Tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani đã kiếm và có thể mất khối tài sản 147 tỷ USD như thế nào?
Từng là người giàu thứ hai thế giới và giàu nhất châu Á với tài sản 147 tỷ USD, tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani đang đối mặt với cáo buộc gian lận và thao túng cổ phiếu, khiến tài sản giảm chóng mặt...
Gautam Adani là cái tên xuất hiện khắp nơi ở Ấn Độ. Tên tuổi của ông có mặt trên các biển quảng cáo bên đường, ở các sân bay và bến cảng mà tập đoàn của ông điều hành. Các nhà máy phát điện của ông, nhập khẩu than từ Australia, thắp sáng các tòa nhà văn phòng ở thành phố Mumbai. Gần đây, tỷ phú này còn mở rộng “đế chế” kinh doanh của mình sang lĩnh vực quốc phòng và truyền thông.
Vì vậy, tuần trước, khi công ty chuyên bán khống cổ phiếu Hindenburg Research của Mỹ công bố bản báo cáo trong đó cáo buộc Adani Group - tập đoàn năng lượng và hạ tầng mà ông Adani nắm quyền kiểm soát - có hành vi gian lận quy mô lớn, tập đoàn của ông và bản thân ông hứng đòn giáng nặng nề.
Giá cổ phiếu và trái phiếu của các công ty con thuộc Adani Group lao dốc, khiến các nhà đầu tư thiệt hại hàng tỷ USD và châm ngòi cho một cuộc chiến gay gắt mà tập đoàn này gọi là “cuộc tấn công” vào Ấn Độ. Ngày 1/2, Adani Enterprises, công ty chủ chốt thuộc Adani Group, đã hủy bỏ thương vụ chào bán bán cổ phiếu với tổng giá trị ước tính lên tới 2,5 tỷ USD.
Adani Group một mực bác bỏ cáo buộc của Hindenburg Research và nói rằng báo cáo của công ty này là “một cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào Ấn Độ, vào sự độc lập, liêm chính và chất lượng của các doanh nghiệp Ấn Độ cũng như câu chuyện tăng trưởng và tham vọng của Ấn Độ”. Đáp lại, Hindenburg nói rằng tuyên bố bác bỏ của Adani Group chỉ nhằm khơi dậy tinh thần dân tộc chủ nghĩa chứ không giải quyết thỏa đáng các vấn đề mà công ty đã nêu ra.
TÀI SẢN GIẢM MẠNH
Sự trỗi dậy của Ấn Độ trở thành một cường quốc kinh tế thế giới từ lâu đã mang lại vận may cho ông Adani. Trong thập kỷ qua, khi hàng chục triệu người Ấn Độ gia nhập tầng lớp trung lưu, các công ty của ông đã phối hợp chặt chẽ với chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng đất nước, từ sân bay đến bến tàu, đồng thời nhập khẩu nhiên liệu để duy trì quỹ đạo đi lên của nền kinh tế tại quốc gia 1,4 tỷ dân.
Giờ đây, sự cộng sinh giữa tỷ phú này và nền kinh tế Ấn Độ đang đối mặt với một phép thử lớn. Báo cáo dài 104 trang của Hindenburg Research cáo buộc Adani Group đã có hành vi gian lận, bao gồm thao túng thị trường chứng khoán bằng cách sử dụng một mạng lưới công ty vỏ bọc ở nước ngoài cùng với nhiều hoạt động kinh doanh và kế toán đáng ngờ. Phản ứng lại, tập đoàn đã công bố một tài liệu dài 413 trang và gọi báo cáo của Hindenburg là “không có gì ngoài sự dối trá”.
Trước tin xấu dồn dập, tài sản của ông Adani đã giảm mạnh. Vào tháng 9/2022, tỷ phủ 60 tuổi này có thời điểm soán ngôi giàu thứ hai thế giới của người sáng lập Amazon, Jeff Bezos, với tài sản ròng khoảng 147 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index. Ông cũng trở thành người giàu nhất châu Á.
