Đằng sau công ty bán khống cổ phiếu làm chao đảo “đế chế” của tỷ phú giàu nhất Ấn Độ
Ông Gautam Adani, người giàu nhất Ấn Độ, đang rơi vào tầm ngắm của một công ty bán khống Mỹ với cái tên gợi lên sự sợ hãi…
Hindenburg Research, có trụ sở tại New York và được đặt tên theo thảm họa khinh khí cầu năm 1937, là một công ty nghiên cứu tài chính nhỏ nhưng nổi tiếng với các khoản đặt cược táo bạo vào những tập đoàn đang lên mà họ tin là đang được định giá quá cao, gian lận hoặc có cả hai yếu tố này.
Tuần trước, Hindenburg đã gây chấn động thế giới tài chính khi công bố một báo cáo dựa trên một cuộc điều tra kéo dài 2 năm của mình đối với Adani Group - một trong những “đế chế” kinh doanh đa quốc gia lớn nhất tại Ấn Độ.
Báo cáo này, kéo theo cơn bán tháo cổ phiếu của loạt công ty con thuộc Adani Group đã “thổi bay” hơn 100 tỷ USD vốn hóa thị trường của các công ty này chỉ trong 10 ngày. Báo cáo cũng làm dấy lên những lo ngại về việc quản trị doanh nghiệp của tập đoàn này, đồng thời làm nổi lên cuộc tranh cãi về vai trò - thường là gây hỗn loạn - của những công ty bán khống như Hindenburg trên thị trường tài chính.
Ông Gautam Adani, 60 tuổi, sáng lập Adani Group hơn 30 năm về trước và đã phát triển tập đoàn này trở thành nhà vận hành cảng lớn nhất Ấn Độ cùng với hoạt động kinh doanh trải khắp nhiều lĩnh vực từ cơ sở hạ tầng cho tới sản xuất năng lượng. Năm ngoái, ông trở thành người giàu nhất châu Á và từng có thời điểm vượt qua ông Jeff Bezos - người sáng lập Amazon - trở thành người giàu thứ hai thế giới.
Tuy nhiên, báo cáo của Hindenburg - mà Adani Group một mực khẳng định là vô căn cứ - cáo buộc tập đoàn này và bản thân ông Adani thực hiện “một trong những vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử doanh nghiệp thế giới”.
Hindenburg cáo buộc Adani Group “thao túng cổ phiếu một cách trắng trợn” và gian lận kế toán trong nhiều thập kỷ. Hindenburg cũng nói rằng cổ phiếu của Adani Group đang được định giá quá cao và công ty Mỹ đã bán khống cổ phiếu này. Điều này đồng nghĩa Hindenburg sẽ lãi lớn nếu giá cổ phiếu tập đoàn Ấn Độ sụt giảm.
Đáp lại, Adani Group công bố một báo cáo dài hơn 400 trang, trong đó nói rằng báo cáo của Hindenburg “không có gì ngoài sự dối trá”. Tập đoàn này tố ngược rằng việc Hindenburg bán khống trái phiếu và các công cụ phái sinh giao dịch ở nước ngoài là hành vi gian lận chứng khoán, đồng thời khẳng định báo cáo trên là một cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào Ấn Độ.
Hai bên tiếp tục lời qua tiếng lại. Hindenburg nói rằng “hành vi gian lận không thể bị che đậy bởi chủ nghĩa dân tộc” và chỉ trích Adani Group đã phớt lờ “mọi cáo buộc quan trọng mà chúng tôi đưa ra”.
Kể từ khi báo cáo của Hindenburg được công bố tuần trước, Adani Group đã mất hơn 100 tỷ USD vốn hóa thị trường. Bản thân ông Adani cũng mất khoản 50 tỷ USD tài sản, theo Bloomberg Billionaires Index, dù ông vẫn là một trong những người giàu nhất hành tinh với tài sản hơn 70 tỷ USD.
Trong tình hình hỗn loạn này, nhiều người quay sang đặt câu hỏi về Hindenburg. Những công ty bán khống như Hindenburg thường hứng chịu nhiều chỉ trích. Nếu Phố Wall là một sòng bạc, trong đó chiến thắng của một người cũng sẽ mang lại chiến thắng cho người khác, thì những công ty bán khống là bên đặt cược ngược lại. Các công ty này thường lập luận rằng họ đóng vai trò giám sát quan trọng, vạch trần gian lận và đảm bảo cho các loại tài sản không bị thổi phồng thái quá.
“Phố Wall cần những nghiên cứu mang tính phản biện và đối lập bởi vì đây là một cỗ máy được điều chỉnh một cách tinh vi, được tạo ra để bán chứng khoán cho đại chúng, bất kể chất lượng của tài sản đó như thế nào”, Hindenburg viết trong một báo cáo vào năm 2021. “Thế giới doanh nghiệp đầy rẫy các trò gian lận và các nhà đầu tư ít được bảo vệ”.
Các công ty bán khống từng đóng vai trò quan trọng trong việc vạch trần các vụ lừa đảo lớn trên thị trường như của Enron vào năm 2001 hay gian lận vay thế chấp mang tính hệ thống gần như đã tàn phá nền kinh tế toàn cầu vào năm 2008.
Tất nhiên, cũng không tránh khỏi trường hợp một số công ty bán khống đưa ra các cáo buộc phóng đại hoặc sai lệch về một công ty nhằm mục đích thu lời nhanh chóng.
Hindenburg là công ty bán khống chuyên nghiên cứu về tài chính, được thành lập năm 2017 bởi Nathan Anderson.
“Chúng tôi xem Hindenburg là hình ảnh thu nhỏ của một thảm họa do con người tạo ra và hoàn toàn có thể tránh được”, trang web của công ty này viết. “Chúng tôi tìm kiếm những thảm họa nhân tạo tương tự đang xảy ra trên thị trường và làm sáng tỏ trước khi chúng lôi kéo thêm những nạn nhân nhẹ dạ cả tin”.
Hindenburg nổi tiếng là kẻ săn lùng tội phạm tài chính vào năm 2020, khi công ty này ra cáo buộc công ty xe điện Nikola nói dối nhà đầu tư về khả năng của dòng xe tải do hãng này sản xuất. Người sáng lập của Nikola sau đó đã bị kết tội lừa đảo.
Trở lại với trường hợp của Adani Group, luật sư hàng đầu của tập đoàn này cho biết tập đoàn Ấn Độ đang cân nhắc có hành động pháp lý đối với Hindenburg. Đáp lại bằng một dòng đăng trên Twitter, nói sẵn sàng hoan nghênh hành động đó và không thay đổi báo cáo của mình.