đảm bảo nguồn thức ăn, an ninh dinh dưỡng. Dựa trên các khung đã thiết lập, các quốc gia cũng có thể được hỗ trợ để hành động, xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững”, ông Jamie Morrison nói.

 

"Muốn đi xa thì đi cùng nhau". Nhằm chuyển đổi nhanh hệ thống lương thực thực phẩm, việc thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo là một trong những cách để chúng ta vừa đi nhanh, vừa đi cùng nhau mà vẫn đảm bảo sự bền vững".

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đề cập kết quả của phiên hội thảo thứ 3 với chủ đề “xem xét cách quản trị và chính sách quốc gia”, bà Corinna Hawkes, Giám đốc Hệ thống Thực phẩm và An toàn thực phẩm của FAO, đúc kết rằng việc kết nối và hợp tác giữa các ban ngành, trong hệ thống từ trung ương xuống địa phương không phải là sự lựa chọn mà là điều phải làm để cùng tập trung vào tầm nhìn, đưa ra đánh giá đúng, hiểu vai trò và trách nhiệm của các bên khác nhau, đảm bảo hệ thống lương thực thực phẩm chuyển đổi đúng định hướng và có thể phá vỡ rào cản cũng như nắm bắt cơ hội phát triển.

Phiên thứ 6 của Hội nghị có chủ đề “Huy động hệ sinh thái hỗ trợ nhằm thúc đẩy cách tiếp cận hệ thống lương thực thực phẩm bền vững, linh hoạt và toàn diện hơn. Theo bà Rebecca Shaw, Phó Chủ tịch cấp cao của WWF, phiên thảo luận đã đưa ra những kiến nghị về cơ chế rất có trách nhiệm trong đánh giá lộ trình để phát triển việc xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm bền vững tại các quốc gia.

“Công cuộc xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm bền vững có sự tham gia của nhiều bên, mang tính bao trùm nên cần có những cơ sở dữ liệu cụ thể, đánh giá sự đầu tư của tư nhân và nhà nước. Công tác đánh giá phải là một quá trình liên tục được cải thiện và trách nhiệm, từ đó có thể xây dựng một quy trình đạt hiệu quả tối đa”, bà Rebecca Shaw nói.

Tổng hợp lại những kinh nghiệm từ phiên thảo luận thứ  8 nhấn mạnh về vai trò kết nối, dẫn dắt triển khai kế hoạch hành động của các đầu mối quốc gia, bà Sylvia Ekra, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Hệ thống Lương thực của Liên hợp quốc cho biết hệ thống lương thực thực phẩm quốc gia là công cụ thực hiện sứ mệnh của các kế hoạch hành động về môi trường, dinh dưỡng, an ninh lương thực.

Chính vì vậy, cần có thêm các cuộc đối thoại cấp quốc gia để liên tục trao đổi lộ trình, thúc đẩy những động lực đảm bảo các ngành, các bên liên quan có thể tham gia vào chuỗi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tiếp tục thúc đẩy sự hợp tác của các đối tác, các nhà đầu tư.

KỲ VỌNG TỪ CẤP BỘ TRƯỞNG SẼ NÂNG LÊN CẤP QUỐC GIA TRONG TƯƠNG LAI

Sau kết thúc phiên bế mạc vào chiều 27/4/2023 đã diễn ra họp báo về kết quả Hội nghị toàn cầu Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết với các quốc gia, các tổ chức quốc tế, Hội nghị đã đạt được 2 kết quả chính.

Thứ nhất, Hội nghị đã tạo cảm hứng, khát vọng cho các quốc gia, các bên liên quan để triển khai chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững trong bối cảnh mới.

Thứ hai, các phiên thảo luận của Hội nghị đã tập trung đưa ra các giải pháp sát với thực tiễn. Các giải pháp đó sẽ được chia sẻ với các quốc gia, các bên liên quan, từ đó có thể huy động nguồn lực để cùng nhau hành động. Hội nghị cũng tạo sự đồng thuận, quyết tâm cao giữa các quốc gia trong xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm bền vững khi kỳ vọng chương trình sẽ được nâng cấp bộ trưởng lên cấp quốc gia trong tương lai.

“Đối với Việt Nam, Hội nghị là dịp để chúng ta học hỏi những kinh nghiệm quý báu của bạn bè quốc tế thông qua các phiên họp và tài liệu chương trình trong xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm bền vững. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị, Việt Nam đã có cơ hội để giới thiệu những nét đặc trưng văn hóa, nét đẹp của dân tộc Việt Nam tới bạn bè quốc tế”, ông Tuấn nói.

Ông Joao Campari, đại diện Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) nhận định: Với tư cách đồng tổ chức hội nghị năm nay, Việt Nam đã thể hiện được vai trò dẫn dắt, nhằm đảm bảo được hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu cũng như ở cấp địa phương được phát triển bền vững.

“Hiện có khoảng 10% hộ dân có thể bị đói. Hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu không những chịu nhiều rủi ro, mà còn gây ra tổn thất đến 60 - 70% cho đa dạng sinh học. Nhân loại đã khai thác rất nhiều từ nguồn lợi tự nhiên để có được thực phẩm, song vẫn để những vấn đề như lãng phí về lương thực thực phẩm xảy ra. Yêu cầu cấp thiết lúc này là cần có những tháo gỡ trên toàn cầu, theo hướng tích hợp, về vấn đề này. Chúng tôi rất mừng khi Việt Nam đã có kế hoạch thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo đầu tiên tại Đông Nam Á”, ông Joao Campari nói.

Rõ ràng, những quyết định liên quan đến hệ thống lương thực thực phẩm đều mang tính chính trị. Đặt trong bức tranh đan xen của biến đổi khí hậu, chúng ta cần có sự kiên nhẫn và thận trọng trong hành động. WWF nhìn nhận một loạt các thách thức như an ninh lương thực, biến đổi khí hậu... không phải vấn đề riêng rẽ. WWF với văn phòng đại diện tại Việt Nam khẳng định sẽ thực hiện cam kết, tạo dư địa và đưa ra hỗ trợ, phối hợp cùng Việt Nam xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm bền vững.

Ông Alwin Kopse, đại diện Thụy Sĩ cho hay: Chúng tôi rất quan tâm đến đổi mới sáng tạo. Khối tư nhân và các trường đại học đều quan tâm đến vấn đề này ở Việt Nam và đang tìm hiểu cơ hội đầu tư. Qua những gì thu được từ hội nghị này, tôi sẽ chia sẻ để phía Thụy Sĩ tham gia sâu hơn với Việt Nam.

“Chúng tôi đang phối hợp với các đối tác Việt Nam để hỗ trợ cách tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như phát triển hiệu quả ngành hàng lúa gạo. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp để phát triển không chỉ ngành hàng này mà còn tập trung vào ngành hàng trái cây phát triển thích ứng biến đổi khí hậu”, ông Alwin Kopse khẳng định.