Tuy nhiên, tính từ khi báo cáo Hindenburg được công bố tới ngày 1/2/2023, 7 công ty niêm yết mang tên ông đã mất khoảng 85 tỷ USD vốn hóa thị trường. Các công ty này hiện có tổng vốn hóa 132,3 tỷ USD, theo dữ liệu từ FactSet. Theo đó, ông Adani đã tụt xuống vị trí thứ 10 trong bảng xếp hạng tỷ phú giàu nhất thế giới của Bloomberg với tài sản ròng khoảng 84,5 tỷ USD, tính tới ngày 1/2.
Những cáo buộc của Hindenburg đã làm lung lay điều mà nhiều người Ấn Độ gọi là “mô hình tăng trưởng kinh tế Gujarat” - chỉ quê hương của ông Adani và Thủ tướng Modi. Theo mô hình này, các công ty tư nhân của tập đoàn của ông Adani tận dụng các khoản trợ cấp lớn và ưu đãi của Chính phủ để phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước.
Đảng đối lập với đảng cầm quyền tại Ấn Độ đã sử dụng báo cáo của Hindenburg để chỉ trích Adani Group là một tập đoàn tài phiệt được chính phủ hậu thuẫn.
“Điều này nói lên nhiều điều về tình hình của các công ty Ấn Độ hiện tại”, Hemindra Hazari, một nhà phân tích chuyên về thị trường vốn Ấn Độ, nhận xét. “Các nhà đầu tư rõ ràng đang rất hoảng loạn”.
MỐI LIÊN HỆ MẬT THIẾT VỚI CHÍNH QUYỀN
Nói về mối quan hệ với Chính phủ, trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng này, ông Adani cho biết hầu hết người Ấn Độ đều yêu thích Thủ tướng và không thấy bất kỳ vấn đề gì với mô hình phát triển của Adani Group. Ông cũng nhấn mạnh rằng những đột phá lớn nhất trong sự nghiệp của ông xuất hiện trong thời kỳ mà đảng đối lập đang cầm quyền.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Ấn Độ đã tăng từ 1,82 nghìn tỷ USD vào năm 2021 lên 3,18 nghìn tỷ USD năm 2021. Đây là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong thập kỷ qua. Theo dự báo của Morgan Stanley, Ấn Độ đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2027 và có thị trường chứng khoán lớn thứ ba thế giới vào năm 2030. Ngân hàng này dự báo GDP của Ấn Độ có thể tăng gấp hơn 2 lần lên 7,5 nghìn tỷ USD vào năm 2031.
Ông Adani và tập đoàn của mình hiện tham gia tích cực vào các kế hoạch của Chính quyền Modi nhằm chuyển đổi Ấn Độ từ nền kinh tế từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch hơn như năng lượng gió và mặt trời. Tỷ phú này từng tuyên bố sẽ xây 3 nhà máy sản xuất mô-đun năng lượng mặt trời, tua-bin gió và máy điện phân hydro, nằm trong kế hoạch đầu tư 70 tỷ USD vào công nghệ sạch trong thập kỷ tới. Tập đoàn của ông hiện đang phát triển một trang trại năng lượng mặt trời quy mô lớn ở sa mạc phía Tây Bắc Ấn Độ.
Đến chế của ông Adani bắt đầu ở Gujarat, một bang nằm ở bờ biển phía Tây Bắc Ấn Độ, giáp với Pakistan. Là con út trong gia đình có 5 người con, ông lớn lên ở thành phố Ahmedabad, nơi gia đình kiếm sống từ việc buôn bán hàng hóa. Ông Adani bỏ học từ khi tuổi thiế niên và chuyển tới Mumbai để làm việc tại các chợ kim cương của thành phố này. Ông từng nói rằng bỏ dở học hành là điều không may nhưng nhờ làm việc tại chợ kim cương, ông đã học được cách đàm phán và thỏa thuận.
“Giáo dục mang lại tri thức cho con người. Còn tôi chọn con đường khác, đó là làm việc chăm chỉ và trải nghiệm”, ông chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình.
