07:00 13/07/2022

Tập trung tháo gỡ khó khăn nhằm thực hiện hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022.

Ngô Anh Văn

Kinh tế-xã hội của Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2022 có nhiều khởi sắc; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,23% so với cùng kỳ năm 2021; đặc biệt, một số ngành, lĩnh vực có mức tăng trưởng bứt phá...

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng phát biểu tại kỳ họp thứ 7, HĐND TP khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng phát biểu tại kỳ họp thứ 7, HĐND TP khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026

Sáng ngày 12/7, kỳ họp thứ 7, HĐND TP. Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã chính thức khai mạc; và dự kiến sẽ bế mạc ngày 14/7/2022.

CÁC LĨNH VỰC PHỤC HỒI KHÔNG ĐỀU

Theo báo cáo do ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố trình bày, tình hình kinh tế-xã hội của thành phố trong 6 tháng đầu năm 2022 có nhiều khởi sắc; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,23% so với cùng kỳ năm 2021.

Đặc biệt, một số ngành, lĩnh vực có mức tăng trưởng bứt phá, trong đó các lĩnh vực dịch vụ, ăn uống và Thông tin và Truyền thông có mức tăng trưởng cao, đóng góp lớn cho tăng trưởng chung của thành phố.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022 doanh thu dịch vụ lưu trú và ăng uống đạt 8.329 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2021, đóng góp 10,52% trong mức tăng trưởng GRDP chung của thành phố. Hoạt động du lịch được phục hồi nhanh chóng, kéo theo sức lan tỏa đến hầu hết các ngành dịch vụ mua sắm, tiêu dùng khác.

Tổng lượng khách ước đạt 1,3 triệu lượt, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm 2021; doanh thu toàn ngành Thông tin và Truyền thông ước đạt 7.584 tỷ đồng, tăng 9,4%, so với cùng kỳ năm 2021.

Ngoài ra, Đà Nẵng đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 17 dự án trong nước với tổng vốn hơn 5.800 tỉ đồng, cấp mới 21 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 67 triệu USD.

Tuy nhiên theo ông Minh, mặc dù kinh tế của Đà Nẵng 6 tháng qua đã và đang phục hồi nhanh, nhưng tăng trưởng kinh tế ở các lĩnh vực không đều, khu vực công nghiệp và xây dựng có mức độ phục hồi khá chậm, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp do các khó khăn về quy trình, thủ tục và bất cập trong giải phóng mặt bằng; tình trạng mất cân đối về cơ cấu cung-cầu lao động vẫn chưa được khắc phục…

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND thành phố, cho rằng dù đạt nhiều kết quả khả quan, nhưng thành phố vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Đó là nguồn lực đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn; công tác giải tỏa đền bù, triển khai các dự án, công trình trọng điểm còn chậm; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt như mong muốn.

Ngoài ra, nhiều chính sách được ban hành nhưng còn chậm triển khai... Những vấn đề này đã ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu phát triển của Đà Nẵng theo Nghị quyết HĐND thành phố giao từ đầu năm 2022.

"Tại kỳ họp này, HĐND thành phố  sẽ xem xét cho ý kiến 145 tài liệu với nhiều nội dung quan trọng, trong đó dự kiến thông qua 40 tờ trình, nghị quyết trên các lĩnh vực", ông Triết cho biết thêm.

TẬP TRUNG NGUỒN LỰC CHO TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

Phát biểu tại kỳ họp, ông Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, chỉ đạo và lưu ý các ngành chức năng của thành phố: "Trong điều chỉnh, bổ sung danh mục, nguồn vốn bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cần xem xét, lựa chọn những công trình, dự án thật sự cần thiết, cấp bách, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải để bảo đảm nguồn lực khi triển khai thực hiện, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của thành phố".

Toàn cảnh kỳkỳ họp thứ 7, HĐND TP. Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.
Toàn cảnh kỳkỳ họp thứ 7, HĐND TP. Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh, kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố diễn ra vào thời điểm thành phố đang quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội sau thời gian dài chịu ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19.

Thành phố vừa tổ chức thành công Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022 với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ và hơn 600 nhà đầu tư đến từ trong và ngoài nước. Đà Nẵng vừa được Tạp chí du lịch hàng đầu thế giới đánh giá xếp thứ 3 trong 10 thành phố tốt nhất Đông Nam Á 2022.

Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2022, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có 2 phiên làm việc trực tuyến và trực tiếp với thành phố. Ngoài việc đánh giá tốt và ghi nhận về kết quả công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của Đà Nẵng, Thủ tướng cũng đã có những chỉ đạo quan trọng về xây dựng chủ trương, cơ chế, chính sách cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố thời gian đến.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cũng thẳng thắn nhận định, tình hình kinh tế phục hồi nhưng chưa đồng đều trên nhiều lĩnh vực, một số công trình, dự án trọng điểm chưa bảo đảm tiến độ, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; xuất hiện tư tưởng chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch, nhất là tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi nhắc lại chưa đạt kế hoạch, việc thực hiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị gặp nhiều thách thức.

Vì vậy, theo ông Quảng, tại kỳ họp này HĐND thành phố cần tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá thực chất, toàn diện về tình hình, những kết quả đạt được; thẳng thắn chỉ ra hạn chế, khó khăn trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và nguyên nhân khách quan, chủ quan, để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, có những giải pháp quyết liệt và cụ thể hơn nhằm hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022.

Cùng với đó, thành phố cần bám sát chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là các kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022 và tại các buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng để nghiên cứu, cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thu hút các nguồn lực đầu tư, tạo động lực phát triển thành phố.

Ông Quảng yêu cầu HĐND thành phố cùng với UBND thành phố, các cấp, các ngành cần tập trung rà soát, nghiên cứu giải pháp để khắc phục khó khăn, vướng mắc nhằm phát huy vai trò, tính ưu việc của mô hình chính quyền đô thị; nhất là vấn đề quận, phường không còn cấp ngân sách nên không chủ động trong giải quyết các vấn đề phát sinh ở cơ sở, gây ra bức xúc trong nhân dân; tạo cơ chế để UBND thành phố phân cấp, ủy quyền cho UBND quận những nội dung phù hợp với chính quyền đô thị.

Theo ông Quảng, việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng bước đầu đạt một số kết quả tích cực, nhưng cũng có một số khó khăn vướng mắc. Ông Quảng đề nghị các đại biểu HĐND thành phố đóng góp ý kiến để khắc phục hạn chế, phát huy những điểm ưu việt của mô hình này.