Nỗi lo lạm phát khiến vàng miếng đội giá gần 2 triệu đồng/lượng trong tuần này
Tốc độ tăng của giá vàng trong nước thậm chí đang nhanh hơn cả giá vàng thế giới, khiến chênh lệch giá vàng trong nước-quốc tế bị kéo giãn...
Giá vàng thế giới tiếp tục tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu và hoàn tất tuần tăng mạnh nhất trong 6 tháng. Giá vàng miếng trong nước sáng nay (13/11) giữ đà leo thang trên ngưỡng 60 triệu đồng/lượng và đã tăng xấp xỉ 2 triệu đồng/lượng so với thời điểm đầu tuần.
Lúc gần 10h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 60,05 triệu đồng/lượng (mua vào) và 60,75 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm ngày hôm qua, giá vàng miếng tại doanh nghiệp này hiện tăng 450.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 650.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Giá vàng nhẫn tròn trơn 999,9 Phú Quý có giá 52,8 triệu đồng/lượng và 53,5 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng ở hai đầu giá.
Tại Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng ở mức 60,05 triệu đồng/lượng và 60,75 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Nếu so với đầu tuần, giá vàng miếng hiện tăng 1,8-1,9 triệu đồng mỗi lượng. Tốc độ tăng của giá vàng trong nước thậm chí đang nhanh hơn cả giá vàng thế giới, khiến chênh lệch giá vàng trong nước-quốc tế bị kéo giãn. Sáng nay, giá vàng miếng bán lẻ cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 9,6 triệu đồng/lượng.
Giá vàng giao ngay chốt phiên giao dịch ngày thứ Sáu tại New York ở mức 1.866,2 USD/oz, tăng 3,3 USD/oz, tương đương tăng gần 0,2%. Mức giá này tương đương khoảng 51,2 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.
Tuần này, giá vàng giao ngay tăng khoảng 2,5%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 5. Tính đến phiên ngày thứ Sáu, giá vàng đã có 7 phiên tăng liên tiếp.
Nhân tố chính đẩy vàng tăng giá trong tuần này là mối lo lạm phát, vì vàng là tài sản được giới đầu tư ưa chuộng trong môi trường tiền giấy mất giá. Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của nước này tăng mạnh nhất hơn 3 thập kỷ.
Vào đầu phiên giao dịch ngày thứ Sáu, giá vàng giảm khoảng 1% do một số nhà đầu tư chốt lời. Việc giá vàng chuyển “xanh” sau đó cho thấy sức mạnh tăng giá của kim loại quý này ở thời điểm hiện tại.
Giá vàng tăng giá mạnh bất chấp tỷ giá đồng USD tăng trong tuần này khi giới đầu tư đặt cược rằng lạm phát cao sẽ buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy nhanh kế hoạch tăng lãi suất. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD chốt tuần ở mức hơn 95,1 điểm, tăng gần 0,9% trong tuần.
Ngân hàng Societe Generale dự báo giá vàng sẽ đạt mức bình quân 1.950 USD/oz trong quý 1/2022, xét tới “cam kết của Fed về hỗ trợ nền kinh tế và lạm phát tiếp tục tăng cao”.