Ông Adani trở lại quê nhà vào đầu những năm 1980 để cùng làm việc cùng anh trai Mahasukh tại công ty sản xuất nhựa mà người này vừa mua lại. Ông làm việc tại đây với vai trò người phụ trách nhập khẩu, mua vật liệu thô cho các nhà máy của công ty. Sau đó, gia đình ông thành lập Adani Exports, chuyên xuất khẩu các mặt hàng như kem đánh răng và dung dịch đánh bóng giày ra thị trường quốc tế.
Vào đầu những năm 1990, Ấn Độ rơi vào khủng hoảng kinh tế, một phần do sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Chính phủ đã thỏa thuận một khoản vay khẩn cấp từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và bắt tay vào công cuộc tư nhân hóa nền kinh tế.
Khi đó, Adani Exports bắt đầu mua đất tại Cảng Mundra thuộc sở hữu của bang Gujarat. Đặc điểm nước sâu bất thường của Mundra khiến nơi này trở thành địa điểm lý tưởng để cập cảng cho các tàu lớn. Bên cạnh đó, vị trí dọc bờ biển Ả Rập khiến cảng biến này trở thành một cửa ngõ quan trọng cho dòng hàng hóa châu Á chảy về phương Tây.
Ông Adani sau đó đã đề xuất thành lập một liên doanh với bang Gujarat - khi đó vẫn sở hữu đất đai trong khu vực, để tiếp tục phát triển cảng và nhận được cái gật đầu của chính quyền bang.
Năm 2001, sau khi bắt đầu thăng tiến trong Đảng Bharatiya Janata, ông Modi được bổ nhiệm làm thủ hiến của bang Gujarat. Ông đã giúp nền kinh tế bang này phát triển mạnh mẽ nhờ các biện pháp ưu đãi nhằm thu hút doanh nghiệp tư nhân như các nhà sản xuất ô tô, đồng thời nâng cấp nguồn điện và cải thiện hệ thống tưới tiêu cho nông dân.
Dưới sự điều hành của ông Modi, chính quyền bang Gujarat đã bán cổ phần tại liên doanh cảng nói trên cho Adani Exports với giá 2 tỷ Rupee, tương đương khoảng 24 triệu USD theo tỷ giá hiện tại, theo một báo cáo vào năm 2014 của kiểm toán chính phủ liên bang.
“Cảng Mundra ban đầu dự kiến được phát triển là một cảng liên doanh công tư nhưng cuối cùng lại trở thành một cảng tư nhân mà không tuân thủ quá trình đấu thầu cạnh tranh”, báo cáo chỉ ra.
Sau khi nắm toàn quyền cảng Mundra, ông Adani đã xây dựng một tuyến đường sắt đến cảng, trở thành thành tuyến đường sắt đầu tiên ở Ấn Độ được kết nối với hệ thống đường sắt quốc gia. Việc này giúp tăng cường hàng hóa lưu thông qua cảng Mundra. Chính phủ Ấn Độ sau đó chỉ định cảng này là một đặc khu kinh tế, theo đó cung cấp ưu đãi cho các doanh nghiệp hoạt động tại đây.
Bên cạnh việc phát triển cảng, ông Adani cũng nhận thấy một thực tế rằng Ấn Độ thiếu nguồn cung nhiên liệu hóa thạch. Do đó, ông bắt đầu nhập khẩu than từ Indonesia và Australia. Ông đã xây dựng một băng chuyền khổng lồ ở Mundra để vận chuyển than từ bến tàu tới nhà máy điện Adani gần đó. Điện được sản xuất tại nhà máy này sau đó được đưa vào đường dây truyền tải đến các thành phố và thị trấn cách đó hàng trăm dặm.
“Tôi tự hào nói rằng chúng tôi đã có những trải nghiệm tốt đẹp với chính quyền của ông Modi,” ông Adani nói trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình gần đây, đề cập đến chính quyền Gujarat dưới sự điều hành của ông Modi khi đó.
