Tạp chí Kinh tế Việt Nam và hành trình 30 năm phụng sự Tổ quốc, đồng hành cùng doanh nghiệp
Khởi đầu với chỉ 3 nhân sự cùng cơ sở vật chất nghèo nàn, nhưng bằng nghị lực phi thường cũng như tầm nhìn dài hạn, những nhà báo gạo cội đã tạo nên một ấn phẩm chất lượng, uy tín và nổi bật nhất trong làng báo kinh tế tại Việt Nam...
Thập kỷ 90, nền kinh tế non trẻ của Việt Nam đứng trước những thử thách chưa từng có. Dư chấn của chiến tranh, hệ lụy của nền kinh tế bao cấp khiến lạm phát tăng phi mã lên gần 800% vào năm 1986, hai năm sau lạm phát vẫn neo ở mức 3 con số. Tỷ lệ thất nghiệp gần chạm mốc 13%.
Thời báo Kinh tế Việt Nam ra đời trong bối cảnh đầy khó khăn đó. Tại căn nhà số 8 Lý Thường Kiệt, tờ Thông tin Kinh tế - tiền thân của Thời báo Kinh tế Việt Nam bắt đầu phát hành những số báo đầu tiên.
Khởi đầu với chỉ 3 nhân sự cùng cơ sở vật chất nghèo nàn, nhưng bằng nghị lực phi thường cũng như tầm nhìn dài hạn, những nhà báo gạo cội đã tạo nên một ấn phẩm chất lượng, uy tín và nổi bật nhất trong làng báo kinh tế tại Việt Nam.
Những đóng góp tích cực của Thời báo Kinh tế Việt Nam trên lĩnh vực thông tin tuyên truyền kinh tế, thu hút đầu tư đầu tư trong và ngoài nước, góp ý phản biện, xây dựng chính sách… đã góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam trong những thập kỷ vừa qua.
Giáo sư Đào Nguyên Cát – Nguyên Tổng biên Tập Thời báo Kinh tế Việt Nam kể lại, từ khi tờ báo thành lập, thì có thể nói rằng chính tôi cũng ngỡ ngàng, cũng không thể hiểu nổi bằng cách nào, chúng mình có thể làm được tờ báo mà nó có giá trị đến như vậy. Chúng tôi làm với đầy sự nhiệt huyết, và chính cái đó nó làm chúng tôi gắn bó với nhau và có thể làm cho tờ báo được thành công với những trí tuệ tốt đẹp như vậy.
Trên hành trình 30 năm phát triển, trưởng thành, Thời báo Kinh tế Việt Nam và sau này là Tạp chí Kinh tế Việt Nam đã trải qua những khúc cua ngặt nghèo nhất.
Nhưng dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, Tạp chí Kinh tế Việt Nam VnEconomy vẫn nỗ lực phụng sự độc giả, sát cánh cùng doanh nghiệp đồng thời tham gia tích cực, hiệu quả vào việc tuyên truyền các chính sách kinh tế của Đảng, Nhà nước.
Năm 1993, Thời báo Kinh tế Việt Nam cũng là đơn vị báo chí đầu tiên chính thức ký kết hợp tác với Tập đoàn báo chí Ringier Thụy Sĩ. Việc hợp tác đã mở ra giai đoạn mới, hướng đi mới đặc biệt quan trọng với Thời báo Kinh tế Việt Nam.
Sau khi bắt tay với Tập đoàn Ringier, Thời báo Kinh tế Việt Nam đã liên tục cho ra đời những ấn phẩm mới và đều được đánh giá rất cao về chất lượng nội dung cũng như cách thức thể hiện. Năm 1994 - Vietnam Economic Times – phiên bản tiếng Anh của Thời báo Kinh tế VN được xuất bản. Năm 1996, ấn phẩm The Guide và Tư vấn Tiêu & Dùng được ra mắt bạn đọc.
Tháng 7/1998, thời điểm Việt Nam vừa chính thức hòa mạng internet, du nhập những khái niệm mới như website, email, ứng dụng công nghệ trong kin doanh, đúng thời điểm chập chững đó, VnEconomy – phiên bản báo điện tử của Thời báo Kinh tế Việt Nam ra mắt và ngày càng định vai trò tiên phong, dẫn đầu trong lĩnh vực báo điện tử về kinh tế.
