Dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên: Kiểm điểm cá nhân và tập thể sai phạm
UBND Tp.HCM đã chỉ đạo UBND quận 1 tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan qua từng giai đoạn của dự án này
Sau khi Kiểm toán Nhà nước chỉ ra một số sai phạm trong quá trình triển khai dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, UBND Tp.HCM đã chỉ đạo UBND quận 1 tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan qua từng giai đoạn của dự án này.
Ngày 20/8 vừa qua, UBND quận 1 có văn bản báo cáo Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Thành Phong về kết quả tổ chức kiểm điểm tập thể, cá nhân sai phạm trong vụ việc liên quan đến quá trình triển khai dự án tuyến metro số 1.
Buổi họp kiểm điểm trước đó vào ngày 13/8 do ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND quận 1 chủ trì đã cho rằng, hai tập thể liên quan đến những tồn tại, thiếu sót là Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1 và Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích quận 1.
Trưởng và Phó ban bồi thường giải phóng mặt bằng là Lê Quốc Cường và Trần Quang Cường, là hai cán bộ chủ chốt liên quan đến các sai phạm này được kiểm điểm. Các cá nhân còn lại gồm các lãnh đạo và cán bộ phòng ban trực thuộc Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1.
Ngày 22/5/2019, Sở Nội vụ Tp.HCM đã có công văn yêu cầu UBND quận 1 thực hiện kiểm điểm cá nhân, tổ chức sai phạm theo Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước trước ngày 10/6, nhưng đến nay, UBND quận 1 mới thực hiện xong. Lý giải cho sự chậm trễ này, theo Chủ tịch UBND quận 1 là do cán bộ tiếp nhận văn bản đã xử lý có thiếu sót.
Báo cáo kết luận thanh tra của Kiểm toán Nhà nước tháng 12/2018 đã chỉ rõ, việc UBND Tp.HCM phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư chưa đúng giá trị, chưa tuân thủ trình tự thủ tục, chưa đúng thẩm quyền.
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Tp.HCM phải thu hồi, nộp lại ngân sách trên 2 tỷ đồng tại 3 hạng mục. Số tiền này liên quan hạng mục di dời, lắp dựng tượng Trần Nguyên Hãn, tượng bán thân Quách Thị Trang (phía trước cổng Cửa Đông chợ Bến Thành), hạng mục phá dỡ công trình tại số 39 Lê Lợi, việc nộp quỹ 156...
Cụ thể, đối với hạng mục di dời, lắp dựng tượng Trần Nguyên Hãn, tượng bán thân Quách Thị Trang, Tp.HCM cần nộp lại ngân sách hơn 350 triệu đồng; đối với hạng mục phá dỡ công trình tại địa chỉ số 39 Lê Lợi, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu nộp lại 46 triệu đồng. Kiểm toán Nhà nước yêu cầu thành phố nộp lại ngân sách hơn 1,6 tỷ đồng đối với việc nộp tiền vào quỹ hỗ trợ người dân có đất bị thu hồi ổn định cuộc sống.
Trên cơ sở đó, UBND Tp.HCM yêu cầu Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1 phải thu hồi nộp ngân sách hơn 2 tỷ đồng và xử lý các vụ việc khác hơn 22,2 tỷ đồng; đồng thời tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân do tồn tại trong việc lập, thẩm định và phê duyệt các phương án bồi thường, hỗ trợ; công tác quản lý và sử dụng vốn...
Đối với số tiền hơn 22,2 tỷ đồng, Kiểm toán Nhà nước xác định Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1 chi tiền bồi thường liên quan đến 6 hạng mục, trong đó một số trường hợp chênh lệch do tính sai vị trí, diện tích, đơn giá, khối lượng,... Các hạng mục này, Chủ tịch UBND quận 1 đã giao Trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1 rà soát các hồ sơ liên quan, có báo cáo cụ thể, bảo đảm tính pháp lý trước ngày 19/8.
Trước đó, cuối tháng 12/2018, Kiểm toán Nhà nước đã có báo cáo kết luận thanh tra chỉ ra một số sai phạm của UBND Tp.HCM và của ông Hoàng Như Cương, Phó trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị Tp.HCM, trong quá trình thực hiện dự án này.
Báo cáo kiểm toán cho biết, dự án điều chỉnh có tổng mức đầu tư 47.325 tỷ đồng. Theo quy định tại Luật Đầu tư công 2014, dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên thuộc dự án trọng điểm quốc gia, phải trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư và Thủ tướng Chính phủ ra quyết định đầu tư. Song song, khi kéo dài thời gian thực hiện dự án từ một năm trở lên, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Tuy nhiên, UBND Tp.HCM phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ hoàn thành vào năm 2017 sang hoàn thành vào năm 2019 là không tuân thủ trình tự và thẩm quyền. Kiểm toán Nhà nước cũng nhấn mạnh, quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án khi chưa có báo cáo đánh giá hiệu quả đầu tư và chưa rõ ràng về nguồn vốn.
Thực tế, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), đơn vị cho vay vốn, mới chỉ xác nhận sẽ tính đến việc bổ sung vốn, chưa xác nhận về cho vay. Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra một loạt nguyên nhân khiến dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đội vốn...
Dự án tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 Bến Thành – Suối Tiên, được khởi công tháng 8/2012, có tổng chiều dài gần 20 km đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức, Tp.HCM và huyện Dĩ An tỉnh Bình Dương.
Sau khi hoàn thành, tuyến metro số 1 này được kỳ vọng góp phần làm giảm tình trạng kẹt xe ở cửa ngõ phía đông của thành phố; đồng thời góp phần thúc đẩy thành phố phát triển bền vững và là đô thị hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Từng được dự kiến đưa vào khai thác vào cuối 2017, song do vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cũng như thiếu kinh nghiệm về metro nên dự án bị kéo dài và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối 2020 và khánh thành, đưa vào khai thác đầu 2021.