Mundra trở thành cảng tư nhân lớn nhất của Ấn Độ, giúp ông Modi huy động được sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp khi tranh cử Thủ tướng sau đó. Là người theo chủ nghĩa dân tộc theo đạo Hindu, ông Modi đã đánh đúng vào tâm lý thất vọng của một thế hệ người Ấn Độ đã thoát nghèo nhưng không được gia nhập tầng lớp trung lưu vì tăng trưởng giảm sút và thiếu việc làm.
Sau khi đắc cử Thủ tướng, Chính phủ của ông Modi đẩy mạnh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hơn nữa, bao gồm kế hoạch tư nhân hóa hoạt động của 6 sân bay. Các công ty tham gia đấu thầu không cần phải có kinh nghiệm trong việc xây dựng hay điều hành sân bay. Và công ty của ông Adani đã thắng thầu cả 6 sân bay này, trở thành công ty điều hành sân bay lớn nhất Ấn Độ.
ĐÒN BẨY NỢ QUÁ CAO
Khi hoạt động kinh doanh ngày càng phát triển, ông Adani đã tách thành nhiều công ty con riêng biệt và niêm yết cổ phiếu, bao gồm Adani Ports and Special Economic Zone, Adani Total Gas và Adani Transmission. Adani Exports được đổi tên thành Adani Enterprises - công ty hiện được xem là vườn ươm của các ngành kinh doanh mới.
Adani Group cũng mở rộng sang nhiều lĩnh vực kinh doanh mới như trung tâm dữ liệu, khai thác đồng và hydro dù kinh nghiệm hạn chế. Phần lớn việc mở rộng kinh doanh này đều được thực hiện bằng các khoản nợ lớn. Theo các nhà phân tích, nhiều dự án trong số này dự kiến chưa có lãi trong vài năm tới.
Tháng 8 năm ngoái, công ty nghiên cứu nợ CreditSights công bố một báo cáo trong đó nói rằng Adani Group đang sử dụng “đòn bẩy quá cao”. Báo cáo cho biết tính tới năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3/2022, công ty con Adani Green Energy có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là 2.023%. Tỷ lệ này của Adani Transmission là 272%.
CreditSights cảnh báo rằng nếu một trong các công ty của tập đoàn rơi vào khủng hoảng tài chính, thì có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu hoặc định giá của những công ty khác.
Đáp lại, vào tháng 9, Adani Group khẳng định tỷ lệ nợ của các công ty con “vẫn tiếp tục ổn định và phù hợp với tiêu chuẩn của ngành”, đồng thời cho biết thêm rằng các công ty đã liên tục giảm gánh nặng nợ.
Tới tháng 11, Adani Enterprises công bố kế hoạch chào bán cổ phiếu nhằm huy động 2,5 tỷ USD. Công ty này cho biết sẽ dùng tiền huy động được để trả nợ và đầu tư vào các dự án năng lượng xanh, xây dựng đường cao tốc và cải tạo sân bay.
Tuy nhiên, hôm 27/1, ba ngày trước khi bắt đầu chào bán cổ phiếu, báo cáo của Hindenburg được công bố khiến giá cổ phiếu các công ty con của Adani Group đồng loạt giảm sâu.
Trong báo cáo, công ty bán khống có trụ sở tại New York, Mỹ, cáo buộc ông Adani đã thao túng giá cổ phiếu bằng cách sử dụng một mạng lưới công ty vỏ bọc ở nước ngoài để mua cổ phiếu các công ty của mình. Hindenburg cũng nhận định cổ phiếu của các công ty thuộc Adani Group đang được định giá quá cao và đang sử dụng đòn bẩy quá cao.
Vào cuối ngày 1/2, Adani Enterprises đã thông báo hủy bỏ thương vụ chào bán cổ phiếu nói trên.
“Trước tình huống bất thường hiện tại, hội đồng quản trị của công ty thấy rằng việc tiếp tục chào bán cổ phiếu là không đúng về mặt đạo đức”, ông Adani nói trong thông cáo báo chí của công ty.