Tiến sỹ Chử Văn Lâm - Tổng biên Tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam khẳng định: "Trong suốt hơn 30 năm qua Thời báo Kinh tế Việt Nam đã rất thành công với sản phẩm báo in, ra hàng ngày. Nhưng ở giai đoạn hiện tại khi việc chuyển đổi số đang diễn ra nhanh, mạnh thì VnEconomy cũng có nhu cầu chuyển đổi để bắt kịp xu hướng của thời đại. Định hướng của chúng tôi là xây dựng VnEcnonomy trở thành hub công nghệ và tờ báo sẽ trở thành báo chí dữ liệu, báo chí sự kiện. Bất kỳ ai quan tâm tới kinh tế Việt Nam, thế giới sẽ tìm đọc VnEconomy."
Năm 2006 Thời báo Kinh tế Việt Nam chính thức chuyển sang một giai đoạn mới. Ngày 3/11/2006, Thời báo Kinh tế Việt Nam chính thức chuyển từ báo tuần sang báo ngày, phát hành hàng ngày, từ thứ Hai đến thứ 7 hàng tuần.
Kể từ thời điểm ra mắt bạn đọc tới nay, Thời báo Kinh tế Việt Nam – VnEconomy - Vietnam Economic Times đã xuất bản hàng triệu tin tức, hàng vạn bài báo với những phân tích chuyên sâu, hữu ích giúp bạn đọc trong và ngoài nước cập nhật chính xác và có cái nhìn toàn cảnh, sâu sắc về kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh đó, còn có rất nhiều các diễn đàn lớn về kinh tế, đầu tư, tài chính, ngân hàng đã được Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy tổ chức trong suốt nhiều năm qua. Đây là nguồn thông tin quan trọng, giúp ích cho việc các cơ quan chức năng bộ ngành phân tích, xây dựng các chính sách kinh tế phù hợp trong từng giai đoạn.
Ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, chia sẻ: "Trong nhiều năm qua, Bộ Ngoại giao đã có quan hệ chặt chẽ và đồng hành rất là sát với Thời báo Kinh tế Việt Nam qua rất nhiều hoạt động, sự kiện quan trọng của đất nước. Từ hội nghị đa phương quan trọng của Apec đến các sự kiện kinh tế như Vietnam Connect, hoặc hàng năm có Hội nghị thường niên Kịch bản kinh tế. Chúng tôi nhận thấy, Thời báo Kinh tế Việt Nam đóng vai trò hết sức quan trọng. Và có thể khẳng định, Thời báo Kinh tế Việt Nam là một tờ báo có sức ảnh hưởng, hiệu quả cao và ngày càng có sức hút trong việc thông tin tới bạn đọc và cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và cộng đồng đầu tư trên thế giới về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam".
Ngoài việc đưa tin, bài trên các ấn phẩm, Thời báo Kinh tế Việt Nam nay là Tạp chí Kinh tế Việt Nam còn trực tiếp tổ chức nhiều sự kiện thường niên như: Chương trình Vinh danh các doanh nghiệp FDI – Giải thưởng Rồng Vàng, vinh danh doanh nghiệp Việt với chương trình Thương hiệu mạnh, Chương trình Tin & Dùng; Diễn đàn Kinh tế Việt Nam…
Ngày 17/1/2020, Thời báo Kinh tế Việt Nam dừng hoạt động xuất bản báo để tiến hành sắp xếp, thực hiện quy hoạch báo chí.
Ngày 26-6-2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp Giấy phép số 272/GP-BTTTT cho Tạp chí Kinh tế Việt Nam, đồng thời ban hành Quyết định số 1072/QĐ-BTTTT thu hồi giấy phép hoạt động của Thời báo Kinh tế Việt Nam (in và điện tử) do thực hiện quy hoạch báo chí.
Từ năm 2020 đến nay, Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức lại tòa soạn theo hướng hợp nhất các bộ phận chức năng. Hội đồng biên tập và Hội đồng thư ký tòa soạn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng biên tập.
Các bộ phân phóng viên cũng được hợp nhất tạo thành nguồn lực chung sản xuất nội dung cho tất cả các sản phẩm báo chí. Tạp chí cũng thực hiện cấu trúc lại nguồn nhân lực sản xuất nội dung thành các ban chuyên môn, đồng thời mở rộng các Ban chức năng mới.
Với tiêu chí: “Chân thực - Tích cực - Hữu ích” VnEconomy đã trở thành người bạn, người đồng hành để sát cánh, chia sẻ khó khăn, phản ánh chân thực và kịp thời những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp.
Qua ba thập kỷ xây dựng, phát triển, Thời báo Kinh tế Việt Nam nay là Tạp chí Kinh tế Việt Nam luôn tự hào vì những đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới phát triển kinh tế đất nước.
Bước vào thời kỳ 4.0, bùng nổ mạng xã hội, Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy vẫn kiên định với sứ mệnh của mình, đó là luôn nỗ lực không ngừng, đổi mới, sáng tạo, đem tới những thông tin trung thực, hữu ích để phụng sự độc giả và sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp.