"Đế chế” của tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani đang lung lay tới mức nào?
Theo Nikkei Asia, cho tới hơn một tuần trước, tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani vẫn được biết đến với hình ảnh một “ông trùm” kinh doanh gần như bất khả chiến bại với “đế chế” Adani Group không ngừng mở rộng sang nhiều lĩnh vực...
Tập đoàn khổng lồ của ông nổi lên như một nhân tố quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của hệ thống đường cao tốc, sân bay và cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới khác tại Ấn Độ.
Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi vào ngày 25/1, khi công ty bán khống cổ phiếu Mỹ Hindenburg Research công bố một báo cáo chấn động, trong đó cáo buộc Adani Group thao túng cổ phiếu, gian lận kế toán và nhiều hành vi sai phạm khác.
Dù tập đoàn này một mực phủ nhận các cáo buộc, giá cổ phiếu của các công ty con vẫn không ngừng lao dốc và giảm hơn một nửa giá trị trong những ngày sóng gió sau đó. Cơn lốc bán tháo cổ phiếu này buộc ông Adani - được biết đến là người có mối quan hệ thân cận với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, phải hủy bỏ kế hoạch phát hành cổ phiếu trị giá 2,5 tỷ USD của một công ty con.
Cuộc khủng hoảng này đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ lây lan ra hệ thống tài chính và hiện là một chủ đề “nóng” trong chương trình nghị sự của chính quyền Ấn Độ.
Dưới đây là 4 điều ít biết về tỷ phú Adani và "đế chế" đang lung lay của ông.
ADANI GROUP CÓ TẦM QUAN TRỌNG THẾ NÀO?
Với hoạt động trải khắp mọi lĩnh vực từ bến cảng, sân bay, đường bộ cho tới khai khoáng, sản xuất điện, Adani Group đã tự khẳng định là một phần trung tâm trong nỗ lực đại tu hệ thống cơ sở hạ tầng cũ kỹ của Ấn Độ.
Cơ sơ hạ tầng hiện đại được xem là nhân tố quan trọng để thu hút các doanh nghiệp và nhà đầu tư toàn cầu đến với Ấn Độ, điều mà Thủ tướng Modi cần cho mục tiêu đưa Ấn Độ trở thành một nền kinh tế 5 nghìn tỷ USD.
Bên cạnh đó, cam kết đầu tư hàng tỷ USD vào sản xuất hydro xanh cũng phù hợp với mục tiêu của Chính phủ Ấn Độ là đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070.
Trong kế hoạch ngân sách cuối cùng trước cuộc tổng tuyển cử năm 2024, Chính phủ Ấn Độ đã tăng chi đầu tư vốn lần thứ ba liên tiếp lên 10 nghìn tỷ Rupee (122 tỷ USD), tương đương 3,3% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Chi tiêu vốn chủ yếu dành cho các hạ tầng như đường sắt, đường bộ, nhà máy điện, mạng viễn thông và nhà ở giá rẻ.
MỐI ĐE DỌA CỦA HINDENBERG VỚI ADANI GROUP LÀ GÌ?
Trong báo cáo công bố ngày 24/1, Hindenburg, có trụ sở tại New York (Mỹ), cho biết đã bán khống với cổ phiếu của các công ty con thuộc Adani Group, đồng thời đưa ra một loạt cáo buộc nghiêm trọng đối với tập đoàn này, bao gồm "thao túng chứng khoán trắng trợn và gian lận kế toán”.
Công ty Mỹ ra đời năm 2017 này cũng đặt câu hỏi về mức nợ cao của các công ty con trong tập đoàn, đồng thời cáo buộc các thành viên gia đình Adani "thông đồng để tạo ra các thực thể vỏ bọc ở các khu vực pháp lý được mệnh danh là ‘thiên đường thuế’ như Mauritius, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và các đảo ở Caribe. Các công ty vỏ bọc này được dùng để ‘rút tiền’ từ các công ty niêm yết thuộc Adani Group”.
“Cổ phiếu của 7 công ty niêm yết chính của tập đoàn đã tăng bình quân 819% trong ba năm qua, mang lại khoảng 100 tỷ USD vào tài sản của ông Adani, kể cả khi các công ty này đang gánh một khối nợ khổng lồ, trong đó có những khoản vay cầm cổ cổ phiếu, đẩy tập đoàn này vào tình trạng tài chính bấp bênh”.
Adani Group đã bác bỏ các cáo buộc và gọi báo cáo của Hindenburg là "vô căn cứ" và "một cuộc tấn công có tính toán vào Ấn Độ". Công ty này sau đó đã liên tục có động thái nhằm xoa dịu mối lo ngại về mức nợ của mình.
THIỆT HẠI VỚI ADANI GROUP ĐẾN NAY LÀ BAO NHIÊU?
Các cáo buộc của Hindenburg đã gây thiệt hại lớn cho cổ phiếu và trái phiếu của các công ty con thuộc Adani Group. Tính từ ngày 25/1 tới hết ngày Thứ 6 (3/2), tập đoàn này đã mất khoảng 110 tỷ USD vốn hóa.
Cơn lốc bán tháo cổ phiếu cũng khiến tài sản của cá nhân của ông Adani bị thiệt hại nặng. Tỷ phú 60 tuổi đã tụt xuống vị trí thứ 19 trong bảng xếp hạng người giàu nhất thế giới của tạp chí Forbes. Năm ngoái, có thời điểm ông leo lên vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng này nhờ giá cổ phiếu các công ty con của tập đoàn tăng mạnh.
Chưa hết, các ngân hàng gồm Credit Suisse và Citigroup được cho là đã ngừng chấp nhận trái phiếu từ nhiều công ty con của Adani Group làm tài sản thế chấp cho các khoản vay ký quỹ. Tuy nhiên, trong một thông cáo tuần trước, tập đoàn này khẳng định có "mối quan hệ sâu sắc" với nhiều tổ chức tài chính, bao gồm cả Citi và Credit Suisse.
Một thách thức nữa với Adani Group là công ty xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings hôm 3/2 đã hạ triển vọng xếp hạng của hai công ty con Adani Electricity và Adani Ports từ mức ổn định xuống tiêu cực.
Còn Moody's Investors Service cảnh báo rằng "những diễn biến bất lợi" có thể làm giảm khả năng huy động vốn của tập đoàn Ấn Độ trong 1-2 năm tới. Tuy nhiên, công ty này cho biết sẽ chưa thay đổi xếp hạng đối với các công ty của tập đoàn. Trong khi đó, Fitch cho biết chưa có "tác động tức thời" nào trong xếp hạng của mình với Adani.
Bên cạnh đó, S&P Dow Jones Indices cho biết sẽ loại Adani Enterprises - công ty niêm yết chính thuộc Adani Group - khỏi các chỉ số bền vững của mình từ ngày 7/2. Động thái này có thể cản trở các khoản đầu tư bền vững của tập đoàn, bất chấp cam kết bơm hàng tỷ USD vào sản xuất hydro xanh.
Trong khi đó, Sở giao dịch chứng khoán quốc gia Ấn Độ đã đưa cổ phiếu Adani Enterprises, Adani Ports và Ambuja Cements vào danh sách “giám sát bổ sung".
ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA VỚI ĐẾ CHẾ CỦA ÔNG ADANI TIẾP THEO?
Báo cáo của Hindenburg đã khiến các phe đối lập trong chính trường Ấn Độ kêu gọi điều tra các cáo buộc đối với Adani Group. Điều này có thể khiến các tổ chức tài chính Ấn Độ thận trọng hơn trong việc cho tập đoàn này vay thêm tiền.
Ở nước ngoài, Adani Group cũng hiện diện ở nhiều nơi thông qua các cảng đang hoạt động ở srael và Sri Lanka, và các mỏ than ở Australia và Indonesia. Những cáo buộc của Hindenburg khiến tập đoàn buộc phải “cứu” hình ảnh của mình để đảm bảo nguồn tài chính nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng phi mã của mình.
Trong khi đó, việc hủy bỏ kế hoạch phát hành cổ phiếu đã giáng một đòn mạnh vào tập doàn này. Trước đó, tập đoàn đã lên kế hoạch sẽ dành một nửa số tiền huy động được cho các dự án hydro xanh, sân bay, đường cao tốc, và dùng khoảng 20% để trả nợ.
Adani Group luôn khẳng định sở hữu dòng tiền mạnh và có "thành tích hoàn hảo" về việc thanh toán nợ. Theo ước tính của công ty nghiên cứu Jefferies, trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2022, khối nợ của tập đoàn là 1,6 nghìn tỷ Rupee.
"Quyết định hủy bỏ kế hoạch phát hành cổ phiếu sẽ không ảnh hưởng tới các hoạt động hiện tại và các kế hoạch tương lai của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào việc thực hiện và bàn giao các dự án đúng tiến độ. Khi thị trường ổn định, chúng tôi sẽ xem xét lại chiến lược huy động vốn của mình”, ông Adani khẳng định trong một tuyên bố.