5 nhóm sản phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ có nguy cơ bị áp biện pháp phòng vệ thương mại
5 nhóm gồm 15 sản phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ; 2 sản phẩm xuất sang Mexico và 1 sản phẩm xuất khẩu sang Úc được cảnh báo nằm trong diện nguy cơ bị áp các biện pháp phòng vệ thương mại...
Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) vừa công bố danh sách các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Theo đó, có 5 nhóm gồm: 15 sản phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ, 1 sản phẩm xuất sang EU cũng có nguy cơ bị điều tra tại EU; 2 sản phẩm xuất sang Mexico và 1 sản phẩm xuất khẩu sang Úc.
Nhóm đầu tiên xuất khẩu sang Hoa Kỳ là 5 sản phẩm gỗ. Gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, các mã HS tham khảo: 4412.31, 4412.32, 4412.33, 4412.34, 4412.94, 4412.99. Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 7 năm 2019. Hoa Kỳ đã chính thức áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 11 năm 2017.
Tháng 6 năm 2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam. Tháng 7 năm 2023, DOC đã ban hành kết luận cuối cùng của vụ việc.
Theo kết luận này, sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc bị coi là lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng với gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc.
Sản phẩm tủ bếp và tủ nhà tắm, các mã HS tham khảo: 9403.40, 9403.60, 9403.90 bắt đầu được cảnh báo từ tháng 4 năm 2020. Căn cứ đề nghị của các doanh nghiệp sản xuất tủ bếp và tủ nhà tắm Hoa Kỳ, tháng 5 và tháng 6 năm 2022, DOC đã khởi xướng điều tra xem xét tủ bếp và tủ nhà tắm nhập khẩu từ Việt Nam và Malaysia vào Hoa Kỳ sử dụng các bộ phận nhập khẩu từ Trung Quốc có thuộc phạm vi của biện pháp phòng vệ thương mại và có lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại mà Hoa Kỳ đang áp dụng với Trung Quốc hay không.
Đồ nội thất phòng ngủ với các mã HS tham khảo: 9403.50.9041, 9403.50.9042, 9403.50.9045, 9403.50.9080, 9403.90.7005, 9403.90.7080. Sản phẩm này đang tỷ trọng lớn trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ, vì vậy tồn tại khả năng Hoa Kỳ khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại hoặc lẩn tránh thuế đối với mặt hàng đồ nội thất phòng ngủ nhập khẩu từ Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý tránh sử dụng các cấu phần chính được sản xuất tại Trung Quốc để gia công, lắp ráp sản phẩm và xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Ghế sofa có khung gỗ vỡi mã HS tham khảo 9401.61. Sản phẩm này đang tỷ trọng lớn trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ, vì vậy tồn tại khả năng Hoa Kỳ khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại hoặc lẩn tránh thuế đối với mặt hàng ghế sofa nhập khẩu từ Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý tránh sử dụng các cấu phần chính được sản xuất tại Trung Quốc để gia công, lắp ráp sản phẩm và xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Gỗ thanh và viền dải gỗ được tạo dáng liên tục, mã HS tham khảo: 4409.10, 4409.22, 4409.29. Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 8 năm 2021. Hoa Kỳ đã áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với mặt hàng tương tự của Trung Quốc từ tháng 12 năm 2020 với mức thuế suất tương đối cao (thuế chống bán phá giá thấp nhất là 33,87%, thuế chống trợ cấp thấp nhất là 20,56%).
Tỷ trọng của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ đang có xu hướng tăng lên. Các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần lưu ý tránh sử dụng các nguyên liệu chính nhập khẩu từ Trung Quốc để sản xuất sản phẩm này.
Nhóm thứ hai là sản phẩm vật liệu xây dựng xuất khẩu sang Hoa Kỳ, gồm đá nhân tạo bằng thạch anh và gạch men. Hoa Kỳ chính thức áp thuế đối với sản phẩm đá nhân tạo bằng thạch anh của Trung Quốc từ tháng 5 năm 2019 với mức thuế chống bán phá giá từ 265,81% đến 336,69%, mức thuế chống trợ cấp từ 45,32% đến 190,99%.
Hoa Kỳ cũng đã áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm tương tự của Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Có khả năng trong tương lai Hoa Kỳ sẽ tiếp tục điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp hoặc điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đá nhân tạo của Việt Nam.
Thị phần gạch men của Việt Nam có xu hướng tăng nhưng tỷ trọng kim ngạch của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ còn nhỏ, mới chỉ chiếm 2,3%.
Dự báo xuất khẩu gạch men của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng nhanh trong giai đoạn tới trong bối cảnh xuất khẩu gạch men của Trung Quốc sang Hoa Kỳ giảm mạnh vì bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp. Các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần lưu ý tránh sử dụng các nguyên liệu chính nhập khẩu từ Trung Quốc để sản xuất sản phẩm này.
Nhóm thứ ba là một số sản phẩm thép xuất khẩu sang Hoa Kỳ, gồm thép các-bon chống ăn mòn (các mã HS: 7210.30, 7210.41, 7210.49, 7210.61, 7210.69, 7210.70, 7210.90, 7212.30, 7212.40, 7212.50, 7212.60); ống thép hộp, ống thép tròn (mã HS 7306.30, 7306.50, 7306.19, 7306.61) và cáp thép dự ứng lực (mã HS 7312.10).
Nhóm thứ tư gồm một số sản phẩm nhôm xuất khẩu sang Hoa Kỳ: dây và cáp nhôm (mã HS 8544.49); nhôm thanh định hình (các mã HS 7604.10, 7604.21, 7604.29, 7608.10, 7608.20, 7610.10, 7610.90).
Nhóm thứ 5, một số sản phẩm công nghiệp chế tạo khác, gồm pin năng lượng mặt trời (mã HS 8501.61.0010, 8507.20.80, 8541.40.6015, 8541.40.6025 và 8501.31.8010), xe đạp điện (mã HS 8711.60), máy giặt dân dụng cỡ lớn (mã HS 8450.20), lốp xe tải và xe khách (mã HS 4011.20).
Ngoài ra, sản phẩm xe đạp điện (mã HS 8711.60) xuất khẩu EU cũng có nguy cơ bị điều tra. Thép hình cán nóng (mã HS 7216.31, 7216.32, 7216.33, 7216.40, 7216.50, 7228.70) xuất khẩu sang Úc; thép cán nóng (mã HS 7208.36, 7208.37, 7208.38, 7208.39) và thép dự ứng lực (mã HS 7312.10) cũng được Cục Phòng vệ Thương mại đưa ra cảnh báo sớm.