Thị trường thuận buồm xuôi gió suốt quý 1, VPBankS báo lãi 146 tỷ đồng, 40% tài sản là trái phiếu
Trong khi các công ty chứng khoán khác trong quý 1/2024 báo lãi tăng trưởng đột phá thì VPBankS là công ty hiếm hoi báo lãi giảm mạnh.
Báo cáo tài chính quý 1/2024 ghi nhận trong kỳ, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ của VPBankS giảm 56 tỷ đồng xuống còn 241,9 tỷ đồng. Cổ tức tiền lãi phát sinh từ tài sản tài chính FVTPL giảm còn 167 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ lãi từ các khoản cho vay và phải thu tăng mạnh lên 230 tỷ đồng và doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán cũng tăng lên 66 tỷ đồng nhờ đó tổng cộng doanh thu trong kỳ ghi nhận 583 tỷ đồng tăng mạnh so với con số 407 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù vậy, chi phí hoạt động tăng gần gấp 6 lần chủ yếu do lỗ FVTPL lên tới 164 tỷ đồng; lỗ bán các tài sản tài chính FVTPL 158 tỷ đồng và phát sinh 43 tỷ đồng chi phí dự phòng tài sản tài chính, xử lý tổn thất các khoản phải thu khó đòi và lỗ suy giảm tài chính, chi phí đi vay của các khoản cho vay.
Sau khi trừ đi các chi phí khác phát sinh, VPBankS báo lãi sau thuế 145,5 tỷ đồng giảm mạnh gần 43% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giải trình về kết quả kinh doanh quý 1, VPBankS cho biết lợi nhuận tài sản tài chính quý 1 giảm mạnh so với cùng kỳ do thị trường xảy ra biến động mạnh về việc giảm lãi suất.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của VPBankS cuối quý 1 đạt hơn 23.400 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 23.200 tỷ đồng, chủ yếu là các tài sản tài chính gồm tài sản tài chính FVTPL, các khoản cho vay và các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS).
Danh mục tài sản FVTPL của VPBankS chủ yếu là trái phiếu chưa niêm yết. Trong đó, trái phiếu chưa niêm yết 7.321 tỷ đồng; danh mục tài sản tài chính AFS ghi nhận 2.118 tỷ đồng trái phiếu. Tổng giá trị trái phiếu Công ty nắm giữ ở thời điểm này hơn 9.400 tỷ đồng, chiếm 40% cơ cấu tổng tài sản.
Đại hội đồng cổ đông mới đây, VPBankS thông qua kế hoạch tổng doanh thu 2024 ở mức 3.509 tỷ đồng, tăng 94% so với thực hiện năm trước. Nguồn thu chủ lực đến từ kinh doanh trái phiếu và các hoạt động khác, dự kiến đạt 1.342 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước.
Hai hoạt động còn lại, dự kiến sẽ mang về nguồn thu tăng lớn trong đó doanh thu chứng khoán niêm yết kỳ vọng ở mức 2.089 tỷ đồng, gấp 3,2 lần năm trước; doanh thu từ tư vấn phát hành trái phiếu cũng kỳ vọng gấp 2,4 lần năm trước đạt 78 tỷ đồng. VPBankS dự kiến có lãi trước thuế 1.932 tỷ đồng, gấp rưỡi năm trước. Như vậy, đi hết quý 1 VPBankS mới đạt được 10% mục tiêu đề ra.
Nhận định về thị trường chứng khoán mới đây, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường của Chứng khoán VPBankS, cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong chu kỳ tăng điểm (Uptrend) mới. Uptrend này đến từ hai yếu tố.
Thứ nhất là định hướng chính sách. Thị trường có động lực tăng trưởng ít nhất hai năm tới cho làn sóng thị trường mới nổi (emerging market).
Thứ hai là đà phục hồi của lợi nhuận doanh nghiệp.
Hai yếu tố này đảm bảo cho mức tăng trưởng khá tốt trong năm 2024.
Nhận định về nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường, theo Giám đốc Chiến lược thị trường của VPBankS, có 3 nhóm.
Một là, nhóm Ngân hàng. Đây là nhóm vốn hóa lớn tác động lên chỉ số hút tỷ trọng giao dịch gần 30% tổng thanh khoản thị trường.
Hai là, chứng khoán luôn là ngành được nhà đầu tư ưa thích trong 2023 đầu 2024 về câu chuyện phục hồi và nâng hạng.
Ba là, ngành xây dựng và vật liệu xây dựng, có ngành nhỏ là thép. Ngoài ra nhóm xây dựng hạ tầng được chú ý khi đầu tư công được đẩy mạnh.
Đây là 3 nhóm ngành dẫn sóng thu hút dòng tiền, ngoài ra còn có một số ngành khác như bất động sản khu công nghiệp, có làn sóng chuyển dịch từ Trung Quốc, từ khu vệ tinh Indonesia, Malaysia vào. Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư công các tuyến cao tốc, những yếu tố này sẽ hỗ trợ mạnh. Giá thuê khu công nghiệp gia tăng, hút vốn FDI, bạn hàng Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc quay trở lại đầu tư vào Việt Nam.