Tạo lực siết chặt liên kết hàng không - du lịch
Các chuyên gia ví von rằng hàng không và du lịch giống như hai cánh của máy bay. Nếu thiếu một trong hai bên thì máy bay không cất cánh được. Tuy nhiên, đến nay, sự phối hợp của hai cánh này vẫn chưa nhịp nhàng, chưa đồng bộ, khiến máy bay vẫn đứng yên. Do đó, rất cần những lực đẩy để tạo sự liên kết chặt chẽ, đồng bộ để cả hai cùng tăng tốc phát triển...
Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, tổng lượng khách quốc tế trong 11 tháng năm 2024 đạt 15.836.661 triệu lượt, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2023. Các thị trường khách quốc tế lớn nhất gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật, Mỹ, Ấn Độ, Malaysia, Campuchia, Úc, Thái Lan.
Đáng chú ý, khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu bằng đường hàng không, với hơn 1,4 triệu lượt khách, tiếp đến là đường bộ với hơn 277.000 lượt và đường biển 32.000 lượt. Như vậy, có thể thấy sự đóng góp và vai trò to lớn của dịch vụ hàng không đối với thúc đẩy du lịch tại Việt Nam thời gian qua.
THÁCH THỨC TỪ SỰ KẾT NỐI LỎNG LẺO
Chia sẻ tại diễn đàn “Dịch vụ logistics hàng không cho phát triển thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam: mở rộng thu hút du lịch khách quốc tế đến và quay trở lại Việt Nam” mới đây, ông Võ Huy Cường, nguyên Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, đã nêu lên những thuận lợi và thách thức năm 2024 trong ngành hàng không.
Theo đó, thị trường vận tải hàng không Việt Nam hiện nay đã phục hồi bằng mức năm 2019 - trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Ước tính sản lượng vận chuyển quốc tế cả năm 2024 đạt hơn 41 triệu khách, tăng khoảng 27% so với năm 2023, tương đương sản lượng năm 2019. Về thị phần khai thác vận chuyển quốc tế, các hãng hàng không Việt Nam vẫn duy trì ổn định trên 42%. Trong đó, Vietnam Airlines chiếm 18% và Vietjet chiếm khoảng 24% thị phần với hệ số sử dụng ghế bình quân đạt gần 80%.
Năm 2024, bốn hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Vietravel Airlines) đã khai thác 98 đường bay quốc tế đến 20 quốc gia, vùng lãnh thổ. 72 hãng hàng không nước ngoài của 30 quốc gia và vùng lãnh thổ khai thác 124 đường bay, trong đó Trung Quốc có số hãng khai thác nhiều nhất với 13 hãng, thứ hai là Hàn Quốc với 10 hãng và thứ ba là Đài Loan và Hồng Kông (Trung Quốc) với 5 hãng.
Yếu tố chính thúc đẩy thị trường vận tải hàng không quốc tế của Việt Nam, theo ông Cường, đó là Việt Nam đã tạo lập được và duy trì vị thế là “một điểm đến an toàn” - 27 năm không có tai nạn tàu bay. Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục áp dụng chính sách miễn thị thực cho nhiều quốc gia.
Việt Nam chủ động trong đàm phán, ký kết các hiệp định hàng không, tăng cường khai thác, phát triển các đường bay, cơ sở hạ tầng hàng không không ngừng được đầu tư nâng cấp; chất lượng phục vụ nâng cao, đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập cảnh quốc tế... tạo thuận lợi cho hành khách trong việc di chuyển bằng đường hàng không.
Dự báo thị trường vận tải hàng không quốc tế đến/đi từ Việt Nam trong năm 2025 tiếp tục tăng trưởng trên 10% so với năm 2024. Với tốc độ tăng trưởng trung bình dự báo khoảng 5-6%/năm, thị trường hàng không Việt Nam hứa hẹn sẽ đón khoảng 150 triệu khách vào năm 2035 và 200 triệu khách vào năm 2040, tăng lần lượt 1,9 lần và gần 2,5 lần so với năm 2019. Đây là thời điểm cất cánh cho ngành du lịch Việt Nam.
Song theo ông Cường, thách thức với ngành hàng không trong nước hiện nay là tình hình địa chính trị thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Các biện pháp cấm vận kinh tế, đóng cửa không phận tiếp tục tác động tiêu cực tới hoạt động vận tải hàng không liên lục địa. Việc phải bay vòng tránh không phận Nga, không phận các vùng có xung đột vũ trang sẽ làm gia tăng đáng kể chi phí nhiên liệu và bảo dưỡng cho việc kết nối giữa Việt Nam với châu Âu và Bắc Mỹ.
Bên cạnh đó, việc đứt gãy các chuỗi cung ứng về nguyên liệu làm giảm đáng kể năng lực cung cấp các tàu bay thế hệ mới an toàn, tiết kiệm nhiên liệu thay thế đội tàu bay cũ lần lượt phải đưa ra khỏi khai thác do yêu cầu về bảo vệ môi trường, hiệu quả khai thác.
