18:22 16/08/2022

Tạo cơ chế “hút” vốn phát triển tăng trưởng xanh và bền vững

Vũ Phong

Nhiều giải pháp cụ thể để huy động nguồn lực cho Việt Nam nhằm hỗ trợ Chính phủ thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26 đã được đưa ra...

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Ngày 16/8, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với Nhóm công tác Ngân hàng (BWG) đồng tổ chức hội nghị "Thu hút nguồn lực hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững".

NHU CẦU VỐN PHÁT TRIỂN XANH KHOẢNG 360 TỶ USD

Là một trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, trong thời gian qua, Việt Nam luôn chủ động và tích cực triển khai nhiều hoạt động vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa hướng tới phát triển xanh và bền vững.

Trong bối cảnh này, những cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) với quyết tâm đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050 đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, qua đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo đà thuận lợi để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, ngay sau Hội nghị COP26 với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 đã được thành lập với sự tham gia của nhiều bộ, ngành cùng với các chương trình, nhiệm vụ cụ thể, khẳng định quyết tâm, trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.

Chia sẻ tại hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho rằng cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ này là một thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho Việt Nam thực hiện những cải cách mạnh mẽ, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, tăng dần tỉ trọng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong phát triển kinh tế.

Trong tiến trình này, sự đồng hành, chia sẻ của các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính, các ngân hàng nước ngoài không chỉ ở góc độ tư vấn chính sách, chia sẻ kinh nghiệm đối với cơ quan quản lý Nhà nước, mà còn ở việc hỗ trợ nguồn lực tài chính, vốn trực tiếp cho các chủ đầu tư dự án xanh, phát triển bền vững.

“Với tín hiệu, thông điệp đưa ra trong hội nghị từ các tổ chức quốc tế, các ngân hàng nước ngoài về nguồn lực hỗ trợ/tài trợ, Ngân hàng Nhà nước tin tưởng rằng sẽ có dịch chuyển, thu hút dòng vốn, nguồn lực đầu tư mới chuyển vào Việt Nam trong thời gian tới”, Phó Thống đốc nói.

Còn theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhu cầu vốn để thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững từ nay đến năm 2030 của Việt Nam vào khoảng 360 tỷ USD, trong đó nguồn vốn từ khu vực tư nhân chiếm 50%.

KHƠI THÔNG NGUỒN LỰC QUỐC TẾ

Hiện tại, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có kế hoạch hành động của đơn vị chậm nhất một năm sau khi kế hoạch quốc gia được ban hành.

Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Phạm Thị Thanh Tùng chia sẻ rằng dự kiến trong một năm tới, cơ quan này hoàn thành kế hoạch hành động, hướng tới phân công nhiệm vụ cụ thể.

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý như: Thông tư quản lý rủi ro về môi trường, hiện đã hoàn tất thủ tục soạn thảo và đang xin ý kiến các đơn vị liên quan. Ngân hàng Nhà nước cũng thống nhất với Bộ Tài nguyên và Môi trường các tổ chức tín dụng phải đánh giá rủi ro các dự án tác động tới môi trường khi cấp tín dụng, dự kiến cuối quý 3/2022 hoàn tất.

“Các vụ, cục của Ngân hàng Nhà nước cũng phải rà soát khuôn khổ pháp lý cho hỗ trợ tín dụng xanh, trong đó, có thể sửa thông tư tạo thuận lợi các tổ chức tín dụng trong nước và quốc tế tài trợ nguồn vốn cho các dự án xanh”, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế nhấn mạnh.

Trong khi đó để khơi thông nguồn lực quốc tế, đại diện Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) cho rằng, thực tế các đối tác như IFC rất kỳ vọng là đối tác của các tổ chức tín dụng của Việt Nam tài trợ cho các dự án xanh. Nhưng hiện nay không ít ngân hàng chưa biết làm thế nào để vận hành cơ chế tài chính xanh, đánh giá rủi ro, quy trình thủ tục làm dự án xanh. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra hướng dẫn chi tiết hơn cho các tổ chức tín dụng để triển khai.

Đại diện IFC gợi ý về hình thức "chia sẻ rủi ro với sự bảo lãnh của IFC". Theo đó, IFC sẽ bảo lãnh một phần cho tín dụng của ngân hàng, có thể chịu 50% rủi ro mất vốn hoặc lợi nhuận. Đó là cách tốt giảm bớt nguồn vốn và rủi ro mà hệ thống ngân hàng Việt Nam phải gánh chịu.

"IFC có xếp hạng tín nhiệm AAA, khi hợp tác với IFC thì hệ số rủi ro sẽ thấp hơn, ngân hàng sẽ thuận lợi hơn trong việc phối hợp tài trợ tín dụng xanh. Đây là điều kiện quan trọng thu hút nguồn lực quốc tế, quốc tế hóa cho các dự án xanh ở Việt Nam, IFC có khả năng hỗ trợ toàn bộ thị trường, vấn đề là cần có những cơ chế, sản phẩm đặc thù để phối hợp tài trợ cho các dự án xanh", đại diện IFC nói.