Kiến nghị tăng mức hỗ trợ đào tạo nghề sơ cấp dưới 3 tháng
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất để điều chỉnh mức hỗ trợ đào tạo nghề dưới 3 tháng cho phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế hiện nay...
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Yên Bái về việc điều chỉnh tăng mức hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp dưới 3 tháng tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Chính phủ.
Đồng thời, cử tri cũng kiến nghị cho phép sử dụng nguồn kinh phí từ Tiểu dự án 3, Dự án 5 trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa sử dụng hết cho các tiểu dự án, dự án khác thuộc Chương trình.
Trả lời nội dung cử tri nêu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết mức hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ 2 – 6 triệu đồng/người/khóa học tùy theo đối tượng. Một số đối tượng được hỗ trợ tiền ăn (30.000 đồng/người/ngày thực học) và tiền đi lại (200.000 đồng/người/khóa học).
Khoản 8 và khoản 9 Điều 4 Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg quy định: Mức chi phí đào tạo cho từng nghề và mức hỗ trợ cụ thể đối với từng đối tượng tham gia học chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng cơ quan ở trung ương được giao nhiệm vụ thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng phê duyệt phù hợp với chương trình, Thời gian đào tạo thực tế và đặc thù của từng vùng, địa phương.
Đối với những nghề có chi phí đào tạo thực tế lớn hơn mức hỗ trợ tối đa quy định, các địa phương, cơ sở đào tạo chủ động xây dựng phương án huy động nguồn kinh phí bổ sung từ ngân sách địa phương, hỗ trợ của doanh nghiệp, đóng góp của người học và nguồn huy động, tài trợ hợp pháp khác để bảo đảm chi phí đào tạo.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tùy theo điều kiện, khả năng ngân sách địa phương, bố trí và huy động thêm các nguồn kinh phí hợp pháp khác, để hỗ trợ thêm cho các đối tượng khác có nhu cầu học nghề.
Khoản 3 Điều 5 Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg quy định: “...các Bộ, ngành, địa phương, cơ sở đào tạo tùy điều kiện và khả năng, huy động thêm các nguồn kinh phí khác để hỗ trợ thêm tiền ăn, tiền đi lại cho người học trong thời gian đào tạo”.
Căn cứ quy định nêu trên, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nếu tự chủ về ngân sách thì có khả năng bố trí kinh phí bổ sung từ ngân sách địa phương, hỗ trợ của doanh nghiệp, đóng góp của người học và nguồn huy động, tài trợ hợp pháp khác, để hỗ trợ thêm cho các đối tượng nêu trên có nhu cầu học nghề, mà chi phí đào tạo thực tế lớn hơn mức hỗ trợ tối đa.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết hiện Bộ này đang phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh mức hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế hiện nay.
Trong khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt mức hỗ trợ mới, Bộ đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái huy động thêm các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định, để hỗ trợ người học.
Thực tế, mức hỗ trợ học nghề còn tương đối thấp cũng là một trong những lí do khiến người lao động chưa mặn mà tham gia học nghề.
Hiện chế độ học nghề mới hỗ trợ học phí học nghề, chưa có các hỗ trợ khác trong thời gian học nghề (ví dụ: chi phí ăn ở, đi lại, …), dẫn đến khó khăn trong việc tham gia học nghề, nhất là với những người cư trú xa cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn 2015-2023, cả nước có 256.350 người được hỗ trợ học nghề, bình quân 28.483 người/năm.