Ngoài ra, chi phí khai thác các chuyến bay chắc chắn sẽ tăng cao do yêu cầu thực hiện nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) để giảm phát khí thải. Hiện tại giá nhiên liệu SAF đang cao hơn nhiên liệu hàng không từ đến 2 lần là thách thức không nhỏ đối với các vận chuyển hàng không nội địa và quốc tế. Do đó, giá vé máy bay khó có điều kiện giảm.
Tại Diễn đàn, nhiều đại biểu ngành hàng không và du lịch đều nhận định các hợp tác giữa hàng không và du lịch được thực hiện trong thời gian qua nhưng còn hạn chế ở quy mô nhỏ, mang tính sự vụ. Sự hợp tác chưa có cơ chế phối hợp, quy mô quốc gia và cơ quan điều phối chung.
Công tác xúc tiến du lịch tại các thị trường trong và ngoài nước cũng chưa hiệu quả do quy mô nhỏ, chưa có chiến lược, mục tiêu cụ thể, dài hạn, nhiều khi mang tính tự phát, thời vụ của các đơn vị hàng không, du lịch. Hơn nữa, giá vé máy bay nội địa tăng cao đã gây tác động bất lợi cho ngành hàng không, du lịch, các ngành kinh tế và sinh kế của người dân địa phương. Đặc biệt, hiện nay kết nối hàng không và du lịch chưa rõ nét là thách thức cho phát triển thị trường hàng không. Trong khi đó hơn 80% du khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không, điều đó cho thấy vai trò to lớn của hàng không trong việc thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Ông Vũ Quốc Trí, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 nhấn mạnh phát triển du lịch bền vững và bao trùm trên nền tảng tăng trưởng xanh. Trước mắt mục tiêu năm 2025 du lịch Việt Nam phấn đấu đón từ 25-28 triệu lượt khách quốc tế, 130 triệu lượt khách nội địa, đóng góp trực tiếp 8-9% trong GDP.
XÂY DỰNG CHIẾN DỊCH QUẢNG BÁ CHUNG
Để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đòi hỏi vai trò lớn của cơ quan quản lý nhà nước. Cần thiết kế hạ tầng xanh hướng tới sự thịnh vượng và bền vững dựa trên các tiêu chí của chứng chỉ LEED, xây dựng các công trình với việc sử dụng các vật liệu phát xạ thấp, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường sống, công trình xanh, hạ tầng xanh.
Đồng tình, ông Phạm Duy Nghĩa, CEO Vietfoot Travel, cho rằng tiêu chí để thu hút khách quốc tế đến và quay lại Việt Nam nhiều lần chính là du lịch bền vững. Thụy Sĩ là một trong những nước phát triển rất tốt về du lịch bởi họ đã đưa ra tiêu chí rất rõ ràng về du lịch bền vững. Họ đưa khẩu hiệu là Super... và họ đã truyền thông khắp toàn cầu về khẩu hiệu này. Việt Nam nên chọn slogan nhấn đúng vào thế mạnh du lịch Việt Nam, đó là an toàn và bền vững. Đây là slogan hội tụ nhiều ý nghĩa mà lại dễ hiểu.
Bên cạnh đó, ông Nghĩa cũng đề cập đến những tác động từ dịch vụ logistics trong nước. Cụ thể, trước dịch Covid-19, Việt Nam có 3 hãng hàng không rất phát triển và đẩy mạnh các chuyến bay tới các điểm đến trong nước và nước ngoài. Đến thời điểm hiện tại chỉ có hai hãng là Vietnam Airlines và Vietjet Air là chính, trong khi các hãng hàng không nước ngoài đến Việt Nam lại tăng chuyến nhiều hơn tại các điểm như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Còn hai hãng hàng không trong nước lại giảm số lượng chuyến bay tại các điểm đến, trong khi các hãng hàng không chính là vấn đề quan trọng cấu thành làm nên một giá tour. Đây chính là nguyên nhân cũng là vấn đề lớn mà các doanh nghiệp lữ hành đang vướng phải.
Một nguyên nhân khác, bởi giá vé máy bay quá cao so với khu vực, khiến cho lượng khách ở thị trường châu Âu, châu Á, Trung Đông đều khó đặt tour đến với Việt Nam. “Nếu như chúng ta có thể đa dạng được đường bay, giá thành giảm hơn so với thời điểm hiện tại, thì chi phí cho một chương trình tour sẽ giảm và lúc đó mới thu hút được khách quốc tế”, ông Nghĩa đề xuất.
Theo kiến nghị của ông Cường, cần phải giữ vững môi trường du lịch an toàn, du lịch phát triển bền vững theo hướng bảo vệ cảnh quan, môi trường, văn hóa. Cùng với đó, loại hình du lịch đa dạng sử dụng các phương thức vận tải khác nhau nên cần có sự thay đổi phù hợp. Tương tự ngành hàng không, du lịch cũng cần quan tâm tới nguồn nhân lực đồng đều giữa các vùng, địa phương.
Đề xuất việc hợp tác giữa hàng không và du lịch, ông Nguyễn Ngọc Bích, Chủ tịch HĐQT Rustic Hospitality Group, cho rằng cần xây dựng chiến dịch quảng bá chung, tạo các gói khuyến mại, xây dựng câu chuyện cho sản phẩm du lịch bền vững, nâng cao hệ sinh thái du lịch.