Đề xuất sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh: Bộ Nội vụ nói gì?
Bộ Nội vụ cho biết, chưa đề nghị lên Chính phủ và các cấp có thẩm quyền xem xét, sáp nhập bất cứ một đơn vị hành chính cấp tỉnh cụ thể nào, vì đây là vấn đề “cần được nghiên cứu thấu đáo, thận trọng, kỹ lưỡng”…
Thông tin được lãnh đạo Bộ Nội vụ khẳng định tại Họp báo về việc xây dựng báo cáo tổng kết việc thực hiện tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, phân loại đơn vị hành chính quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 19/7.
Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, hiện Bộ Nội vụ đang xây dựng báo cáo tổng kết việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 theo quy định tại Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14; báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chí và phân loại đơn vị hành chính.
Nhìn chung, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã vừa qua có hiệu quả, đạt được các mục tiêu đặt ra. Kết quả đã khắc phục cơ bản tình trạng chia tách làm tăng đơn vị hành chính trong các nhiệm kỳ trước. Bước đầu giảm 8 đơn vị hành chính cấp huyện (từ 713 đơn vị xuống còn 705 đơn vị), giảm 563 cấp xã so với năm 2016 (từ 11.162 đơn vị xuống còn 10.599 đơn vị) phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa ở các địa phương...
Liên quan đến nội dung đề xuất sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh gần đây, Bộ Nội vụ cho hay, cơ quan này chưa đề nghị lên Chính phủ và các cấp có thẩm quyền xem xét, sáp nhập bất cứ một đơn vị hành chính cấp tỉnh cụ thể nào, vì đây là một vấn đề quan trọng, “cần được nghiên cứu thấu đáo, thận trọng, kỹ lưỡng” trên cơ sở lý luận và thực tiễn.
Hiện nay, Bộ Nội vụ đang tập trung nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn của đơn vị hành chính trên cơ sở tổng kết Nghị quyết số 1211, tổng kết thực tiễn việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 theo Nghị quyết số F10653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cần phải lấy ý kiến rộng rãi, qua nhiều vòng.
Đây là nhiệm quan trọng cần ưu tiên thực hiện nhằm tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi một số điều quy định về tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh.
“Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi, bổ sung này mới chỉ là bước đầu. Một số nội dung tiếp tục phải thực hiện ngoài 2 tiêu chí diện tích tự nhiên và quy mô dân số còn một số vấn đề như vị trí địa chính trị, lịch sử, văn hóa, truyền thông và lối sống của cộng đồng dân cư, yếu tố về an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, quy hoạch vùng và quốc gia, yêu cầu phát triển kinh tế, lối sống cộng đồng dân cư”, lãnh đạo Bộ Nội vụ nhấn mạnh.
Do vậy, vấn đề này rất cần phải lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, địa phương cũng như ý kiến của người dân để tổng hợp đầy đủ thông tin làm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 1211 để sớm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
"Việc đề xuất thí điểm mới chỉ ở bước đầu của việc nghiên cứu, xem xét, hoàn thiện, bổ sung cơ sở pháp lý nhất là sửa đổi Nghị quyết 1211. Đây là vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, cần được chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, công phu và phải đánh giá tác động nhiều chiều nhằm bảo đảm tính khả thi, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia", Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết.
Việc này cũng phải dựa trên điều kiện thực tiễn của từng địa phương, bảo đảm phù hợp với diện tích tự nhiên, quy mô dân số, vị trí địa chính trị, lịch sử, văn hóa, truyền thông và lối sống của cộng đồng dân cử, yếu tố về an ninh quốc phòng…
Theo Bộ Nội vụ, việc khảo sát, nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện Đề án rất toàn diện, kỹ lưỡng, thận trọng, cụ thể và hợp lý cần nhiều thời gian. Vì vậy, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định vào thời điểm thích hợp.