Doanh nghiệp nhà nước và quỹ chính phủ "chắp cánh" cho ngành công nghệ Trung Quốc
Lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc đang phụ thuộc rất nhiều vào vốn từ các doanh nghiệp nhà nước (SOE) và các quỹ do Chính phủ nước này hậu thuẫn…
Đây là thông tin được Fang Fenglei, nhà sáng lập và Chủ tịch của công ty cổ phần tư nhân Trung Quốc Hopu Investment Management đưa ra tại sự kiện Diễn đàn vốn tư nhân Trung Quốc AVCJ của Mergermarket vừa diễn ra tại Bắc Kinh.
Ông Fang Fenglei là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng trong ngành công nghệ và ngân hàng tại Trung Quốc. Trước đây, ông từng giữ chức Phó Giám đốc điều hành tại China International Capital Corp, Giám đốc điều hành tại BOC International Holdings và Giám đốc điều hành tại ICEA Finance Holdings. Ông cũng từng làm việc tại Bộ Thương mại Trung Quốc.
DOANH NGHIỆP VÀ QUỸ CỦA CHÍNH PHỦ TRUNG QUỐC GIA TĂNG ẢNH HƯỞNG
Ông Fang Fenglei cho biết khoảng 80% các khoản đầu tư vào lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc năm ngoái đến từ các quỹ do chính phủ và SOE hậu thuẫn. Theo ông, điều này đang đi ngược lại quy định của Luật Doanh nghiệp Đối tác Trung Quốc, được ban hành vào năm 2007. Luật này cấm các doanh nghiệp nhà nước trở thành đối tác chung của các doanh nghiệp tư nhân. Các doanh nghiệp Trung Quốc đã “lách luật” hạn chế bằng cách đầu tư thông qua các công ty con.
Ghi nhận dữ liệu từ công ty nghiên cứu Zero2IPO, nhiều địa phương tại Trung Quốc đã tích cực thành lập các quỹ, với tổng số quỹ là 2.086 quỹ vào cuối năm 2023. Các quỹ này đặt mục tiêu huy động được tổng cộng 12,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,7 nghìn tỷ USD), tăng từ 7,13 nghìn tỷ nhân dân tệ vốn cam kết tính đến năm 2023.
Theo ông Fang Fenglei, các quỹ do nhà nước hậu thuẫn, thường có xu hướng tránh rủi ro và ưu tiên đầu tư vào một số khu vực ổn định, khác biệt rất nhiều so với bản chất của thị trường vốn đầu tư mạo hiểm (VC), vốn chấp nhận rủi ro cao và lợi nhuận. Vì vậy, điều này có thể “gây mâu thuẫn” cho thị trường công nghệ.
TRUNG QUỐC ĐANG MỞ CỬA CHO CÁC QUỸ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Tháng 6 năm nay, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp mới để thu hút các nhà đầu tư VC - bao gồm cả các quỹ có trụ sở ở nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ của đất nước. Chính phủ Trung Quốc cũng cho biết việc quản lý ngoại hối sẽ được "tối ưu hóa" hơn nữa, giúp các VC và các tổ chức kinh doanh khác dễ dàng xử lý các giao dịch hơn.
Ông Fang Fenglei dự đoán các quỹ quốc tế sẽ một lần nữa đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc với thị phần ước tính khoảng 30%. Theo tờ Tờ South China Morning Post (SCMP), Trung Quốc có vẻ đang mở ra môi trường chào đón các quỹ nước ngoài.
Tuy nhiên, Eddie Chen, Giám đốc điều hành của Fullerton Fund Management thuộc sở hữu của Temasek Holdings, cho biết mọi thứ vẫn chưa chắc chắn. Tuy nhiên, ông cho rằng có những cơ hội trong các lĩnh vực công nghệ sạch và nền kinh tế xanh "ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố địa chính trị" sẽ là thị trường tiềm năng của các quỹ nước ngoài tại Trung Quốc vì cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là sự đồng thuận giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới.
Tổng đầu tư VC vào Trung Quốc đã giảm 30% theo quý xuống còn 11,5 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm nay, mức thấp nhất kể từ quý đầu tiên của năm 2020, theo dữ liệu từ công ty tư vấn KPMG.